27 thg 1, 2018

Rong chơi ở Tà Phìn

1. Ra khỏi Sa Pa trên con đường hướng về thành phố Lào Cai chừng hơn 6 km thì có một con đường rẽ bên trái. Không có bảng hướng dẫn, chỉ có thể tìm đường bằng cách hỏi miệng với cô chủ tiệm bán tạp hóa ở ngã ba: “Cô ơi, có phải đây là con đường đi Tà Phìn”. Cô chủ tiệm gật đầu. Con đường theo sự chỉ dẫn của cô chủ tiệm tạp hóa là một con đường có đủ loại ổ gà, ổ trâu, ổ… voi. Đi một đoạn thì gặp một trạm thu phí nho nhỏ ven đường, cô nhân viên ăn nói ngọt ngào: “Dạ, mỗi đầu người bốn chục ngàn ạ!”. Tiền trao tay rồi qua cổng, không có vé, chẳng biên nhận.

Phải ghìm chặt tay lái để lạng lách trên những con dốc, bên dưới ruộng lúa vào mùa lúa chín với màu vàng quyến rũ, nhưng muốn nhìn ngắm thì chỉ có cách duy nhất là dừng xe, có chỗ hố sâu, tay lái suýt chao té xuống…



Ấn tượng ban đầu trên con đường đi Tà Phìn là như thế.

Tà Phìn là một bản làng với đa phần người Dao Đỏ sinh sống, cách thị trấn Sa Pa 12 km. Nơi đây ít du khách tìm tới hơn vì đã có bản Tả Vạn, Tả Van được khai thác du lịch, có chỗ buôn bán, thu hút nhiều người đến. Nhưng với tôi, vì cái vẻ hoang sơ ở Tà Phìn mà tôi phải tìm tới, nói vui là xem thử đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sống như thế nào.

Xe cứ đi trên con đường gập ghềnh, và cuối cùng tới một ngã ba. Ở đây có một cửa hàng bán nước giải khát, có cơ man nào là phụ nữ Dao đỏ chờ sẵn. Ai cũng váy áo lộng lẫy, trên đầu chít khăn đỏ, phía sau có cái gùi hoặc địu đứa con nhỏ. Xe máy cứ để trước quán, bà chủ cửa hàng giữ hộ với giá 5.000 đồng.

Một, rồi hai, ba… người lập tức vây quanh. Có một chị ngay tức khắc giới thiệu về mình: “Em năm nay 54 tuổi, có hai con, em đi bán thổ cẩm cho khách, lát anh, chị thích thì mua giúp”. Trong dòng người đi theo có một cô gái 19 tuổi, cô hồn nhiên địu đứa con mới hai tháng tuổi phía sau. Cạnh đó, có mấy ông khách người nước ngoài tới, lại thêm một đội quân kiên trì đi theo.

Họ, những người phụ nữ Dao đỏ đi theo khách một cách hồn nhiên và kiên trì. Trời mưa bay lất phất, lập tức họ giương chiếc ô đã cầm sẵn trên tay cho khách. Họ hồn nhiên hỏi chuyện giống như đã được đào tạo: “Chị mấy tuổi rồi mà trẻ vậy? – Chị ở đâu tới? – Chị có mấy con? – Chị thấy Tà Phìn có đẹp không?…”

Họ không nài mua hàng, họ cứ đi theo. Cuối cùng rẽ vào một ngôi nhà dân địa phương. Ngôi nhà lợp gỗ, mái phủ rêu xanh in dấu thời gian. Ông chủ nhà vui khi khách vào. Khách cứ chụp ảnh cái tủ bếp trống không, cái chảo nấu thức ăn trống không, căn nhà mờ mờ bởi ánh sáng mặt trời xuyên qua vách. Ông chủ mời khách uống nước, đó là chén nước trắng. Tôi uống một hơi để tỏ sự chân tình.

Rốt cuộc cũng mềm lòng với “những người đi theo”. Ở trước sân nhà, bảo họ bán cái gì thì mang ra: khăn choàng, túi may bằng thổ cẩm… Giá cả họ đưa ra cao gấp đôi gấp ba giá bán ở chợ Sa Pa. Không sao! Trả giá là họ bán, trả cao một tí coi như tạo niềm vui cho những đôi chân đi theo du khách. Mua mỗi người một món, mà mua cũng chẳng biết sau đó dùng làm việc gì. Sau khi bán hàng, tức khắc họ đi thật nhanh về lại cái quán nước đón khách, họ không đi theo nữa.


2. Thật ra Tà Phìn có nhiều ngõ ngách để đi đến những buôn làng. Từ chỗ vừa ghé qua, chúng tôi lại rẽ xuống con đường mà hai bên đầy lúa chín, dọc đường vô số người Dao đỏ lầm lũi bước đi. Mảnh đất hoang sơ này thiếu tiện nghi, nhưng không gian thơm lừng mùi hoa cỏ khiến cho những du khách ưa thích khám phá tìm đến, mang theo lều bạt giăng giữa cánh đồng mà chiêm nghiệm. Trên đường đi tôi thấy những chiếc xe bảy chỗ cố vượt qua con đường xấu, mang theo đủ mọi thứ để chọn nơi ở lại.

Khu trung tâm nho nhỏ, có nhiều cửa hàng buôn bán mọi thứ, chủ yếu vẫn là thổ cẩm. Chỉ dừng xe hoặc thả rong đi bộ là ngay tức khắc có người đi theo. Vẫn những câu hỏi quen thuộc: “Chị mấy tuổi? Chị ở đâu đến?”… Vẫn sẵn sàng che nắng che mưa cho khách. Nhưng con đường qua khu dân cư lại xấu không thể nào diễn tả. Đó là lưng của đá trắng, lâu ngày lồi lõm và có chỗ đá mòn trơn, ghìm xe mà cứ sợ đổ nhào. Thoát ra khỏi làng, gặp cánh đồng lúa mênh mang, không ai quấy rầy, chẳng ai đi theo, cứ thế mặc sức mà ngắm nhìn, mặc sức chụp ảnh.

Tận cùng Tà Phìn có một cái động, gọi là động Tà Phìn hay còn gọi là động không đáy. Động có cánh cửa sắt bên ngoài, tối om. Ở ngoài động vẫn là những người Dao đỏ đi theo, sẵn sàng cầm đèn pin dẫn đường. Họ sẽ quét đèn pin lên những nhủ đá vôi cho bạn ngắm nhìn, đi một đoạn rồi đi ra. Hoặc chọn phương án thứ hai là thuê chiếc đèn pin với giá 20.000 đồng/giờ. Những người Dao đỏ đi theo ngẫm ra rất thông minh trong việc làm hài lòng du khách.

Ở Tà Phìn có một quán ăn ngay ngã ba, quán bán một phần cơm khoảng 50.000 đồng, là nơi nhiều du khách tìm tới sau cuộc hành trình. Bà chủ quán người tỉnh Điện Biên vui vẻ chuyện trò cùng khách. Nếu khách thích ở lại thì có mấy căn phòng homestay và có cả tắm thuốc của người Dao đỏ. Phía trước cửa quán lại vẫn là những người phụ nữ Dao đỏ ngồi đợi khách để đi theo.


Khuê Việt Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét