12 thg 5, 2024

Thân thương giọng nói Quảng Ngãi

Người dân Quảng Ngãi dù ở đâu, làm gì, cũng giữ giọng nói thân thương của quê hương mình.

Lần theo tiếng nói quê hương

Về Quảng Ngãi, nghe mọi người nói chuyện, người địa phương khác chắc hẳn sẽ không hiểu hết nghĩa của nhiều từ ngữ. Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra nhiều từ địa phương trong tiếng nói của người Quảng Ngãi có quan hệ họ hàng với tiếng Việt phổ thông hoặc tiếng Việt ở các địa phương lân cận như Quảng Nam, Bình Định. Ví như, để trẻ con lấm bẩn, người Quảng Ngãi sẽ nói “bỏ bồ lăn bồ lóc”; trẻ con khóc nức nở sẽ nói “khóc bồ nước bồ non”. “Bồ” trong những cách nói trên chính là “vừa”. Các nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra giữa từ “bồ” và từ “vừa” có mối quan hệ ngữ âm gần gũi. Về sự chuyển hóa giữa hai phụ âm b- và v-, chúng ta còn có “Thạch Bích” - “Đá Vách”, “cây bút” - “cây viết”... Đối với hai vần -ưa và -ô, ta có từ “mưa” - “vũ” và “vũ” - “vỗ về”. Do đó, “bồ” và “vừa” biến đổi cho nhau là hiện tượng ngữ âm hết sức tự nhiên.

Trong những dịp cúng tế đầu xuân, chúng ta thường nghe người Quảng Ngãi khấn từ “chánh ngoạt”. “Chánh ngoạt” ở đây chính là “chánh nguyệt”, tức tháng Giêng. “Ngoạt” là một biến âm của “nguyệt”, tương tự “trắng như tuyết” được rút gọn và biến âm thành “trắng toát”, “đỏ như huyết” thành “đỏ hoát”. Nói về đám cưới của người Quảng Ngãi xưa, ta sẽ gặp lại các cụm từ “đôi xiểng”, “gánh xiểng”, “bỏ xiểng”, “lại xiểng”. “Xiểng” là lễ vật trong cưới hỏi và nó chính là “sính” trong từ “sính lễ”. “Sính” biến âm thành “xiểng” cũng tương tự như “kính râm” - “đôi kiếng”, “chinh cổ” - “chiêng trống”.

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang ủng hộ bức tranh “Lau trên đèo Viôlắc” cho Chương trình “Sắc quê Quảng Ngãi” lần thứ I năm 2024 được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L

Thú vị là, người Quảng Ngãi rất ưa dùng các hư từ có vần ê như “ề” (ừ), “dẫy nê” (vậy à), “đã hê” (đã ha), “sướng quá hể” (sướng quá hả), “nê là” (hay là), “đây nề” (đây này)... Nếu như với hầu hết âm "a", người Quảng Ngãi phát âm gần giống người Quảng Nam, thì với âm "ê", ta thấy có mối quan hệ ngữ âm với các từ tương ứng trong tiếng Bình Định hoặc tiếng phổ thông. Chẳng hạn, “dẫy nê” trong tiếng Quảng Ngãi được người Bình Định nói “dẫy na”, “dẫy ne”. “Hê”, “hể” trong tiếng Quảng Ngãi tương đương với “ha/he”, “hả/hẻ”. Bởi lẽ, các âm "a", "e", "ê" có thể dễ dàng chuyển đổi cho nhau, tương tự như mạ/má - mẹ/mệ, trà - chè, kê - gà...

Tiếng Quảng Ngãi có nhiều từ khá lạ với người nơi khác vì đây là những từ cổ. Chẳng hạn, từ “trình”, thay vì nói “thưa ba mẹ”, người Quảng Ngãi sẽ nói “trình ba mẹ”. “Trình” có nghĩa là “thưa” và đây là một từ Hán Việt hiện nay không còn được dùng độc lập nhưng dấu ấn của nó vẫn còn để lại trong nhiều từ như “trình bày”, “tường trình”, đặc biệt là tổ hợp đẳng lập “thưa trình”. Tương tự, thay vì nói “bỏ đi”, người Quảng Ngãi sẽ nhấn mạnh hơn là “bãi đi”, “thôi bãi”. “Bãi” ở đây chính là “bỏ” và nó là một từ Hán Việt, như trong các từ “bãi nại”, “bãi công” và tổ hợp đẳng lập “bãi bỏ”.

Gói trọn tình quê

Việc truy tìm nguồn gốc của tiếng nói một cộng đồng vốn không hề đơn giản. Lịch sử di dân, quá trình cộng cư giữa các tộc người, chính sách văn hóa xã hội của nhà nước qua các thời kỳ, đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân cùng với những đặc điểm về hình thế địa lý, khí hậu thổ nhưỡng của một vùng đất... là những yếu tố làm nên tính chất vừa đặc thù, vừa phức tạp của tiếng nói vùng đất đó. Điều này cũng tương tự đối với tiếng Quảng Ngãi. Ngay cả việc tầm nguyên từng từ địa phương của người Quảng Ngãi cũng không hề dễ dàng. Nhưng điều đó không quan trọng, với người Quảng Ngãi", vẫn nói “eng cơm”, “đi lồm”, “chững chàng”, “trớt quớt”, “lua lua”, “quơ quơ”, “cái rết”, “vít số”, “dẫy thôi nê”... mỗi ngày mà chẳng cần bận tâm đến chuyện từ nguyên hay ngữ âm, ngữ nghĩa! Tiếng Quảng Ngãi đối với người Quảng Ngãi cũng thiết thân như cơm ăn, nước uống, khí trời. Bởi đây không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là tiếng nói ân tình, là lời quê trìu mến gói trọn bao vui buồn của tâm hồn con người xứ Quảng.

Tiếng Quảng Ngãi bao đời vẫn vậy, mộc mạc, chan chứa nghĩa tình như chính tính cách con người Quảng Ngãi vậy. Người Quảng vẫn nâng niu, yêu mến tiếng nói từ ngàn đời của quê hương mình. Với người Quảng Ngãi xa quê, ngoài biển số xe 76 thì tiếng nói chính là yếu tố đầu tiên để họ nhận ra đồng hương. Còn gì ấm lòng bằng giữa nơi xứ người xa lạ, nghe một giọng nói rặc ri Quảng Ngãi. Còn gì nhớ thương, xao xuyến bằng giữa chốn tha hương, nghe một câu ca, một khúc hát ân tình về “Quảng Ngãi quê mình trăm mến ngàn thương”...

Hiện nay, có nhiều bạn trẻ làm video hát nhạc Quảng Ngãi bằng chính tiếng Quảng Ngãi, dạy học tiếng Quảng Ngãi, làm từ điển mini về tiếng Quảng Ngãi... Có thể đôi chỗ còn vụng về nhưng đó là cách để người trẻ Quảng Ngãi thể hiện tình yêu đối với quê nhà, với tiếng Quảng Ngãi. Dù cuộc sống có thay đổi thế nào đi nữa, tiếng Quảng Ngãi vẫn mãi là tiếng nói gói trọn tình quê của bao thế hệ người dân Quảng Ngãi.

PHẠM TUẤN VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét