Quyết dựng lại nhà Rông Kon Klor
Nhà Rông Kon Klor bị cháy khiến những người từng đến đây, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó không khỏi ngậm ngùi. Nhà Rông Kon Klor xây dựng từ năm 2000, do công sức đóng góp của người dân Ba Na ở 3 làng Kon Klor, Kon Rbàng và Kon Tum Pơng thuộc phường Thắng Lợi, TP Kon Tum. Họ là những cư dân lâu đời sinh sống ven sông Đăk Bla trước khi những cư dân miền xuôi tìm đường lên định cư ở đất này 163 năm trước.
Nhà Rông Kon Klor (cũ) có các cột cao 6 m, chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh 21 m, dài 16 m, chiều rộng ở tâm 6 m, sừng sững vút lên trên nền trời xanh thẳm cao nguyên. Cái đẹp của nhà Rông Kon Klor còn nằm ở vị trí mà người dân lựa chọn xây dựng: Một khu đất có những cây rừng hàng trăm tuổi sum suê bóng mát sát ven đường, cạnh cầu treo qua sông Đăk Bla, cách trung tâm TP Kon Tum chưa đầy 3 km. Đây là điểm văn hóa mà du khách đến Kon Tum không thể bỏ qua. Tây Nguyên có hàng nghìn nhà Rông, song không có nhà Rông nào lớn, khuôn viên đẹp, vị trí thuận lợi như nhà Rông Kon Klor.
Khi nhà Rông cháy, du khách tiếc một, những cư dân Ba Na ở đây xót xa mười. Vì thế việc dựng lại nhà Rông không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền TP Kon Tum mà còn là tâm nguyện của bà con Ba Na ở các làng.
Già làng A Bik - làng Kon Klor nói: “Từ khi nhà Rông bị cháy, mỗi lần đi qua đây nhìn thấy những cây cột chỏng chơ của nó, mình lại rơm rớm nước mắt. Mình nghĩ không biết đến bao giờ dân làng mới dựng lại được ngôi nhà đẹp như thế. Quanh khu vực này tranh tre đã hết huống hồ gỗ. Vì thế đến cuối năm rồi, chính quyền bảo làm lại nhà Rông mình ưng cái bụng lắm. Dân làng Kon Klor còn nghèo song bà con hưởng ứng rất nhiệt tình, không tiếc công sức”.
Nhà Rông Kon Klor sẽ được xây dựng lại như cũ: dài 16 m, cao 21 m, song chiều rộng có thể sẽ thu hẹp lại còn 5 m. Các cây cột gỗ cao hơn trước, từ mặt đất lên 7 m song các cây rui lại ngắn hơn cũ chỉ 14 m thay vì 15 m. Cột nhà Rông mới đều làm bằng gỗ, chứ không phải trụ bê tông xi măng giả gỗ như trước.
Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi - anh Trần Minh Đông vừa hồ hởi vừa lo lắng: Phần vật liệu dựng lại nhà Rông chúng tôi đã chuẩn bị hòm hòm, những cây cột gỗ lãnh đạo thành phố Kon Tum xin được tài trợ của công ty Duy Tân, tổng cộng 29 cây, 63 m³ toàn là gỗ quý hiếm do công ty này tận thu trong khu vực làm đường biên giới tận Mo Rây- Sa Thầy.
Nhà Rông lớn nhất Tây Nguyên đang được dựng lại.
10 cây cột gỗ đường kính hơn 50 cm dài trên mặt đất 7 m thẳng tắp cùng các vầy kèo đã được dựng lên. Dân làng đã 5 lần vào rừng lấy tranh lấy gỗ tận huyện Kom Plông và Hà Đông - Hà Tây (Gia Lai).
Tiến độ mà phường Thắng Lợi đặt ra là ngày 30-4 sẽ khánh thành nhà Rông. Công việc còn bộn bề. Bây giờ là phần việc khó nhất khi làm nhà Rông: Dựng các mái.
Dựng nhà Rông là một nghệ thuật
Nhìn mái nhà Rông cao vút trên nền trời cao nguyên, trên nóc được trang trí nhiều họa tiết, hoa văn tinh xảo, du khách thập phương không khỏi thán phục tài nghệ và công sức của cư dân Tây Nguyên. Nhà Rông bồng bềnh trên nền trời xanh, người ta liên tưởng đến những cánh buồm xa xưa miền biển đảo.
Một vài nghiên cứu cho rằng, cư dân Tây Nguyên cổ xưa có nguồn gốc ven biển và hình ảnh nhà Rông là biểu tượng của những chiến thuyền mà họ đã vượt qua sóng gió lên đây, định cư với miền rừng núi.
Ông A Brưk, Bí thư chi bộ Kon Klor giới thiệu tôi với nghệ nhân A Phưk là một trong số ít người nắm được kỹ thuật xây dựng nhà Rông, anh đang là thôn trưởng Kon Klor. A Brưk bảo ở làng này, ngoài Phưk, không ai nắm được kỹ thuật dựng mái nhà Rông, kể cả già làng.
Làm sao để mái nhà Rông như cánh buồm có thể trụ vững trước giông gió, bão táp? Nếu không có bàn tay xếp đặt của những nghệ nhân tài hoa thì nhà Rông dựng lên là đổ ngay. Nhà càng cao to khả năng sụp ngã càng lớn. “Gió núi, mưa rừng” mà.
A Phưk là con trai nghệ nhân A Phok. Anh là người chỉ huy dựng nhà Rông Kon Klor năm 2000 mà kỹ thuật đã vượt qua người cha vốn là nghệ nhân nổi tiếng khắp vùng bắc Tây Nguyên. A Phưk đến nay đã làm hàng chục nhà Rông, ngoài những làng ven TP Kon Tum anh còn được mời lên tận huyện Sa Thầy, rồi sang Ia Grai (Gia Lai) để chỉ huy làm nhà Rông. Nhà Rông Kon Klor xây lần này anh được giao trọng trách thợ cả.
Nghệ nhân A Phưk, thợ cả xây nhà Rông Kon Klor với cây cột quý.
Hai mái nhà Rông được kiến tạo từ những thanh rui, mè ngang dọc, bắt chéo trước khi gác những thanh ngang lợp tranh lên. Những cây rui làm nhà Rông Kon Klor được hơn 30 trai tráng trong làng vào những cánh rừng già ở tận Hà Đông- Hà Tây tìm gỗ.
Chỉ huy nhóm tìm gỗ là già A Yưk năm nay đã 69 tuổi. Ông dẫn trai làng lên rừng tìm những cây gỗ đường kính tầm 12-15 cm, dài từ 14 m trở lên, loại gỗ không mối mọt. A Yưk chỉ cây nào trai làng mới đốn cây ấy. Cây to hơn không thể lấy vì khi đẽo chúng làm đứt những sợi gân gỗ, lúc gió bão cây không uốn theo chiều gió mà sẽ bị gẫy. 180 cây rui dài 14 m bóc vỏ đã được mang về ngâm tại những tum (hồ) có bùn ở làng Kon Tum Pơng, cho gỗ chín kỹ sau đó mới sử dụng.
Để có mái nhà Rông rắn chắc chịu được gió bão đòi hỏi nghệ nhân phải tính toán được sức chịu lực đàn hồi mềm dẻo của các cây rui chéo góc. Bí quyết nằm ở vầy kèo chéo này chứ không phải rui mè ngang ngay sổ thẳng như mái nhà, mái ngói miền xuôi.
Mái nhà Rông cao, to càng hứng gió lớn, nếu không tính toán kỹ chỉ một cơn gió mạnh lập tức bật mái khỏi các vầy kèo. Tài nghệ này chỉ có A Phưk mới làm được. Khuôn mẫu của mọi nhà Rông đều như thế song việc xê dịch, gia giảm thế nào để gió bão đến từ mọi hướng kể cả gió lốc cũng chịu được. “Nhà Rông Kon Klor đứng bên bờ sông, cơn bão năm 2009 dữ dội như vậy mà vẫn đứng vững, tôi phục tài Phưk lắm”-Bí thư A Blưk giãi bày.
Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết: Đến nay, ngoài công ty DuyTân tài trợ toàn bộ số gỗ, phường đã huy động gần 100 triệu đồng từ các nhà tài trợ và chi 80 triệu đồng kinh phí của phường để thuê xẻ gỗ, chi tiền ăn uống cho dân. Phường đã có công văn xin thành phố Kon Tum hỗ trợ 400 triệu đồng nữa.
Người dân Kon Klor cho biết, trong ngày khánh thành nhà Rông Kon Klor sắp tới, làng sẽ tế trâu. Đây cũng sẽ là một lễ hội lớn của làng kỷ niệm ngày nước nhà thống nhất.
Làng Kon Klor có hơn 70 hộ đồng bào Ba Na sinh sống. Nhà Rông Kon Klor làm lại, tất cả những người dân trong làng đều đóng góp công sức. Đã có 5 đợt dân vào rừng lấy gỗ, lấy tranh, mỗi đợt từ 3-5 ngày, ít nhất là 20 người đi 60-70 km tìm vật liệu. Chính quyền địa phương vận động các Mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí lo cơm nước cho người dân ăn uống đi làm. Người già, phụ nữ không lên rừng được thì ở nhà nẹp tranh làm tấm lợp.
Huỳnh Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét