24 thg 1, 2018

Ngâm nga điệu ca trù Chanh Thôn

Các nghệ nhân ca trù trong một tiết mục biểu diễn. Ảnh minh họa 

Ca trù là loại hình diễn xướng dân gian Việt Nam mà không nước nào trên thế giới có. Làn điệu ca trù đã tạo nên nét bản sắc Việt bao đời nay. 

Trong dòng chảy lịch sử nước ta, ca trù xuất hiện vào khoảng thời nhà Lê và trở nên thịnh hành trong suốt thời phong kiến về sau, đặc biệt phát triển mạnh trong cung đình, những nơi giải trí của quan tước nên không phải người bình dân nào cũng được thưởng thức.

Theo như sách xưa của Chanh Thôn (xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội), vào khoảng đầu thế kỷ 19, nho sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, một kép đàn có tiếng ở Hưng Yên đã đến Chanh Thôn lấy vợ và lập ra phường hát truyền dạy ca trù cho nhân dân trong thôn. Trải qua bao thăng trầm, ca trù Chanh Thôn đã có lúc tưởng mất hẳn, nhưng may sao vẫn vượt qua được thời kỳ khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn giải thích, giai đoạn 1937 – 1944, ca trù Chanh Thôn phát triển rực rỡ, có nhiều nghệ nhân nổi tiếng, nhưng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, do ảnh hưởng của chiến tranh mà nhân dân trong thôn không có điều kiện phát triển tiếng hát ca trù. Sau này ca trù cứ yếu dần và chỉ còn tồn tại trong những điệu hát ru cháu của các cụ cao niên. Năm 2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. 

Cụ Khướu, nghệ nhân cuối cùng của ca trù Chanh Thôn. Ảnh: PV 

Mãi đến năm 2007, những người có trách nhiệm tại hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mới xác định được ca trù Chanh Thôn là báu vật của Việt Nam. Tuy nhiên, các nghệ nhân ca trù hiện đã ở tuổi gần đất xa trời. Có người chưa kịp xưng tụng đã phải về nơi chín suối.

Cảnh quê Chanh Thôn như bao làng quê Bắc Bộ khác, nhẹ nhàng và an yên, sâu lắng mà trữ tình mang đậm nét bản sắc Việt, một vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm trí mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng.

Theo lời kể của cụ Khướu, nghệ nhân ca trù cuối cùng của Chanh Thôn thì một chầu hát gồm 3 phần chính, một ca nương hay cô đào mà trước đây hồi trẻ cụ thường nhập vai. Ca nương dùng bộ phách gõ nhị cùng với kép đàn chơi đàn đáy phụ họa theo đào hát. Ngoài ra còn có quan viên, thường là tác giả bài hát có nhiệm vụ đánh trống chầu chấm câu biểu thị sự khen chê về ý nghĩa câu hát.

Do là nhạc thính phòng nên không gian trình diễn ca trù khá nhỏ, chỉ trong phạm vi một chiếu hát. Đào nương ngồi ở giữa, kép và quan viên ngồi hai bên, có những lúc bài hát được sáng tác ngay trên chiếu chầu và được gọi là bài “tức tịch” tức là ngay trên chiếu hát.

Theo cụ Khướu, người ca nương phải là người có giọng thanh và vang, khi hát phải biết lấy hơi rồi nhả chữ, nhấn nhá rõ ràng, biết nảy hạt và đổ con kiến. Đặc biệt trước ngày hát không được ăn nhiều đồ mặn như thịt, các loại mắm hay rượu dễ làm bị mất tiếng trong trẻo. Ngoài ra, ca nương phải rành mạch 5 khổ phách cơ bản của nghề, nhịp phách và lời hát phải ăn khớp với nhau buộc ca nương phải làm chủ được một lúc hai kỹ năng.

Phần khí nhạc rất quan trọng trong ca trù, không phải lúc nào đàn cũng đánh theo lời hát mà có thể sáng tạo và tự do, miễn sao tạo được sự ăn khớp với ca nương và sự hứng thú, mải mê của người nghe. Trong ca trù, đàn đáy là cây đàn đặc trưng không thể thay thế.

Người quan viên có vai trò khá quan trọng trong chiếu hát, tiếng trống chầu dùng để chấm câu trong cuộc diễn đồng thời còn mang tính chất phê phán và khen ngợi thông qua cách đánh và âm lượng trống. Trống chầu là một hình thức ẩn dụ khá thú vị trong ca trù khi lồng ghép nhuần nhuyễn cách sống, đối nhân xử thế trong lời hát và sự khen chê.

Vì lý do sức khỏe, hiện tại, mỗi tuần cụ Khướu chỉ có thể dạy được một buổi cho lớp học, không chỉ dạy kỹ thuật hát, nghệ thuật thưởng thức mà còn cả ý nghĩa, điển tích, điển cố trong lời ca trù. Cụ bảo, lời ca trù đều đã được chắt lọc bao đời nay, thấm đẫm văn hóa dân tộc, không chỉ mô tả xã hội phong kiến mà còn đồng cảm với các tầng lớp bình dân trong xã hội, rồi cụ ca mấy câu trong các bài Hơn nhau một chữ thì, Kiếp nhân sinh, Hồng hồng tuyết tuyết.

Cụ Khướu mong muốn Nhà nước nên có chính sách bảo tồn và phát triển ca trù bằng cách chu cấp tiền trợ cấp cho học sinh quyết tâm theo nghề, trang bị giáo trình, đàn, trống cho lớp học, và tổ chức diễn xướng một vài nơi. Chính quyền địa phương cần khuyến khích lớp trẻ học ca trù, tổ chức ngày hội làng, lễ tết, gây dựng phong trào sâu rộng.

Chanh Thôn cũng có thể trở thành một điểm du lịch phục vụ nhu cầu thưởng thức ca trù và một số loại hình diễn xướng khác để thu hút khách du lịch quốc tế.

Điều này, vẫn còn cần nhiều thời gian và chờ đợi. Nhưng trong tâm thức của bao người, ca trù luôn là một nét đẹp và đầy bản sắc dân tộc.

Lê Thị Khánh Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét