10 thg 1, 2018

Nguyễn Vỹ - một con người tài hoa

Hội thảo về “Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Vỹ” mới đây đã góp phần giúp giới nghiên cứu và yêu thơ văn hiểu rõ hơn về nhà báo, nhà thơ Nguyễn Vỹ- một con người tài hoa, khí phách của Quảng Ngãi, luôn khẳng khái trong việc chống lại áp bức cường quyền. 

Khi đề cập đến nhà báo, nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912 - 1971), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ông là một con người đa tài; vừa làm thơ, viết văn và viết báo.

Một con người đa tài 


Làm thơ, viết văn, viết báo, ở lĩnh vực nào Nguyễn Vỹ cũng để lại dấu ấn riêng. Ông khởi đầu viết báo ở báo Tiếng Dân (do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập). Từ năm 1932 đến năm 1939, ông là trợ bút các báo, tạp chí ở Hà Nội, như: Văn học tạp chí, Hà Nội báo, Đông Tây tạp chí, Đông Phương tuần báo... Ông từng làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt, tờ Dân ta, sau này là Phổ thông bán nguyệt san, tuần báo Bông lúa, thiếu nhi Thằng Bờm...


Khi nhớ đến bố, bà Nguyễn Thị Diệu Phương (con gái Nguyễn Vỹ) thường lấy tác phẩm “Tuấn – Chàng trai nước Việt” để đọc. 


Chi hội trưởng Chi Hội VHNT tỉnh, tiến sĩ Mai Bá Ấn cho rằng: Nguyễn Vỹ liên tục sáng lập báo và tạp chí, nhưng tôn chỉ, mục đích, chủ trương của những tờ báo đều tỏ rõ quan điểm chống lại chính quyền thực dân cũ trước năm 1945 và chính quyền thực dân mới ở miền Nam trước năm 1975.

Mỗi tác phẩm là một sự cách tân nghệ thuật
Hơn 40 năm hoạt động báo chí, văn học và làm thơ, sự đa tài của Nguyễn Vỹ đã để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Ông đã xuất bản trên 20 đầu sách gồm nhiều thể loại: Thơ, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo, nghị luận... Mỗi tác phẩm của ông là một sự nỗ lực cách tân nghệ thuật, là tiếng nói dũng khí, dám đứng lên chống chế độ thực dân phong kiến.

Báo phản ánh cuộc sống thực tại, nhưng trong con người Nguyễn Vỹ còn có trái tim nhân hậu, nồng ấm, tinh tế, hiền dịu, đa tình. Những cảm xúc khi nhớ về quê hương, đau đáu niềm đau về thân phận con người, với những mảnh đời bé nhỏ mong manh đều được thể hiện trong những vần thơ. Trong Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Vỹ nổi tiếng với bài thơ “Sương rơi”, được nhà phê bình văn học Hoài Thanh, nhận xét: Bài thơ “Sương rơi” được rất nhiều người thích.

Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đang rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ... Còn đối với tác phẩm “Gửi Trương Tửu”, Hoài Thanh cho rằng, đây là một kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ giãi bày nỗi bi cực của một lớp người trong xã hội lúc bấy giờ...

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học), nhận xét: Nguyễn Vỹ thuộc lớp nhà thơ tiên phong khai phá, mở đường, đặt nền móng, mang đậm dấu ấn phá cách, trong đó có nhiều bài thơ theo lối "12 chân", hình thức kiểu thơ Tây lạ lẫm (kiểu thơ Bạch Nga)...

Nhưng thành công nhất có lẽ là những cuốn tiểu thuyết, luận đề chính trị bằng tiếng Việt và Pháp văn, do ông biên khảo. Mỗi tác phẩm đều mang đậm cá tính, khí phách quyết liệt, yêu ghét rõ ràng của người con đất Quảng với tác phẩm “Tuấn - Chàng trai nước Việt”. Tác phẩm đã khái quát được một bức tranh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Tiến sĩ Nguyễn Diên Xướng, cho rằng, tác phẩm đó là một sự sáng tạo nghệ thuật ngôn từ phong phú, độc đáo nhất của Nguyễn Vỹ...

Tình yêu nước, yêu thương gia đình
Nguyễn Vỹ sinh tại làng Tân Hội, nay là xã Phổ Phong (Đức Phổ). Ông xuất thân trong một gia đình quan lại yêu nước, thân phụ là Nguyễn Thống (người khảng khái từ chức quan huyện để chống Pháp), bác ruột là tú tài Nguyễn Thuyên (bị Pháp đày ra Côn Đảo) và đồng chí Nguyễn Nghiêm (chiến sĩ cộng sản, Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Ngãi) là anh con bác ruột của ông. Nguyễn Vỹ lớn lên chứng kiến nhiều cảnh hà khắc, ngang trái, áp bức của chế độ thực dân, nên tham gia viết, làm chủ bút các tờ báo, làm thơ, viết văn để bày tỏ sự phản đối và chia sẻ với quê hương, với những thân phận con người lầm than trong xã hội lúc đó.

Trở về quê hương để dự Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của người cha sau bao năm định cư ở Pháp, chị Nguyễn Thị Diệu Phương (con gái Nguyễn Vỹ) vô cùng xúc động. Chị bảo: “Khi nghe ở quê nhà tổ chức hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của cha, tôi rất cảm động”. Chị Phương kể: Nhiều đêm từ Đà Lạt xuống nhà xưởng, nhà in báo (Sài Gòn) thăm cha, thấy mọi người đã yên giấc từ lâu, nhưng cha vẫn còn ngồi cắm cúi viết lách...

Giờ trở về quê nội, đi trên con đường làng Phổ Phong, được trò chuyện cùng với mọi người ở quê, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, nhìn cánh đồng, làng quê, tôi đã hiểu thật nhiều về tình yêu quê hương tha thiết của cha. Dù sống bên đất Pháp, môi trường đều xa lạ với làng quê Việt Nam, nhưng tôi vẫn luôn dạy con nói tiếng Việt, đọc những áng văn thơ của cha tôi để nhớ về nguồn gốc, về khí phách của một gia đình, dòng họ hết lòng vì quê hương, đất nước.


Bài, ảnh: MAI HẠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét