22 thg 5, 2024

Bánh canh cua hơn 40 năm trong hẻm Sài Gòn

Tiệm bánh canh đầu hẻm Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM, truyền qua 4 thế hệ, là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân và du khách hơn 40 năm.


Nằm ở đầu hẻm 194 Võ Văn Tần, quận 3, tiệm bánh canh cua của bà Võ Kim Hồng đã bán hơn 40 năm. Đây không chỉ là địa chỉ quen thuộc của dân văn phòng mỗi buổi trưa, mà còn được khách ngoại tỉnh và khách nước ngoài thường xuyên tìm đến.


Chị Hồng (áo tím) là đời thứ ba phụ trách quán bánh canh cua sau bà ngoại và mẹ, đến nay đã được hơn 20 năm. Hiện chị bán cùng cháu gái (áo đen), là đời thứ 4 nối nghiệp gia đình. "Bà ngoại tôi bán bánh canh từ đầu những năm 1980, sau đó truyền lại cho mẹ tôi. Giờ bà vẫn phụ giúp chúng tôi nêm nếm gia vị cho các nguyên liệu", chị Hồng cho biết.


Cua xào là một trong những đặc trưng của quán. Cua đã lột vỏ được chị Hồng nhập từ nguồn cung cấp lâu năm ở chợ Bến Thành, sau đó xào với dầu điều và nêm thêm gia vị, khử mùi tanh. Thịt cua màu vàng ruộm, thơm lừng, thu khách ghé nhìn trước khi gọi món. "Thịt cua xào trên lửa nhỏ, đảo đều, nhanh tay nhưng phải nhẹ nhàng để thịt lên màu đẹp, không bị khô, những phần thịt chắc như càng cua còn giữ được nguyên miếng", chị nói.


Ngoài cua, quầy hàng của chị Hồng còn đặt nhiều nguyên liệu khác của món bánh canh như giò heo rút xương, chả cá thác lác, tôm lột vỏ, hành tươi và quẩy.


Nước dùng bánh canh cua ninh từ xương heo, thêm bột năng để tạo độ sệt. Chị Hồng cho thêm huyết heo và con suông vào nồi nước dùng để tăng thêm độ ngọt và hương vị đậm đà.

Con suông là cách chủ quán gọi chả cá thác lác. Cá trộn với thịt heo xay nhuyễn, thêm một số gia vị như muối, tiêu, nặn thành hình thuôn dài. Từng viên chả được chiên vàng, sau đó trụng nước sôi để loại bỏ dầu mỡ rồi mới cho vào nước dùng. "Con suông có từ thời mẹ tôi còn bán bún suông, là nguyên liệu quan trọng thứ hai sau thịt cua, tạo nên hương vị bánh canh gia truyền của nhà tôi", chủ quán nói.


Tô bánh canh của quán có cua, thịt heo, chả cá, tôm và huyết heo; rau nêm và tiêu được rắc lên trên cùng rồi chan nước dùng sệt sệt gần đầy miệng tô.


Bánh canh cua hấp dẫn thực khách trước tiên bằng cách trình bày bắt mắt, cua và tôm đỏ au được bày trên cùng. Thịt cua màu vàng nổi bật giữa màu xanh của hành ngò.

Một bát bánh canh cua tại quán giá 50.000 đồng, thực khách có thể gọi thêm quẩy ăn kèm với giá 10.000 đồng một đĩa.


Là khách quen của quán khoảng hơn một năm, chị Dương Hà Như Thảo đến quán khoảng 1 - 2 lần một tuần. Chị nhận xét nước dùng ở đây đặc hơn một số quán khác, "nguyên liệu tươi và món chả cá có hương vị đặc biệt, không nơi nào có".

Chủ quán cho biết bán trung bình khoảng 200 tô một ngày. Khách đa dạng, từ khách quen đến khách du lịch các nơi, trong đó khách miền Bắc đến khá đông.


Quán bán đến 20h30 hằng ngày nhưng có ngày 17h đã hết hàng. Giờ cao điểm của quán từ 11h30 đến khoảng 13h.

Quán không có chỗ để xe riêng, thực khách dựng xe trong hẻm, đối diện chỗ ngồi ăn. Vì chỉ có không gian ngoài trời, ít quạt, thực khách nên đến vào những ngày trời mát mẻ hoặc chiều tối để có trải nghiệm tốt nhất.

Bài và ảnh: Quỳnh Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét