Vào ngày chính lễ (15/2 Âm lịch), bà con nhân dân và du khách thập phương về dâng lễ tưởng nhớ công lao của Nàng Han.
Theo lời kể của các bậc cao niên vùng Mường So, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Trước cảnh xâm lược bạo tàn của giặc phương Bắc, Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, Nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của Nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức lễ hội ngay ở mó nước Nàng tắm. Và tục lấy nước nơi Nàng tắm về gội đầu và rửa mặt cũng bắt nguồn từ đó…
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cùng du khách dâng hương tại đền thờ Nàng Han.
Năm 2007, đền thờ Nàng Han được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, Lễ hội Nàng Han được phục dựng và duy trì thường niên hàng năm ở quy mô cấp xã, thu hút đông đảo Nhân dân các dân tộc trong và ngoài khu vực tham dự.
Nghi thức lấy nước từ giếng Nàng Han để dâng cúng. Sau đó dùng nước rửa mặt, gội đầu. Bởi thế, vùng Mường So vẫn nổi danh là vùng có nhiều thiếu nữ đẹp.
Ở phần lễ, có hoạt động dâng hương Đền thờ Nàng Han, thầy tế sẽ thực hiện cúng và dâng hương với vật phẩm gồm thịt lợn, thịt gà, rượu thơm, hương, hoa, quả, trầu, cau do chính dân bản làm ra. Sau khi mọi người từ già đến trẻ hành lễ xong thì đến bên mó nước để lấy nước rửa mặt, cầu bình an, xua đi bệnh tật và những điều rủi ro.
Theo truyền thuyết, giếng nước là nơi Nàng Han sau khi thắng trận về tắm gội rồi bay về trời.
Phần hội diễn ra các hoạt động thi văn nghệ, thi ẩm thực, trưng bày không gian dân tộc Thái, thực hành di sản nghệ thuật múa xòe dân tộc Thái, tái hiện Lễ Áp hô chiêng (gội đầu năm mới), trình diễn nghi thức kéo co truyền thống của dân tộc Thái, hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ, tung còn, đi cà kheo, chơi én cáy…
Vào ngày chính hội, người dân và du khách thường đến mó nước Nàng Han lấy nước để rửa tay, chải tóc cầu may
Lễ hội Nàng Han là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn ý thức, ghi nhớ và phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc mình, cùng nhau đoàn kết xây dựng bản mường ngày một no ấm, giàu đẹp.
Các thiếu nữ Thái trắng uyển chuyển trong điệu múa khăn.
Đây còn là dịp để người dân và du khách gần xa giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, khơi dậy niềm tự hào truyền thống dân tộc; tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian phát triển; kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, từng bước xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trình diễn nghi thức kéo co truyền thống.
Người dân cùng du khách tay trong tay múa điệu xòe của dân tộc Thái, thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét