24 thg 1, 2018

Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay

Ngày 20/7/1885 chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt Sông Vàm Cỏ Đông bằng phà tại Bến Lức, đến ga cuối cùng tại trung tâm Tp. Mỹ Tho đánh dấu sự ra đời của ngành Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), một trong số ít nước có hệ thống đường sắt hiện đại khi đó. Sau hơn 132 năm phát triển, mạng lưới đường sắt chính của Việt Nam với tổng chiều dài 2600 km nối liền các khu dân cư, trung tâm văn hóa nông nghiệp và công nghiệp suốt từ Bắc vào Nam. Chi phí vận doanh thấp, độ an toàn cao, thân thiện môi sinh, tiêu hao ít năng lượng và tài nguyên đất đai... là những ưu điểm nổi trội của đường sắt. 

Những bánh hỏa xa mang khát vọng “Đổi mới”
 


Địa hình đất liền Việt Nam chạy dài hướng Bắc - Nam theo bờ biển hình chữ S, có lẽ vì thế, mà từ năm 1936, người Pháp trong công cuộc khai thác thuộc địa đã xây dựng mạng đường sắt dọc Việt Nam với tổng chiều dài 2600km. Trong thời gian chiến tranh, tuyến đường sắt bị chia cắt và được phục hồi sau khi đất nước thống nhất năm 1975. Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và ngày nay, đang tiếp tục phát triển với hai nhiệm vụ quan trọng là kết nối du lịch và vận chuyển hàng hóa.

“Nếu chúng ta xem việc đi bằng tàu hỏa như đọc một quyển sách thì nó không chỉ có nghĩa là đi từ A đến B nữa, mà là một cách để chúng ta "đọc" về cảnh quan, con người và văn hóa”. (Du khách Hà Lan OEP JANSSEN đã chia sẻ cảm nhận trong chuyến du lịch 7 ngày cùng gia đình trên những tuyến đường sắt Việt Nam).
(theo báo Tuổi Trẻ)

Trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt Nam, mỗi khi âm điệu bài hát “Tàu anh qua núi” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa vang lên thì trong lòng lại rộn ràng một niềm cảm xúc khó tả. Bởi ở đó, có niềm tự hào về hình hình ảnh đẹp của Việt Nam rộn vang trong ca từ như: “Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”, “Biển quê hương ru êm êm bờ cát”, “Là tàu anh đi vượt qua núi cao”...
Với lợi thế tuyến đường sắt chủ lực chạy dài theo địa hình đất nước, từ Bắc vào Nam, cung đường sắt nẳm dọc ven biển, nằm giữa những cánh đồng lúa vàng rực ngày mùa, những vườn cây trái xanh tốt, những bãi biển trong xanh, những con sông hiền hòa, những ngọn núi kỳ vĩ gắn liền với những địa chỉ du lịch của Việt Nam như: Hàm Rồng (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An), Đèo Ngang (nằm giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Đèo Hải Vân (nằm giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng), những máy điện gió gió khổng lồ (Bình Thuận), biển Cà Ná (Ninh Thuận), vịnh Vũng Rô, Mũi Điện (Phú Yên)…

Đội ngũ tiếp viên và lái tàu. Ảnh: Tư liệu

Đội ngũ nhân viên bật đèn báo hiệu đủ điều kiện an toàn cho một chuyến tàu khởi hành. Ảnh: Tất Sơn

Những toa tàu du lịch của Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội chạy tuyến Bắc – Nam

đón khách tại Ga Hà Nội. Ảnh: Tất Sơn

Anh Võ Đức Kỷ (Trưởng tàu SE3 tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh) cùng một du khách nhí. Ảnh: Tất Sơn

Không gian rộng rãi trên các toa tàu tạo cảm giác thoải mái cho các em nhỏ. Ảnh: Tất Sơn

Nữ nhân viên phục vụ, phát báo miễn phí cho du khách trên tàu. Ảnh: Tư liệu

Công ty cổ phần xe lửa Dĩ An, nơi thiết kế, chế tạo những toa xe khách theo công nghệ mới. Ảnh: Thông Hải

Chi nhánh toa xe Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội là nơi sửa chữa, căn chỉnh những toa tàu. Ảnh: Công Đạt

Đội kiểm tra, bảo dưỡng đường sắt đoạn đèo Hải Vân, Đà Nẵng. Ảnh: Công Đạt 

Từ ga Hà Nội, chúng tôi cùng Choloe Maxwel và những người bạn đồng hành đến từ Úc chọn chuyến tàu đêm Thống Nhất cho điểm đến là thành phố Đà Nẵng. Sở dĩ Choloe Maxwel chọn hình thức di chuyển bằng hỏa xa bởi cô nghe thông tin tờ Telegraph của Anh bầu chọn đây là một trong 10 tuyến du lịch bằng tàu hỏa ấn tượng nhất thế giới.

“Tuyến đường sắt Bắc - Nam là một điểm nhấn thú vị với cảnh quan, văn hóa và khí hậu - những vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam mà du khách nếu đơn thuần bay từ điểm này sang điểm khác không thể thấy được”.
(Du khách Hà Lan OEP JANSSEN)
(theo báo Tuổi Trẻ)
Vào sáng sớm, khi tàu chạy đến Lăng Cô (Huế), khung cảnh hiện ra là không khí trong lành của khu vực đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Rồi Choloe Maxwel và những du khách trên cùng chuyền hành trình với chúng tôi như vỡ òa trước cảnh đẹp ngoạn mục cung đèo Hải Vân. Với những ấn tượng bước đầu, Choloe Maxwel đang khấp khởi hy vọng khi nghe loa phát thanh trên tàu thông báo, Thành phố APEC 2017 Đà Nẵng là trung tâm để di chuyển đến Di sản thế giới Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Ở một hành trình khác, chúng tôi cùng với gia đình anh Võ Đình Khang có mặt trên chuyến tàu SNT2 Sài Gòn - Nha Trang. Được biết, đây là đoàn tàu "5 sao" được trang bị nhiều tiện ích hiện đại. Trước khi dừng chân ở ga cuối Nha Trang, anh Khang chia sẻ cảm nhận rằng: “Nội thất tàu đẹp quá, vật dụng cao cấp và sạch sẽ. Bọn trẻ nhà mình rất thích thú khi được đi tàu hỏa”.

Với mục đích vận chuyển khách đến các địa danh du lịch, Đường sắt Việt Nam chú trọng phát triển các tuyến đường ngắn và trung bình như tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đà Nẵng, Sài Gòn – Phan Thiết, Sài Gòn – Nha Trang… Những tuyến vận tải đó, lượng hành khách ngày càng tăng. Điển hình như tại ga Nha Trang, vào thời gian cao điểm, các hãng lữ hành đặt trước gần 2000 chỗ cho mỗi chuyến đi.

Theo ông ông Đào Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, Công ty đã kết nối được 150 đơn vị lữ hành nên có một lượng hành khách du lịch đi đường sắt ổn định. Cùng với các chính sách như giảm giá vé theo tour, đưa vào chạy những đoàn tàu 5 sao với thiết bị tiện nghi hiện đại, nâng cao cung cách phục vụ chuyên nghiệp của nhân viên… nên lượng khách ngày càng tăng.

Những bánh hỏa xa liên vận

Hiện đường sắt Việt Nam quản lý 3160 km đường khổ đường 1 mét, đường lồng, tiêu chuẩn. Trong đó, 7 đường chính tuyến là 2524 km gồm: tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quán Triều, Kép – Hạ Long, Kép – Lưu Xá. Mỗi năm, đường sắt Việt Nam vận chuyển gần 12 triệu hành khách.
Trên những chuyến tàu chạy dọc Bắc – Nam ngày đêm mang tên “Thống nhất”, “Đổi mới” như thể hiện khát vọng của người Việt Nam qua từng thời kỳ. Nếu như trong hai cuộc chiến tranh về quốc, từng chuyến tàu mang khát vọng của cả dân tộc mang tên Thống Nhất nườm nượm từ miền Bắc chở người, vật chất vào chi viện cho chiến trường Miền để làm nên ngày thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975. Ngày nay, guồng quay của những chuyển hỏa xa mang tên “Đổi mới” đang miệt mài ngày đêm kiến thiết, xây dựng đất nước.

Trong chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung: tái cơ cấu và phát triển thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần, ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải đường sắt và vận tải đường thủy nội địa. Với chủ trương đó, ngành đường sắt đang tập trung tái cơ cấu, đổi mới hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện tốt yêu cầu của đất nước đặt ra.

Chuyến tàu Thống nhất đi qua khu vực eo biển Phú Yên. Ảnh: Thông Hải

Một chuyến tàu chuẩn bị cập bến ga Nha Trang. Ảnh: Thông Hải

Chuyến tàu Thống nhất chạy qua đèo Hải Vân (giáp ranh giữa Tp. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế) Ảnh: Tất Sơn

Chuyến tàu tuyến Bắc Nam chạy song song với tuyến đường bộ địa phận eo biển Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Luân

Tuyến đường sắt Bắc – Nam đưa du khách đi qua những cánh đồng lúa chín vàng. Ảnh: Thông Hải

Đường sắt Việt Nam và Đường sắt Trung Quốc đã chính thức đón đoàn tàu chuyên container đầu tiên kết nối giữa hai quốc gia tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) vào ngày 25/11/2017. Theo đó, đoàn tàu xuất phát ngày 22/11 từ ga Hoàng Cương, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc và đích đến là ga Yên Viên, Hà Nội, Việt Nam. 

“Loại hình vận chuyển bằng container trên đường sắt sẽ là lựa chọn hàng đầu cho khách hàng tại mỗi nước. Sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như quá cảnh qua nước thứ ba ngày một tăng,” lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh.
(Theo Vietnamplus)
Ngành đường sắt hiện có hơn 5000 toa xe chở hàng, gần 300 đầu máy các loại. Trong đó, các đầu máy Đức hiện đại có công suất 2000 mã lực được được vận hành hiệu quả. Những đoàn tàu chuyên luồng, chuyên tuyến phục vụ các nguồn hàng lớn được sắp xếp chạy hàng ngày ổn định.

Ngoài ra, Đường sắt Việt Nam còn đầu tư các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chỉ huy điều hành chạy tàu để tăng năng lực vận chuyển. Nhờ vậy, vận tải hàng hóa đường sắt đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, đạt 7 triệu tấn/năm.

Theo Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì đường sắt đang thay đổi cách thức làm việc để khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ chất lượng tốt nhất. Đường sắt đa dạng hóa dịch vụ liên kết với với các vận tải khác để thành chuỗi dịch vụ từ nơi đi đến nơi đến. Nhân viên của đường sắt sẽ đến tận kho, bãi của doanh nghiệp để làm thủ tục, sử dụng các dịch vụ vận chuyển trọn gói đảm bảo an toàn, kịp thời yêu cầu của khách hàng.

Đồng thời với các chính sách thúc đẩy tăng thị phần vận tải trong nước, đường sắt Việt Nam đang khai thác tuyến liên vận container quốc tế Việt Nam – Trung Quốc. Ông Đỗ Văn Hoan - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đánh giá, việc vận chuyển bằng container liên vận quốc tế đã mở ra một tiềm năng rất lớn cho vận tải đường sắt. Hàng hóa liên vận quốc tế tăng từ 386 nghìn tấn năm 2016 lên hơn 800 nghìn tấn trong năm 2017.

Để phục vụ tốt cho tuyến đường sắt liên vận quốc tế, 2 ga hàng hóa trọng điểm là Yên Viên (Hà Nội) và Sóng Thần (Bình Dương) đang được được đầu tư hiện đại hóa, đảm bảo năng lực bốc xếp cơ giới.

“Với mục tiêu hướng đến tương lai, đường sắt sẽ nâng cấp tốc độ tàu khách từ 80-90 km/h, tàu hàng là 50-60 km/h vào năm 2020. Đến năm 2030, đường sắt cao tốc sẽ được xây mới với tốc độ 160-200 km/h và hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao vào năm 2050 với vận tốc khai thác 350 km/h”.
(Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam)

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Tất Sơn, Công Đạt, Thông Hải, Nguyễn Luân & Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét