6 thg 1, 2018

Phố nắng trên cù lao Đại Bái

Có người ví, đường làng đúc đồng Đại Bái tựa một con phố đầy nắng, hay là con đường ánh sáng. Bởi đâu đâu cũng lấp lánh chùm tia phản quang của những đồ mỹ nghệ đồng bày bán san sát hai bên. Xưa làng là một cù lao của sông Bái, chi lưu của sông Đuống. 

Tôi hỏi mua cặp chân nến bằng đồng, người ta chỉ sang cửa hàng của nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, ở xóm Sôn. Ông đã từng được vinh danh “Bàn tay vàng” đầu tiên trong làng...

Giếng cổ và những chiếc nồi ngàn năm 


Truyền thuyết của làng kể, xưa giếng cổ của làng có nước màu đỏ, bởi ngấm bã trầu của Thánh Gióng ăn trong lúc nghỉ ngơi tại đây, sau khi đánh giặc Ân trở về. Hiện xung quanh bờ giếng vẫn còn những dấu gót chân Thánh để lại. Có người còn đồ rằng, ngay cái nồi lớn nấu cơm cho cậu Gióng ăn lớn nhanh như thổi, cũng được dân làng Đại Bái đúc không biết chừng. Ngẫm có lý bởi đã ngàn năm qua dân làng Bưởi Nồi (tên nôm của Đại Bái) đã hình thành nghề làm nồi đồng.


Đến nay trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao rằng: “Muốn ăn cơm trắng cá trôi. Thì về làng Bưởi buôn nồi với anh. Muốn ăn cơm trắng cá ngần. Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng”. Hình ảnh các bà mua đồng nát, trong 36 phố phường Hà Thành cổ, cũng bắt đầu từ đây chăng?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lục nói, cả nước có nhiều làng sản xuất đồ đồng, nhưng sớm nhất phải kể đến làng Đại Bái. Hiện ở làng có nhà thờ tổ nghề là cụ Nguyễn Công Truyền, sinh ra và lớn lên do học giỏi thành tài, cụ Truyền được làm quan tới chức Điện điền tướng quân, trong triều Lý. Khi có dịp đi xứ sang Tàu, ông đã học được nghề đúc rèn cơ khí, làm đồ nông cụ và gia dụng.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Lục khảm ngũ sắc lọ lớn.

Từ quan năm 1018, ông về làng tổ chức và hướng dẫn dân làng làm nghề lò rèn, chế tác nông cụ cơ khí. Từ đó, nhờ những công cụ nông nghiệp được cải tiến, ứng dụng làm cho lao động sản xuất ngày càng nhiều lúa gạo. Cũng từ đây, những chiếc nồi đồng đầu tiên đã xuất hiện, kèm theo còn là chậu, mâm, khay đĩa, cơi trầu, ống nhổ bằng đồng cũng ra đời. Đó là khởi điểm của làng nghề làm đồ đồng gia dụng của Đại Bái. Tính ra cũng đã đến 1.000 năm.

Tuy có nhiều bước thăng trầm, theo những biến động của lịch sử, nhưng nghề gò dát, chế tác đồ đồng vẫn được gìn giữ và phát triển cho đến nay. Những người thợ vẫn thầm lặng làm ăn, cho dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Ông Lục nhớ, thuở còn trẻ theo gia đình làm nghề cũng gặp biết bao rắc rối, do thời cuộc đem đến.

Ông kể, cách đây chừng nửa thế kỷ, chuyện mua bán đồ đồng còn bị cấm đoán. Có người mua được đồ đồng vụn trên phố cũng phải giấu giếm kín đáo mới mang được về nhà. Nhiều khi phải đi đêm về hôm mới mang được hàng ra phố rao bán. Hoặc cùng lúc gánh hàng rong, kiêm sửa chữa, gò dát đồ đồng tại chỗ.

Sau đó là tìm mua đồng vụn. Bằng mọi cách để có vật liệu mang về làng sản xuất. Có người mua được cả một đống vỏ đạn. Liều lĩnh hồi hộp tưởng đến vỡ tim, nhưng vẫn kiên trì chờ ngoài bến sông Đuống, nửa đêm trời sương mù mới dám vác về làng.

Chạy qua những thửa ruộng, lội bì bõm đi tắt các ngả đường mang được về nhà, ngỡ thoát chết. Vậy mà chỉ tuần sau, những chiếc vỏ đạn ấy đã được vào bễ lò, gò dát thành mâm, thành chậu đem lên Hà Nội rao bán. Đúng là sống chết với nghề. Kiên gan trụ vững. Tất cả vì miếng cơm manh áo và chuyện học hành cho các con.

Nhưng cuối cùng, khoảng 30 năm trở lại đây, thời kỳ kinh tế thị trường được khai thông. Làng nghề đúc đồng Đại Bái hồi phục nhanh chóng. Những mặt hàng mới ào ạt ra đời. Nào đồ thờ, tượng phật, lư hương, bình lọ; còn chiêng, chuông, tranh và chữ nữa chứ. Đặc biệt, những đồ mỹ nghệ đồng khảm tam khí, ngũ khí trở thành đặc sản của nơi đây.

Để chứng minh cho sự tươi mới trong nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Lục đưa tôi về xưởng trong gia đình ông, xem những chiếc lục bình cỡ lớn nhất đang được khảm chạm ngũ sắc ra sao. Đây là cặp lục bình đồng cao 1,6m. Thân bình đang được khắc chìm chung quanh hình họa bức tứ bình, bốn mùa ý nghĩa dân gian, cùng những chữ Hán, nôm thư pháp.

Để đục chạm vào chất liệu đồng, đòi hỏi sự khéo léo về hình họa, đường nét mềm mại và uyển chuyển theo khối tròn. Sau đó còn việc khảm những lá vàng, sợi bạc vào những rãnh đục tạo hình trên bình quả là sự kỳ công. Đây là công việc “tô” đắp lại những đường và hình bằng 5 thứ kim loại màu quý như vàng, bạc, đồng đen, đồng xanh, trên nền đồng đỏ, tùy sắc độ bức tranh theo mẫu đã đặt.

Trước mắt tôi mỗi người một việc, tạo nên những âm thanh hòa tấu trong bản nhạc bốn mùa, gò khảm trên bình. Một cô gái tỉa tót, nắn vuốt những sợi vàng đưa vào nét khảm, tựa nét múa lượn ở cổ tay. Tất cả như vào hội với những cánh hoa và đàn chim bay trong bốn mùa vui. Nghệ nhân Lục nói, đây là đơn đặt hàng của một đại gia, mua cặp bình này với giá không hề rẻ. 

Lò đúc đồng ở Đại Bái.

Hội của những “Bàn tay vàng”
Trước khi dẫn tôi sang gặp nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Trung, ông Lục còn kể về những nếp văn hóa, kiêng kỵ ở làng Đại Bái cũng lắm điều vui. Trước hết trong ngôn ngữ giao thiệp phải tránh chữ trùng với tên ông tổ nghề Nguyễn Công Truyền. Thí dụ đáng lẽ nói “truyền nghề”, thì phải nói là “dẫn nghề”, hay “dạy nghề” hoặc “dìu nghề”...

Người thợ giỏi đến mấy cũng chỉ coi là kẻ hướng dẫn nghề cho thợ học việc chứ không là thầy. Lại còn có chuyện, xưa người Đại Bái không được lấy vợ, chồng nơi khác, vì sợ nghề gò dát đúc đồng chạy sang làng khác.

Hay trai làng lấy vợ thì sẽ được nhận của hồi môn là một cái búa và một cái đe. Khi rước dâu phải có một bà già cầm búa và đe đi theo để trao. Sau đó lễ nạp treo của nhà trai là một đôi mâm đồng. Sản phẩm này nhất thiết phải do nhà trai làm ra chứ không được đi mua hàng trong làng. Cái sự trọng nghề của các cụ kinh thế đấy.

Ông Lục cười vui vẻ rồi đọc mấy câu ca dao được truyền tụng bao đời nay: “Mồng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu. Mùng mười hội Bưởi không đâu vui bằng”. Giọng ông trầm ấm nhưng lại dí dỏm tinh tế. Ông lim dim mắt đọc thêm: “Muốn ăn cơm trắng chả chim. Đi về Đại Bái em tìm tình nhân”, hay: “Thuyền về ngược hay thuyền về xuôi. Có về bến Bưởi cho tôi về cùng”.

Rồi ông giải thích, bến xưa đón tàu thuyền các nơi đổ về gom hàng, hiện vẫn còn dấu tích sau chợ ở giữa làng. Chợ Bưởi không còn bán nồi như xưa, nhưng vẫn nhộn nhịp bên con đường làng tràn ngập đồ đồng, tấp nập khách thập phương tìm về.

Khi tới xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, tôi càng cảm nhận rõ không khí rộn rã náo nức, bên đường làng. Hàng chục thợ trẻ đang cắm cúi với những chiếc búa nhỏ trên tay. Người nào cũng chăm chút sản phẩm của mình. Đó là lớp thợ trẻ do anh Trung đào tạo và giao việc luôn cho họ. Tiếng gò dát đồng nhẹ nhàng chứ không ồn ào như trong phân xưởng sắt thép. Dường như âm thanh nơi đây hòa thành một bản nhạc vui tai, cùng những giọt mồ hôi rơi trên vầng trán các thợ trẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung nói, cần sự nhẫn nại và thầm lặng, tập trung vào công việc, người thợ mới truyền được cái hồn vào những họa tiết trên sản phẩm. Anh nói nét tài hoa của người thợ bao giờ cũng được thể hiện trên những họa tiết trên sản phẩm. Đó là những bài thơ của tâm hồn người thợ tạo nên. 

Trong xưởng khảm đồng ở Đại Bái.

Anh lấy một chiếc lư hương chỉ cho tôi xem hình tượng hai con rồng chầu quanh hạt châu, có tên là “Lưỡng long tranh châu”. Vậy người thợ phải “vẽ” hình bằng những nhát đục chìm, sao cho nét uốn lượn thu dần về đuôi, phải mềm mại liền mạch như sóng nước, như gió thoảng vậy. Hay với cánh hoa sen cũng vậy, nét chạm cần thể hiện cho được bốn cái đức của sen là hương, tịnh, mềm mại, và quý phái. Đó là nét tài hoa của những “bàn tay vàng” của người Đại Bái.

Tôi còn nghe nói nghệ nhân Trung, vừa qua đã cung tiến cho làng bức tượng phật cao 2m. Nguyên liệu đồng được quyên góp từ nhiều gia đình, nghệ nhân Trung thực hiện tất cả các công đoạn nung, đúc, khắc chạm chi tiết và hoàn thành tác phẩm trong mấy tháng liền. Anh từng là nghệ nhân quốc gia được phong tặng sớm đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Bên cạnh nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, ông Lục cho biết làng còn có nghệ nhân Nguyễn Văn Điền, “bàn tay vàng” nổi tiếng, chuyên làm tranh đồng. Ông Điền là một trong những người có nhiều đóng góp phục dựng lại nghề làm đồ đồng, từ đầu những năm 1990 đến nay. Ông là người đầu tiên đưa tranh dân gian Đông Hồ lên đồng.

Kỹ thuật thúc tranh đồng của ông, giữ đúng nét hồn nhiên, phóng khoáng của tranh Đông Hồ in trên giấy dó. Nét mộc bản được chuyển hóa sang trọng và long lanh trên những tấm tranh đồng. Đó là những tố nữ thướt tha trong bộ tứ bình, hay những cậu bé chăn trâu say mê thổi sáo, hoặc là những nét hứng khởi của chiếc váy trong bức tranh đánh ghen...

Tất cả được thể hiện trên những tấm đồng sau bao ngày đêm mày mò dùng búa gỗ để gò tranh. Đó là thành quả của một ý tưởng sáng tạo độc đáo của nghệ nhân Nguyễn Văn Điền. Đồng thời đây cũng là một mặt hàng mới của làng Đại Bái cùng các tranh chữ và phong cảnh.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Điền được phong tặng danh hiệu “Tinh hoa đất Việt”. Hơn 20 năm qua ông Điền cũng đã đào tạo hàng trăm thợ trẻ. Hiện có nhiều người đã đứng ra tự mở xưởng chế tác đồng của riêng mình. Ông tự hào vì sự tiến bộ của những học trò và sẵn sàng tiếp sức cho họ tiến bộ trên con đường làm ăn.

Những bản nhạc chuông
Tôi cùng ông Lục đi dọc đường làng. Bất chợt gặp một cửa hàng bán tượng phật và chuông gần chợ. Chúng tôi ghé vào xem những chiếc chuông nhỏ xinh được mạ lớp đồng vàng bóng. Ông Lục cho biết đây là những mặt hàng chế tác vào loại khó nhất trong nghề đúc đồng.

Làm tượng đã khó, nhưng chỉ khó ở khâu kỹ thuật làm khuôn mẫu, thể hiện được cái hồn cốt của nhân vật, sau đó là gia công chi tiết. Nhưng làm chuông, tưởng dễ nhưng lại rất khó ở khâu lấy tiếng, tạo khuôn thế nào, điều chỉnh hình vú chuông ra sao, thật sự là một bí ẩn. Mỗi quả chuông đều có ba phần không giống nhau, dày mỏng khác biệt trong những đường kính tròn to nhỏ đã được xác định.

Riêng miệng chuông cũng phải được tính toán kỹ lưỡng theo độ lớn nếu không, tiếng bị đục. Kể cả vị trí chỗ đánh chuông, treo chuông cũng được tính theo tỉ lệ nào đó, để thỉnh lên thanh âm phù hợp. Ấy là còn chưa tính đến đồng còn phải được pha hợp kim với độ dung sai nào để tìm được âm chuông chính xác.

Tôi nghe mà ù cả tai, ngỡ cái chuông chỉ là khối đồng rỗng như thế thì ắt thợ nào cũng làm được. Hóa ra không phải vậy, ông Lục còn nói nghệ nhân đúc chuông thạo nghề chỉ nghe tiếng chuông là biết được cái tài đến đâu. Chuông tốt thì kêu ngân nga, trong trẻo âm vang. Nếu chuông không đạt yêu cầu sẽ cho tiếng gắt, cụt hoặc nhỏ. Chuông sẽ vỡ tiếng, kêu oàng, oàng nếu thành chuông mỏng quá. Tôi phì cười khi nghe ông Lục mô tả.

Nhưng ông còn nhấn mạnh, khi rót đồng nóng chảy vào khuôn, nếu vội vàng để còn “giọt sống” (đồng nung chưa chín đều) thì tiếng chuông rè ngay. Như vậy chuông phải vứt bỏ. Đó là một ca bệnh hiểm nghèo trong nghề đúc.

Bất ngờ có làn gió ùa tới từ cánh đồng làng. Dàn chuông treo va vào nhau, rung lên âm thanh vui tai, ngân nga liên hồi. Hết đợt nọ đến đợt kia. Gió bâng khuâng nhẹ bay. Ai đó chợt thỉnh lên tiếng chuông từ ngôi chùa bên đường. Bong... bong... bong... Chiều tắt nắng. Hai bên đường vẫn hừng lên sắc vàng dịu nhẹ, ấm áp từ những chiếc lư đồng. Tiếng chuông vang xa... vang xa... ngân mãi trên con đường tôi đi. 

Vương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét