20 thg 5, 2024

Nhà rông Kon Klor theo dòng thời gian

Nhà rông là một thiết chế văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc ở Tây nguyên. Mỗi làng dân tộc Tây nguyên có một ngôi nhà rông. Nhiều nơi gọi tên của nhà rông là Nhà văn hóa làng. Thế nhưng nhà rông không chỉ có chức năng là nhà văn hóa, mà còn là không gian sinh hoạt chung của cả cộng đồng, nơi tổ chức lễ hội hay các lễ cúng. Nhà rông còn là nơi phân xử các vụ kiện, tranh chấp, hòa giải của dân làng, đồng thời cũng là nơi tiếp đón khách quý đến buôn làng thăm chơi. Xét ở góc độ nào đó nhà rông của người dân Tây nguyên tương đương đình làng của người Việt.

Về mặt kiến trúc, nhà rông có hình dáng như một lưỡi rìu vươn thẳng lên trời xanh, tạo dáng khỏe khoắn chinh phục không gian.

Nhà rông Kon Klor năm 2024, tiền cảnh bên trái là cây nêu, phía xa bên trái là cầu treo Kon Klor, bên phải nhà là cây sung cổ thụ. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Ngôi nhà rông được xem đẹp nhất và lớn nhất Tây nguyên là nhà rông Kon Klor nằm cạnh cầu treo Kon Klor. Là điểm đến đặc sắc ở Kon Tum, được nhiều du khách viếng thăm, nhưng số phận ngôi nhà qua nhiều giai đoạn long đong.

Là thiết chế văn hóa tiêu biểu của làng, tất nhiên nhà rông Kon Klor được dựng từ rất lâu đời. Thế nhưng năm 1975 nhà đã bị sập, bỏ hoang. Mãi đến năm 1999 dân làng dựng lại, hoàn thành năm 2000 và khi đó đã là ngôi nhà rông lớn và đẹp nhất Tây nguyên.

Tui tới đây cuối năm 1999, khi đó nhà rông chưa hoàn thành. Khi tui trở lại vào năm 2009 thì ngôi nhà như vầy.

Nhà rông Kon Klor năm 2009

Tháng 7/2010, tôi lại đến đây. Ngôi nhà rông đã cháy rụi!

Ngôi nhà rông to đẹp nhất Tây nguyên đã thành tro bụi vì một lý do hết sức trời ơi như sau:

Kẻ đốt đền Erostrat là Nguyễn Thành Long, 15 tuổi, học sinh lớp 9F, Trường Trung học cơ sở Thực hành Sư phạm Lý Tự Trọng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Khoảng 9h sáng 9/5/2010, Long đã cùng bốn người (cùng 17 tuổi), gồm: Trần Thị Kim Hân (học sinh Trường THPT Kon Tum), Ngô Thị Thanh Tuyền (phường Trần Hưng Đạo), Nguyễn Văn Thắng và Ngô Thanh Lạc (phường Quang Trung), trèo bờ rào để vào nhà rông tổ chức ăn nhậu. Đến khoảng 15h30' cùng ngày, nhóm này có lời lẽ đùa cợt, rồi thách thức "Mầy dám đốt nhà rông không?"… Long ngang nhiên châm lửa đốt nhà rông.

Như anh chàng Erostrat, muốn làm “người hùng” trong mắt bạn bè, Nguyễn Thành Long đã đốt mất ngôi nhà rông truyền thống to đẹp nhất Tây Nguyên.

Với nhu cầu văn hóa và tâm linh của người dân, nhà rông phải được xây dựng lại. Thế nhưng một trở ngại đã xảy ra.

Theo tập tục của bà con Ba Na, nhà rông là trái tim của làng, nhà rông bị cháy là trái tim bị cháy, là đụng đến Yang, làm cho Yang buồn, Yang quở trách. Làm lại nhà rông trên nền đất cũ là điều hết sức kiêng kỵ, dân làng sợ bị Yang phạt. 

Sau nhiều cuộc họp lấy ý kiến trong dân, đồng thời nêu ra các yếu tố về thổ nhưỡng, vị trí địa lý nhà rông đẹp trong lòng phố thị, không tìm đâu ra vị trí thay thế, cùng với ý kiến của già làng, người có uy tín ở khu dân cư, cuối cùng dân làng Kon Klor nhất trí làm lại nhà rông tại vị trí cũ theo kết cấu truyền thống, mái lợp tranh, cột kèo, đòn tay hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa.

Ngày 19/06/2011, tại Kon Tum đã khánh thành nhà rông mới.


Nhà rông Kon Klor trong lễ khánh thành và sau đó

Nhà rông Kon Klor mới được hoàn thành ngay trên nền nhà rông cũ tại làng Kon Klor (P. Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), có chiều dài mặt nền 17 m, chiều rộng 6,4 m và chiều cao của nóc là 22 m, cao hơn nhà rông cũ 1 m. Đây là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên.

Tới đây cũng chưa hết chuyện. Bạn hãy quan sát xem hình quang cảnh nhà rông Kon Klor sau lễ khánh thành và hiện nay có gì khác không?

Trong hơn 10 năm, nhà rông Kon Klor đã được chọn làm địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn, các lễ hội văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, du khách và các nhà báo đến đây tác nghiệp đều không vui vì hình ảnh vào ống kính có né tránh cách nào cũng luôn vướng trụ cờ sân nhà rông và trụ điện hai bên nhà rông, làm mất mỹ quan, oai nghi của nhà rông và cây sung cổ thụ.

Cuối năm 2022, qua góp ý các trụ điện hai bên nhà rông đã được di dời, cờ đỏ sao vàng đưa lên trên nhà rông, thay vào trụ cờ là cây nêu truyền thống. Đó là hình ảnh hiện nay tại nhà rông Kon Klor.


Tui leo lên cầu thang, thăm viếng nhà rông Kon Klor


Cầu thang vẫn chắc chắn, nhưng tay vịn (chỉ có một bên) lung lay hết rồi, leo lên hơi bị hồi hộp.

Nhà rông như lưỡi rìu vươn lên trời xanh


Cây sung cổ thụ bên cạnh nhà rông

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét