Măng Đen - tiếng gọi nơi đại ngàn
Nằm giữa 2 dãy núi Đông và Tây Trường Sơn, Măng Đen - Kon Plông được so sánh như Đà Lạt thứ 2 với độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, quanh năm không khí mát mẻ (nhiệt độ trung bình hàng năm từ 18-20ºC). Dù nằm ở điểm phân thủy giữa 2 dãy núi nhưng Măng Đen được thiên nhiên ưu đãi với một khu vực rộng lớn, bằng phẳng.
Có lẽ do vậy nên người Mơ Nâm (dân tộc Xê Đăng) đặt tên cho vùng đất này là "T'Măng Dieng" nghĩa là đất bằng phẳng. Kon Plông còn có lợi thế nổi bật đó là sự hoang sơ về cảnh quan tự nhiên với diện tích rừng nguyên sinh chiếm trên 80% trong tổng số hơn 100.000 ha diện tích tự nhiên. Và sinh sống trong đó là các loài động vật hoang dã quý hiếm, trong số 333 loài động vật được tìm thấy ở Kon Plông có 8 loài trong danh sách các loài bị đe dọa toàn cầu và 2 loài vượn bạc má và gấu chó được ghi trong danh sách các loài thiếu dữ liệu. Từ trung tâm huyện lỵ Kon Plông, bách bộ chừng gần 1 km, du khách có thể thỏa thê ngắm nhìn những thảm thực vật hoang sơ, bí ẩn, dường như chưa có sự tác động của bàn tay con người. Xa xa, trong vòng bán kính 10 km, hàng chục hồ nước, thác đá xanh trong, mát lạnh róc rách chảy về hạ nguồn. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học thì chính nét hoang sơ và nhiệt độ lý tưởng cùng với giá trị văn hóa của người dân bản địa nơi đây là tài sản đắt giá nhất của Măng Đen - Kon Plông hiện nay.
Măng Đen còn quyến rũ du khách vào những lúc sáng sớm, hàng trăm ngôi biệt thự dường như chìm dưới biển sương mù thấp thoáng hiện ra theo những con đường uốn lượn. Những ngôi biệt thự được xây dựng với nhiều lối kiến trúc cổ nằm xen lẫn trong rừng thông bạt ngàn (được trồng vào những năm 70 của thế kỷ trước). Đặc biệt, Măng Đen - Kon Plông được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều kiệt tác thiên nhiên như: Thác Đăk Ke được sánh như một dòng suối tóc của thiếu nữ Mơ Nâm hay thác Pa Sỹ được ví như nàng tiên giữa đại ngàn. Cùng với đó là mặt hồ Toong Đam, Hồ Toong Pô, hồ Tông Zơ Ri... Tất cả đều gắn liền với các truyền thuyết của người Mơ Nâm tạo nên phong cảnh nên thơ, hữu tình.
Đến với Măng Đen cũng là đến với các lễ hội của người dân tộc bản xứ như: Lễ hội giọt nước của dân tộc Xơ Đăng, lễ hội ăn lúa thừa của tộc người Kơ Dong (một nhánh của dân tộc Xê Đăng); lễ hội ăn lúa mới, lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới, lễ hội bắn ná, lễ làm chuông trâu của tộc người Ka Dong, Mơ Nâm (dân tộc Xê Đăng) và dân tộc H’rê. Đây là những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn trong hàng trăm năm qua. Trong không khí se lạnh, ngồi bên bếp lửa, nếu may mắn bạn sẽ được nghe các già làng hát giao duyên, được nghe kể chuyện sử thi của dân tộc bản địa hoặc được hòa mình vào âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng và những điệu múa xoang trong các mùa lễ hội.
Xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao
Hiện nay, tỉnh Kon Tum cũng xác định xây dựng và phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, trong đó chủ yếu tập trung phát triển tại địa bàn huyện Kon Plông. Theo đó, dự án rau, hoa xứ lạnh, dự án nuôi cá tầm, cá hồi hiện đang là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Kon Tum.
Tận dụng lợi thế thuận lợi về điều kiện khí hậu, thời tiết trên địa bàn, huyện Kon Plông đã từng bước giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng cao, nền nông nghiệp có tính chất đặc trưng của vùng đất Kon Plông. Nối tiếp thành công trong việc trồng khảo nghiệm các loài rau, hoa xứ lạnh, huyện đang tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rau, hoa đến người dân. Các loài hoa hồng, Hoa ly ly, Địa lan, Cẩm Tú Cầu, chè ô long... hiện đã có vùng đất sống mới, rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu đồng thời chất lượng sản phẩm khá cao.
Ông Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông khẳng định: Việc thí điểm thành công các mô hình rau, hoa xứ lạnh đã mở ra hướng đi mới cho việc sản xuất hàng hóa của dòng sản phẩm này phục vụ khu du lịch Quốc gia Măng Đen hướng đến thị trường Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và hướng đến xuất khẩu qua thị trường Nam Lào và Đông bắc Thái Lan. Hiện nay một số dự án của các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư trồng rau hoa xứ lạnh tại huyện.
Ngoài trồng rau, hoa xứ lạnh, huyện xác định nuôi cá tầm là một trong những thương phẩm chiến lược của địa phương. Với đặc thù thổ nhưỡng khá lý tưởng cho loài cá tầm, cá hồi, huyện Kon Plông đang triển khai nhân rộng mô hình nuôi loài cá quý này trong tầng lớp nhân dân. Huyện đã hỗ trợ cho vay không lãi 200 triệu đồng/hợp tác xã, hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn từ ngân hàng để góp thêm vốn vào hợp tác xã; đồng thời phát triển, thành lập 4 hợp tác xã nuôi cá tầm để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các doanh nghiệp nuôi cá tầm tổ chức các lớp tập huấn, trình diễn mô hình và kỹ thuật nuôi cá tầm cho những hộ gia đình nào có nhu cầu.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của Măng Đen, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung Khu du lịch Măng Đen vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc Gia và giao Bộ Xây dựng lập Quy hoạch xây dựng Vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen (khoảng 138.000 ha) và Đô thị Kon Plông đến năm 2030, trong đó định hướng phát triển chính là: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường. Xã hội hóa du lịch, huy động mọi nguồn lực để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện. Đồng thời sẽ cụ thể hóa quan điểm phát triển du lịch phù hợp với đặc điểm riêng của huyện là còn nguyên sơ về cảnh quan tự nhiên, rừng nguyên sinh chiếm phần lớn diện tích tự nhiên có thể tạo sự khác biệt về du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá, với hơn 92,37% là người DTTS có đầy đủ nét văn hóa, truyền thống đặc trưng của người Tây Nguyên, cùng với các di tích lịch sử các điểm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng có thể tạo sự khác biệt về du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Với những ưu điểm của tự nhiên cùng những định hướng, chính sách phát triển trên địa bàn, Măng Đen - Kon Plông thực sự phù hợp, hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển thành khu du lịch sinh thái tầm cỡ Quốc gia. Là một trong 3 vùng “tam giác phát triển” của Kon Tum, Kon Plông luôn phấn đấu, phát huy lợi thế, tiềm năng của mình để không còn nằm trong top các huyện nghèo của cả nước, phấn đấu đưa Măng Đen thành một điểm sáng về đầu tư và du lịch của Kon Tum và của cả nước trong tương lai.
Bài và ảnh: Cao Nguyên - Sỹ Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét