27 thg 1, 2018

Làng làm quỳ vàng duy nhất tại Việt Nam

Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống chuyên làm vàng quỳ thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đến Kiêu Kỵ hôm nay, từ xa đã nghe thấy những âm thanh đập quỳ vang vọng khắp xóm làng.

Ở làng Kiêu Kỵ hiện có hàng trăm hộ gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn tới 20 thợ làm việc. Nhờ vậy, hàng trăm thanh niên và người cao tuổi trong làng có việc làm với thu nhập ổn định.

Anh Vũ Huy Giao, người dân làng nghề vàng quỳ Kiêu Kỵ đang miệt mài giã quỳ. Ảnh: Trịnh Bộ 


Từ những thỏi vàng, bạc thật sẽ được đập cho dài và mỏng (gọi là đập diệp) có bề ngang 1 cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 1 cm2 rồi đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4 cm được kén từ loại giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc.

Những tấm lá vàng được người dân làng nghề Kiêu Kỵ đặt vào những tấm giấy hình vuông . Ảnh: Trịnh Bộ 

Bà Hoàng Thị Anh, vợ của nghệ nhân Lê Bá Tươi cho biết: “Để có được một quỳ thành phẩm đạt 490 lá thì cần trải qua đến gần 40 công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn đều có sự phức tạp riêng, chẳng hạn như phải nấu keo trộn bồ hóng, rồi đem đập, bóc, luộc mới có thể dùng được”.

Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1 
m2. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục. Công việc này phải diễn ra xuyên suốt, nếu người thợ đập không đều tay hoặc chỉ ngưng một chút lá quỳ sẽ nguội dần và công việc này lại phải thực hiện lại từ đầu. Cho nên tính ra người thợ phải đập trên 400 nhát búa mới cho một quỳ vàng.

Lá vàng được đặt vào giữa những tấm giấy mực hình vuông để đem đi giã quỳ. Ảnh: Trịnh Bộ 

Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều thợ, kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực “lướt” quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách và chỉ cần lơ đãng một chút là búa quỳ sẽ đập vào ngón tay.

Ông tổ làng nghề Kiêu Kỵ hiện được thờ tại gian thờ tổ trong làng Kiêu Kỵ. Ảnh: Trịnh Bộ 

Là một người gắn bó với nghề làm quỳ vàng, bạc từ nhỏ, nghệ nhân cao tuổi nhất làng Kiêu Kỵ - Lê Bá Vòng cho biết: “Từ 1 chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1 m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả công nghiệp dát vàng của Nhật Bản. Chính vì vậy, cho đến nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này”. 

Những gói quỳ thành phẩm. Ảnh: Trịnh Bộ 

Có thể nói sản phẩm quỳ vàng, quỳ bạc của làng Kiêu Kỵ đã góp phần làm đẹp cho đời. Đó chính là cái đẹp tiềm ẩn, cái hồn trong mỗi pho tượng, bức tranh do người thợ làng nghề Kiêu Kỵ làm ra được khẳng định qua hàng trăm năm nay.

Trịnh Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét