Khu Di tích lịch sử Đền Hùng hiện có tổng diện tích 845 ha; trong đó, diện tích rừng chiếm gần 540 ha. Theo lời kể của các bậc cao niên, trong số những cây đại thụ ở Đền Hùng phải kể đến 4 cây thông do một cụ ở xã Hy Cương trồng: 2 cây ở cổng, một cây ở cạnh chùa trên đường đi lên Đền Trung và một cây ở cửa Đền Thượng. Vì ở trên núi, cây phát triển cao nên hay bị sét đánh, bão quật gãy đổ. Cùng với đó là tuổi thọ đã già nên hiện giờ chỉ còn một cây ở gần Đại Môn. Trước kia, sau khi hạ cây gãy đổ, cắt khoanh đếm vòng tâm thân cây hằng năm đã xác định những cây thông này có tuổi thọ khoảng 300 năm.
Gốc cây đại khoảng 500 tuổi ở Đền Hùng
Qua Đại Môn, đi dọc theo con đường với 225 bậc đá ven theo sườn núi lên Đền Hạ, du khách sẽ được diện kiến “cụ vạn tuế” hơn 800 năm tuổi ở Chùa Thiên Quang được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII-XIV). Gần một thiên niên kỷ, “cụ vạn tuế” đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. “Cụ” có tán 3 ngọn rất đẹp. Từ Nam ra Bắc chưa thấy cây nào như thế. Vậy nên nhiều người tin rằng, cây mọc nơi đất thiêng biểu tượng cho ba miền Bắc-Trung- Nam không thể tách rời của nước Việt. Theo quy luật sinh trưởng, cây vạn tuế hai năm mới mọc lá một lần và mỗi lần mọc lá non thì lại rụng đi một vòng những lá già. Căn cứ vào đặc điểm này có thể xác định “cụ” đã sống khoảng hơn 800 năm. Mấy năm trước, bão lớn quật ngã một cành cây lớn rơi xuống va vào làm gẫy ngọn cao nhất của “cụ”. Ban Quản lý Khu di tích đã nỗ lực dành nhiều thời gian, công sức cùng các kỹ sư tìm cách cứu phần ngọn cây không bị khô héo. Sau vài tháng lắp đặt hệ thống truyền nước nhỏ giọt vào trong thân cây, cụ đã dần hồi sinh.
Cũng tại Chùa Thiên Quang hiện còn hai cây đại cổ thụ, trước cửa một cây, đằng sau một cây. Trên Đền Trung có hai cây trước cửa. Đền Thượng có một cây kề bức trấn phong nhưng đã bị đổ. Ở Đền Giếng có một cây bị nghiêng được chống đỡ và xây bờ chống bảo vệ. Những cây này so với những cây đại ở khu Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội thì độ to lớn và cành lá xum xuê tương tự nhau. Những cây đại ở Quốc Tử Giám đã xác định là 500 năm tuổi. Vậy những cây ở Đền Hùng có thể có tuổi tương tự.
Cây vạn tuế hơn 800 năm tuổi trước cửa Chùa Thiên Quang
Cùng với đó, ở Đền Hùng còn hai cây sui trên Đền Thượng và cây trám ở ngã ba Đền Giếng cũng thuộc dòng cổ thụ. Trong không gian linh thiêng, uy nghiêm của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, mỗi cá thể thực vật ở đây dường như cũng mang trong mình hồn cốt của lịch sử, minh chứng cho sức sống trường tồn của dân tộc ta từ ngàn đời nay.
Có độ cao gần 200 m so với mực nước biển, rừng Quốc gia Đền Hùng hiện có 636 loài thực vật, trong đó có hàng loạt cây quý như: Cẩu tích, tuế lược, gõ đỏ, trầm hương, vù hương, sưa, kơ-nia... chủ yếu tập trung ở khu vực rừng tự nhiên hơn 18,7 ha ở núi Nghĩa Lĩnh, hay còn gọi là núi Hùng- Nơi thờ Hùng Vương thứ 18.
Không chỉ có cây quý, với 175 loài động vật, rừng Đền Hùng cũng minh chứng cho sự đa dạng sinh học khi có nhiều giống loài hiếm, có loài đã có tên trong sách đỏ như chim bói cá lớn, chim ác là, tê tê, tắc kè, hổ mang... vẫn sinh sống và phát triển tự nhiên. Không chỉ núi Nghĩa Lĩnh mà núi Vặn và núi Sim mầu xanh cũng phủ bóng xuống các công trình, đền, miếu... làm nên một thảm động, thực vật phong phú, để cho Khu Di tích luôn xanh mát, thanh bình, tạo cảm giác gần gũi, yên bình cho du khách thập phương khi tìm về dâng nén hương thơm tri ân công đức tổ tiên... Cây quý, con quý còn là nguồn gen phong phú, độc đáo để cho rừng Quốc gia Đền Hùng luôn là một “ địa chỉ đỏ” cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học tìm về thực tế...
Cây vù hương quý hiếm trong rừng Quốc gia Đền Hùng
Đã thành thông lệ, cứ vào mùa Xuân, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng lại tiến hành trồng bổ sung, trồng dặm rừng với hàng trăm cây bản địa như: Chò chỉ, lát hoa, tếch, sưa, đa, đề gân to, sanh, nhội, sao đen… cùng các loại cây bóng mát, cây cảnh khác. Trong năm 2023, rừng Đền Hùng đã được trồng mới 2.000 cây phân tán. Năm 2024, dự kiến sẽ trồng thêm 1ha rừng trên núi Vặn, trồng dặm thêm từ 400-600 cây phân tán với nhiều loài cây quý nhằm làm cho rừng Đền Hùng ngày càng thêm xanh và đa dạng sinh học.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích khẳng định: “Với diện tích rừng lớn, cùng nhiều loài cây bản địa, gỗ quý hiếm, nhiều cây có tuổi đời cao… tạo cho rừng Đền Hùng một hệ thực vật phong phú về chủng loại, đa dạng về sinh học. Bởi Đền Hùng là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị tâm linh và giá trị thực tiễn mang tầm Quốc gia, nên công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích nói chung và rừng Quốc gia Đền Hùng nói riêng luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền bảo tồn và gìn giữ những cây cổ thụ cổ quý hiếm song song với giữ gìn diện tích rừng nguyên sinh, rừng Quốc gia Đền Hùng”.
Rừng Quốc gia Đền Hùng được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt
Bảo vệ, gìn giữ, nhân lên mầu xanh cho núi Nghĩa Lĩnh và rừng Quốc gia Đền Hùng là nhiệm vụ thiêng liêng thể hiện trách nhiệm, tình cảm, lòng hiếu thuận của các thế hệ con Lạc cháu Hồng với tổ tiên đã có công dựng nước, để điểm đến linh thiêng này mãi trường tồn cùng dân tộc, điểm đến, ước vọng tìm về nguồn cội của đồng bào muôn phương…
Giang Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét