21 thg 3, 2017

Làng mộc Minh Thành

Hình thành và phát triển đến nay đã 40 năm, làng nghề mộc với khoảng 14 hộ gia đình ở xóm 2, thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) đã đào tạo thợ và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lượt người, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân.

Tịnh Minh vốn nổi tiếng với nghề rèn truyền thống, nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn có làng nghề mộc với những người thợ có tay nghề cao. Đây là một trong những “lò đào đạo” nghề mộc lớn nhất huyện Sơn Tịnh.

Lò đào tạo nghề

Ông Nguyễn Chí Khải, người có hơn 30 năm làm nghề mộc ở thôn Minh Thành, tự hào bảo rằng, chỉ tính riêng xưởng mộc của gia đình ông đã cho “ra lò” hàng trăm thợ mộc. Những người đến thôn Minh Thành học nghề mộc đến từ khắp nơi trong tỉnh. Sau khi học nghề đã về mở xưởng riêng để làm ăn.

Ở xưởng mộc của ông Khải có em Vương, quê ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) vừa đến học nghề khoảng 4 ngày. Vương bảo: "Làm nông vất vả mà thu nhập lại bấp bênh. Nghe người quen bảo, nghề mộc ở Tịnh Minh nổi tiếng nên em đến đây “tầm sư học đạo”. Có cái nghề “làm vốn”, em hy vọng cuộc sống sau này sẽ đỡ vất vả hơn".

Các hộ dân làm nghề mộc ở thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) ngày càng chú trọng đầu tư máy móc, cải tiến sản phẩm làm ra. 


Nhiều hộ làm nghề mộc ở thôn Minh Thành cho biết, nghề mộc ở đây “khai sinh” từ sau năm 1975. Mới đầu chỉ có vài hộ làm, sau dần dà nghề thịnh lên, vì nhu cầu từ các sản phẩm từ mỹ nghệ ngày càng lớn. Bây giờ ở Tịnh Minh có nhiều xưởng mộc, nhưng tập trung nhiều nhất ở xóm 2, thôn Minh Thành. Người dân hay gọi vui đây là “xứ dùi đục”, vì bước chân vào đầu làng đã nghe tiếng dùi đục lách cách. Theo những người làm nghề mộc ở đây, tuy sản phẩm làm ra không tinh xảo như nhiều làng mộc nổi tiếng ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... nhưng nếu xét về độ bền chắc thì sản phẩm của những người thợ nơi đây làm ra không kém cạnh với ai cả.
 
"Cùng với nghề rèn nổi tiếng thì nghề mộc ở thôn Minh Thành cũng là một nghề có từ lâu đời. Sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng. Muốn nghề phát triển hơn, Nhà nước cần tạo điều kiện thông thoáng trong vay vốn để các hộ làm nghề mộc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nhiều hơn trong khâu máy móc, kỹ thuật".

Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh Đoàn Văn Phú
Vào những năm đầu 90, những người làm nghề mộc rơi vào khó khăn, vì sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với hàng từ ngoài tỉnh nhập vào. Tuy nhiên, nhờ nhanh chóng nắm bắt được thị hiếu khách hàng, cũng như đầu tư máy móc, nên nghề mộc ở Minh Thành vẫn đứng vững. “Thế mạnh lớn nhất của bà con chính là tay nghề. Như tụi tui đây, từ nhỏ đã nghe tiếng dùi đục, vậy nên khi được ông bà truyền dạy nghề là thạo nghề nhanh lắm. Những sản phẩm mộc “Made in Tịnh Minh” của chúng tôi rất được khách hàng trong tỉnh ưa chuộng, ông Khải cho hay.

Mong có thương hiệu

Làng mộc ở thôn Minh Thành thu hút khá nhiều lao động địa phương. Mức thu nhập tùy theo bậc thợ. Thu nhập trung bình của một thợ lành nghề dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng. Nhìn chung, đời sống của những hộ dân làm nghề mộc ngày càng khấm khá vì nhận nhiều đơn đặt hàng. Nhưng, người dân ở làng mộc này không đơn thuần làm nghề để mưu sinh mà muốn đưa nghề truyền thống của cha ông ngày càng hưng thịnh hơn.

Trưởng thôn Minh Thành Võ Kim Một bộc bạch: "Tiếc nhất là những hội chợ nông nghiệp, sản phẩm từ mộc của người dân trong làng vẫn không được “góp mặt” giống như những sản phẩm của người dân làm nghề rèn ở xóm trên. Phải có thương hiệu thì bà con mới nhận nhiều đơn đặt hàng hơn. Nghề mới ngày càng lớn mạnh được!".

Người đi trước dìu dắt, chỉ bảo cho người đi sau. Bởi vậy mà trải qua thăng trầm, nghề mộc ở xóm 2, thôn Minh Thành vẫn luôn được các thế hệ “giữ lửa”. Những hộ làm nghề mộc ở đây rất mong Nhà nước có những chính sách đặc thù đối với nghề truyền thống này.

Bài, ảnh: ĐÔNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét