3 thg 5, 2024

Huyền Quang tôn giả - nhà sư thi sĩ

Không chỉ là vị Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm mà Huyền Quang Tôn giả còn là một nhà thơ lớn trên thi đàn dân tộc.

Tôn tượng Đệ Tam Tổ Huyền Quang

Vị Thiền sư đạo cao, đức trọng

Theo một số tài liệu còn ghi lại, cuộc đời của Huyền Quang Tôn giả gắn liền với những vầng hào quang huyền bí, mang đậm tính cách truyền thuyết và huyền thoại dân gian khi mới sinh ra.

Tôn giả Huyền Quang (1254-1334), tên thật là Lý Đạo Tái (quê ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Theo “Tổ gia thực lục”, từ nhỏ ông đã có khiếu văn chương, tư chất thông minh, hiếu học, năm hai mươi tuổi, đỗ thi hương rồi năm sau đỗ đầu thi hội (1274); được bổ dụng vào Viện Nội hàn của triều đình, từng tiếp sứ Bắc bởi ông thông thạo thư tịch, giỏi đối đáp, ứng xử…

Lý Đạo Tái làm quan khoảng 20 năm, đến 51 tuổi thì xin xuất gia cửa thiền. Trong một lần cùng vua đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phụng Nhãn (Bắc Giang), nhìn thấy Thiền sư Pháp Loa đang thuyết pháp, ông liền nhớ lại duyên xưa mà than rằng: “Làm quan thì lên đảo Bồng, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là tiên, cảnh giới Tây phương là Phật, phú quý vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ, há nên lưu luyến mãi mãi!”. Nhân đó, ông xin phép từ quan, xuất gia, lấy đạo hiệu là Huyền Quang.

Mặc dù xuất gia ở tuổi trung niên, nhưng ông lại là người có khí chất của một bậc tu hành chân chính, một vị lãnh đạo giáo hội tương lai. Huyền Quang được chọn làm phụ tá bên Tổ Trần Nhân Tông, cùng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi khắp nơi thuyết giảng Kinh Phật. Trần Nhân Tông còn ban cho Huyền Quang tòa trầm hương để giảng cho đồ chúng và giao trọng trách soạn các sách về Phật học như: Chư phẩm kinh, Công văn tập, Thích khoa giáo… Trần Nhân Tông thường nói: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào".

Sư Huyền Quang phụng mệnh vua trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Vì tinh thông đạo lý nên tăng chúng đua nhau đến học. Tương truyền, tăng ni về theo học ông có đến khoảng 1.000 người.

Năm 1317, ông được Pháp Loa truyền y bát của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa viên tịch năm 1330, ông kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên ông giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm. Ông đến trụ trì Thanh Mai 6 năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hóa. Tại đây, ông có công tôn tạo mở rộng chùa với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như đài Cửu phẩm Liên hoa, Am Bạch Vân, xây dựng tăng viện, đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp… đưa Côn Sơn trở thành đại danh lam, đại tùng lâm. Ngày 23 tháng giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Đệ tam tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, Thái thượng hoàng Trần Minh Tông đã ban thụy hiệu là Trúc Lâm Thiền sư Đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang Tôn giả. Ngày viên tịch của Đệ tam tổ Huyền Quang đã trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn hằng năm.

Nhân dân khắp nơi về vãn cảnh Côn Sơn tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024, nhân tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả

Nhà thơ lớn

Huyền Quang vừa là một thiền sư vừa là một nhà thơ lớn của dân tộc. Phật sử ghi nhận Huyền Quang là vị thiền sư đạo cao, đức trọng, đa văn bác học.

Ông để lại nhiều tác phẩm văn học Phật giáo gồm “Chư phẩm kinh”, “Công văn tập”, “Thích khoa giáo”… góp phần vào sự phát triển của văn học Phật giáo thời Trần.

Ông cũng để lại nhiều bài thơ nổi tiếng như bài Phú vịnh cảnh chùa Vân Yên và các bài thơ "Cúc hoa", "Tảo thu", "Nhân sự đề cứu Lan tự", “Đề ở chùa Đạm Thủy”, "Trong thuyền"… góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học nước nhà. Các tác phẩm của ông chủ yếu được ghi lại trong tập “Ngọc Tiên tập” nhưng không được lưu giữ trọn vẹn mà nằm rải rác ở các nơi. "Ngọc Tiên tập" còn lại 23 bài thơ ghi trong "Toàn Việt thi tập", "Toàn Việt thi lục", "Hoàng Việt thi tuyển" do đời sau chép lại. Tuy ít ỏi nhưng thơ Huyền Quang có "nhiều hàm nghĩa và một tâm hồn thơ phong phú".

Thơ ông thể hiện rõ phong cách "Thiền gia an lạc, thanh thản, con người hòa đồng cùng tự nhiên". Đọc bài thơ "Chùa Diên Hựu" của ông, chúng ta nhận ra một tư thế ung dung, an nhiên; tâm hồn sáng trong thanh thoát của một thiền sư ngộ đạo. "Trời thu đêm vắng, tiếng chuông buông/ Ánh ngụyêt lung lay, đỏ lá bàng/ Chim cắt ngủ treo khuôn kính lạnh/ Tháp ngời đôi ngọn buốt búp măng/ Mỗi duyên chẳng bận, ngăn lòng tục/ Phiền nhiễu khuây lâng, rộng nhãn quang/ Hiểu thấu thị phi đều một gốc/ Cung Ma, nước Phật cũng xem ngang".

Thơ Huyền Quang tôn giả cũng "bộc lộ mọi cung bậc của tâm trạng mình. Có vui, có buồn, có day dứt và có yên tĩnh... song đậm nét hơn cả vẫn là nỗi buồn, là tâm trạng cô đơn". Điều này được thể hiện khá rõ trong bài "Hoa cúc - bài 5": "Hoa ở giữa sân người trên lầu/Đốt hương ngồi lặng dứt lo âu/Chủ cùng muôn vật không chi khác/Một đoá hoa vàng chợt nở tung"...

Trong "Kiến văn tiểu lục", Lê Quý Đôn viết: “Sư Huyền Quang, người đời Trần, học rộng thơ hay… Trong Trích Diễm thi tập có chép một bài ngũ ngôn tuyệt cú và 21 bài thất ngôn tuyệt cú, thì thơ văn tinh tế rất có khí tượng cao siêu“. Một số tài liệu khác có ghi, Phan Huy Chú cũng khen thơ ông “lời bay bướm, phóng khoáng”. 

PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét