Tương truyền sau khi giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh ở vùng phía Nam Hoan Châu (tức Xứ Nghệ cũ), trên đường về Bắc, Cương Quốc Công Nguyễn Xí (một võ tướng tài ba, một danh thần kiệt xuất thời Hậu Lê) đã dừng chân ở rú Trôốc (theo tiếng địa phương) thuộc khu vực làng cổ Mỹ Lộc, xã Cẩm Huy (nay là TDP 3, thị trấn Cẩm Xuyên) để lập căn cứ. Thời gian này, ông cắt cử lính nuôi ngựa, trồng lương thực, giúp bà con nhân dân nơi đây ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Vùng rú Trôốc ngày nay.
Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân trong vùng đã xây dựng đền Cương Khấu Lộc Sơn (thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí) vào thế kỷ XV ngay tại làng Mỹ Lộc, xã Cẩm Huy. Khi xây xong, người dân đã trồng 4 cây muỗm tại 4 góc đền thờ với mong muốn trấn giữ cả khuôn viên đền. Trải qua chiến tranh, yếu tố thời tiết, 2 cây đã bị gãy đổ, nay chỉ còn lại 2 cây.
Trong 2 cây muỗm còn lại, 1 cây nằm tại vị trí cạnh nhà bái đường (phía trước), 1 cây nằm cạnh thượng điện (phía sau). Cây phía trước có 18 cành, chiều cao 25 m, chu vi gốc 5,4 m. Trong ảnh: Cây muỗm phía trước.
Tuy cây phía trước gặp tình trạng rỗng ruột, song tổng thể thì vẫn xanh tốt, các bộ rễ khoẻ khoắn.
Cây phía sau có 12 cành, cao 26 m, chu vi gốc 5,2 m. Cây này có thế vươn xa, ôm trọn thượng điện, phủ kín bóng mát cho trung tâm ngôi đền.
Trong khuôn viên đền, người dân vẫn giữ nguyên vẹn phần núi đá của rú Trôốc xưa, chắn giữ cả phần hậu thượng điện.
Tại vị trí 1 cây muỗm đã chết khô, người dân địa phương trồng thêm 1 cây đa thay thế. Cây đa này mọc lên, ôm trọn phần thân đã khô đen của cây muỗm xưa như lưu giữ lại một phần kỷ niệm.
Theo quan niệm của dân làng, cặp cây muỗm này phát triển theo thế “trấn giữ” cho ngôi đền. Cây phía trước mọc thẳng, tán che phủ phần trước đền; cây phía sau phát triển theo hướng hơi nghiêng, che phủ toàn bộ thượng điện. Trong ảnh: Gốc cây phía trước và gốc cây phía sau phải nhiều người ôm mới xuể.
“Ngoài ngày rằm, mùng một, người dân địa phương còn tổ chức thắp hương, dâng lễ vào ngày Khai hạ (7/1 âm lịch), lễ Lục ngoạt (15/6 âm lịch) và lễ giỗ Cương Quốc Công Nguyễn Xí (30/10 âm lịch). Bên cạnh đó, ngôi đền cũng là nơi gửi gắm tâm linh của Nhân dân địa phương mỗi khi có công việc quan trọng. Vào mỗi buổi chiều, dưới bóng cây muỗm là nơi trú mát, trò chuyện của các cụ già, trẻ em...”, ông Nguyễn Xuân Hùng – Bí thư Chi bộ tổ dân phố 3 cho biết.
Cặp cây muỗm cổ có niên đại gần 600 năm, gắn liền với quá trình hình thành của ngôi đền Cương Khấu Lộc Sơn. Hằng năm, địa phương cùng người dân luôn quan tâm, chăm sóc 2 cây cổ thụ này và tổ chức nhiều đợt tổng dọn vệ sinh tại khu vực đền nhằm bảo đảm mỹ quan. Tháng 4 vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã xét duyệt đây là cặp Cây Di sản Việt Nam. Trong tháng 5, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức lễ công nhận.
Ông Nguyễn Như Quỳnh
Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên
Sĩ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét