27 thg 1, 2018

Những góc riêng của Huế

Dẫu không chủ đích đến Huế, nhưng trong cuộc hành trình Bắc Nam của những chuyến xe dong ruỗi, Huế vẫn là điểm được chọn để dừng lại, có thể là ở lại một đêm, có thể là vài giờ đồng hồ, để ít nhất một lần bước chân vào kinh thành Huế, nghĩ về vương triều nhà Nguyễn xa xưa.

Có lẽ du khách không khỏi có sự nao nức, dẫu chỉ đi một vòng trong khuôn viên hoàng thành rộng tới 520 ha kia, để tưởng tượng cảnh vua ngồi ngai vàng thượng triều, cảnh cung tần mỹ nữ dạo chơi hay những buổi yến tiệc vua chúa đã từng diễn ra.


Một góc tường thành.

Kinh thành Huế được vua Gia Long cho khởi công xây dựng vào năm 1805, tới 27 năm sau, vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng mới hoàn thành. Công trình huy động thường xuyên 30.000 nhân lực, làm việc dưới sự điều khiển của Giám thành Nguyễn Văn Yên. Đây là công trình lớn nhất của các triều vua Nguyễn, là một trong số các di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Tính tuổi đời thì kinh thành Huế đã trải qua 200 năm dâu bể, ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh cho đến năm 1975, hòa bình lập lại, thống nhất đất nước. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ, hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp. Khu vực hoàng thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc nguyên thủy. Khu vực kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng… Cho đến năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quyết định đầu tư tu bổ.

Đến kinh thành Huế theo các tour hướng dẫn hoặc đi theo nhóm, đầu tiên là khách đợi trước Ngọ Môn, sau đó theo một lộ trình định trước là qua nơi hồ sen có rất nhiều cá chép vẫy vùng ở đó. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi ngắm nhìn bầy cá đòi ăn bên cạnh những cây hoa sứ cổ thụ với dáng cây khá đẹp. Kế đến, bước vào nơi hàng trăm năm trước là chỗ để bá quan văn võ tụ họp khi vua thượng triều, thắp một nén nhang nên chiếc đỉnh to để sẵn., rồi đi ngang qua những di vật còn lại như ngai vàng, giường ngủ của vua…

Khách lại tiếp tục vào nơi trưng bày những bộ sưu tập trong cung đình, lạc vào không gian của những tòa nhà, bắt gặp chút bâng khuâng nghĩ về triều Nguyễn, ghé ngắm nhìn cửu đỉnh, và cũng có thể thử làm vua trong vài phút trong không gian riêng của tả gian. Duyệt Thị Đường biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế, bộ môn này đã trở thành di sản văn hóa UNESCO và rất thu hút khách ghé vào xem.

Những kiến trúc của kinh thành Huế có sức thu hút đặc biệt cho những ai lần đầu đặt chân tới, thậm chí đã ghé qua nhiều lần. Nhưng ngoài ra, kinh thành Huế còn có những góc riêng mà chỉ có những bước chân tò mò tìm tới, như chạnh lòng trước cái hoang phế của một vương triều, hay nhấm nháp cái tàn phá của thời gian, nghe đâu đó những hoang phế kể câu chuyện trăm năm.

Tôi đi qua và chạm vào kinh thành Huế với một góc nhìn khác. Đó là khu dành riêng cho cung tần mỹ nữ ngày xưa, nơi tọa lạc một khu nhà riêng biệt, phía trước là hòn non bộ với cây xanh và đá giả. Chỉ đưa mắt ghé nhìn những cánh cửa đã bị thời gian làm hư hại, những hành lang ẩm thấp bởi gió mưa, chợt như nghe tiếng cười của những mỹ nữ xa xưa kia, như hình dung ra những bước chân sen nhẹ nhàng chạm vào những viên gạch hồng, và nghe cả mùi hương thanh khiết của nhan sắc vẫn còn lan tỏa trong không gian.

Tôi đưa máy ảnh lên chụp một cổng vòm đã bị rơi vỡ từng mảng gạch, tưởng như nơi này đang nằm mê ngủ theo thời gian. Những bức tường thành ngã màu đen, dây leo chớp thời cơ bám vào rêu phong ấy mà bình thản cho nở những đóa hoa xinh xinh.

Những công trình ở kinh thành Huế ấy còn trầm mặc với thời gian cũng là điểm nhấn cho ai đó ngắm nhìn như để chạm vào vương triều xưa, và lòng chao theo những chiếc lá ngô đồng vào mùa thu làm vàng cả kinh thành đang rơi rụng.

Nơi cung nữ ở ngày xưa.

Khuê Việt Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét