25 thg 3, 2017

Hang Bua - hang động kỳ vĩ nhất miền Tây Nghệ An

Thắng cảnh hang Bua gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của của đồng bào dân tộc Thái xưa và là một trong những di tích khảo cổ ở Nghệ An chứa đựng dấu tích văn hóa của nhiều thời đại. Tại đây các nhà khoa học đã tìm thấy trong lớp trầm tích hóa thạch các loài động vật và những di chỉ khảo cổ quan trọng như công cụ sản xuất của người Việt cổ thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ. Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người.

Đến hẹn lại lên, vào tháng Giêng hàng năm người dân khắp nơi trên miền Tây xứ Nghệ lại tìm về vùng đất Phủ Quỳ - Quỳ Châu để tham dự Lễ hội hang Bua được tổ chức từ ngày 20-22 tháng Giêng âm lịch. 


Hang Bua theo tiếng Thái là thẳm Bua được hình thành trên dãy núi đá vôi Phà Én thuộc bản Na Nhàng, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách TP Vinh 170 km về phía Tây Bắc. 

Trải qua hàng triệu năm kiến tạo của địa tầng tự nhiên đã tạo cho hang Bua một vẻ đẹp vô cùng kỳ vĩ và huyền bí mà hiếm hang động nào có được. 

Tại hang Bua các nhà khảo cổ học từng tìm thấy các hóa thạch của nhiều loài động vật cổ xưa. 

Cũng tại đây người ta còn tìm thấy dấu tích của người Việt cổ qua các công cụ lao động sản xuất như rìu đá thời kỳ đồ đá mới. Chính điều này tạo ra sự tò mò hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân đến hang Bua. 

Các vách hang in dấu ấn thời gian. 

Được xem là hang động đẹp nhất miền Tây Nghệ An, hang Bua không chỉ có giá trị về lĩnh vực khảo cổ học mà còn đang trở thành điểm đến lý thú trong bản đồ du lịch của tỉnh trung tâm Bắc miền Trung. 

Vào mùa lễ hội, hang Bua trở thành điểm đến tâm linh thu hút du khách đến tham quan thưởng ngoạn. Tại lễ hội, du khách có cơ hội được tìm hiểu về đời sống, văn hóa, sinh hoạt của người dân trên mảnh đất từng là nơi sinh sống của người Việt cổ. 

Nhóm phóng viên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét