17 thg 3, 2017

Thị Nghè: Rạch, cầu, chợ đều đi vào lịch sử

Thị Nghè là tên ngôi chợ có từ gần 200 năm nằm bên bờ con kênh cùng tên, nối với kênh Nhiêu Lộc từ cầu Nguyễn Văn Trỗi chảy ra sông Sài Gòn. Thị Nghè cũng là tên cây cầu bắc ngang kênh, nối đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh.

Địa giới khu vực Thị Nghè hiện nay bao gồm các phường 17, 19 và 21, quận Bình Thạnh, từ bờ kênh phía đường Trường Sa về hướng bắc tới đường Điện Biên Phủ; từ cầu Điện Biên Phủ chạy qua ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn rồi vòng lại theo đường Nguyễn Hữu Cảnh đến cầu Thị Nghè 2 - cây cầu cũng bắc qua kênh Thị Nghè, nối quận 1 và Bình Thạnh…

Thị Nghè - tên đất, tên người

Thị Nghè là một địa danh có bề dày lịch sử gắn liền với vùng đất Gia Định - Sài Gòn từ hơn 200 năm qua. Thị Nghè xưa là vùng đất cao được bao quanh bởi sông Sài Gòn và nhiều con rạch, nằm trên đường thiên lý Bắc Nam được lập từ năm 1748. Vùng Thị Nghè xưa là nơi có ruộng tịch điền, có đàn xã tắc, có miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (nay là khu vực Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), có Văn Thánh miếu thờ Khổng Tử, Trường tỉnh Gia Định (nay là khu vực Văn Thánh)… Trên địa bàn Thị Nghè xưa cũng đã từng có các cơ sở công nghiệp như hãng chén (nay là Công ty Sứ Thiên Thanh), hãng dầu Phú Mỹ, hãng ô tô buýt (nay là Trường Phú Mỹ, gần cầu Ngô Tất Tố)… Đặc biệt Thị Nghè là nơi có nhà in đầu tiên ở Sài Gòn: Nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết ra đời năm 1917, nằm gần cầu Thị Nghè, là nhà in lớn kiêm nhà sách. Đến trước năm 1975, nhà in Nguyễn Văn Viết (không còn chữ Joseph và cũng không còn bán sách) là nhà in màu offset nổi tiếng đẹp nhất nhì Sài Gòn. Năm 1972, người viết hằng tuần vẫn lui tới nhà in Nguyễn Văn Viết để lo in bìa offset bốn màu cho tờ tuần báo đang công tác.

Nhà thờ Thị Nghè được xây dựng từ đầu thế kỷ 18. Nhà thờ và Giáo xứ Thị Nghè thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Trường Tiểu học Phù Đổng hiện nay nằm cạnh nhà thờ Thị Nghè, trước năm 1975 là Trường Trung học Phước An, nằm trong sân nhà thờ Thị Nghè. Người viết đã có một thời gian ngắn dạy ở Trường Phước An. Tuy chỉ tạm dạy thay một người bạn bị động viên nhưng sau này mỗi khi có dịp đi ngang qua ngôi trường xưa đã đổi tên, trong lòng vẫn gợn lên chút ngậm ngùi. Bấy giờ tôi ở Phú Nhuận, đi dạy hay đến nhà in Nguyễn Văn Viết đều phải đi ngang qua ngã tư Hàng Xanh để đến trường hay nhà in gần đó, phía bên kia đường.

Chuyện đọc chệch tên đất, tên rạch, tên cầu thậm chí cả tên người ở Nam Bộ khá phổ biến. Như tên chợ, tên rạch, tên cầu Thị Nghè ban đầu là “Bà Nghè” nhưng không biết từ lúc nào bị gọi chệch thành “Thị Nghè”. Bà Nghè tên thật là Nguyễn Thị Khánh, trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân (ở khu vực này hiện nay có con đường Nguyễn Cửu Vân nối đường Điện Biên Phủ đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh). Trong Gia Định thành thông chí, mục Trấn Phiên An, Trịnh Hoài Đức viết: “… (bà) có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, cho bắc cầu ngang qua rạch để tiện việc đi lại nên gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè…”.

Người con trai thứ năm của Nguyễn Cửu Vân (cũng là em bà Khánh) là Nguyễn Cửu Đàm nối nghiệp cha, cho xây dựng Lũy Bán Bích và đào kênh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) nối từ rạch Bến Nghé với rạch Thị Nghè năm 1772, tạo một vòng cung bao quanh Sài Gòn như một hòn đảo rộng khoảng 50 
km2 để chống quân Xiêm. Rất tiếc, Nguyễn Cửu Đàm tử trận năm 1777. Rạch Thị Nghè được tính từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến sông Sài Gòn, dài chừng 4,5 km. Trong Gia định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức mô tả rạch Thị Nghè chi tiết như sau: “Sông Bình Trị, tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị, về phía Bắc Trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (tức cầu Bông hiện nay), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Bà Chiểu, chảy về nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi nữa đến cầu Huệ là cùng nguyên. Nơi đây có nhiều ao vũng…”. 

Trước khi có tên gọi Bà Nghè, Thị Nghè thì tên rạch được người Khmer gọi là Prêk Kompon Lu, sau đó người Việt gọi là rạch Nghi Giang, rạch Bình Trị. Cầu Thị Nghè và chợ Thị Nghè đều do bà Nguyễn Thị Khánh cho xây dựng từ đầu thế kỷ 18. Đến năm 1838 cầu được sửa chữa lại. Bấy giờ chợ Thị Nghè là nơi giao thương rộn rịp bậc nhất nhờ thuận tiện giao thông thủy lộ. Năm 1837, Sở thuế Thị Nghè đã thu được số tiền thuế cao nhất nhì Nam Kỳ bấy giờ với hơn 13.000 quan tiền. Nhưng sau này thời thuộc Pháp, với sự phát triển nhanh chóng của TP Sài Gòn, những ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đắc địa như Bình Tây, An Đông, Hòa Bình… trở thành chợ đầu mối giao thương thì chợ Thị Nghè, cũng như chợ Bà Chiểu gần đó, đều thuộc tỉnh Gia Định, chỉ phát triển ổn định là những ngôi chợ bán lẻ dành cho người tiêu dùng trong khu vực thôi. Nhưng chợ Thị Nghè, cầu Thị Nghè lại là những địa danh gắn liền với lịch sử Gia Định - Sài Gòn trong hàng trăm năm qua. 

Rạch Thị Nghè năm 1964. 

Một thời huy hoàng và những tiếc nuối
Trở lại một chút với lịch sử vùng đất Thị Nghè: Trước khi quân Pháp đem quân đánh chiếm Sài Gòn năm 1859, vùng Thị Nghè đã khá phát triển, bên cạnh khu chợ sầm uất là các ụ đóng tàu ở bến rạch Thị Nghè. Các ụ xưởng này chuyên đóng tàu chiến cho quân binh chúa Nguyễn. Rất tiếc các ụ xưởng đóng tàu này đã mất theo thành Gia Định sau khi bị Pháp chiếm. Theo sử gia Trần Trọng Kim thì: “Ở Gia Định bấy giờ tuy có nhiều binh khí nhưng binh lính không tập luyện, việc võ bị bỏ trễ nải cho nên khi quân Pháp từ Cần Giờ tiến lên, quan Hộ đốc Võ Duy Ninh vội vàng đi các tỉnh lấy binh về cứu viện nhưng chỉ hai ngày là thành vỡ”.

Thành mất. Võ Duy Ninh tự vẫn (hiện nay ở Thị Nghè có con đường nhỏ mang tên Võ Duy Ninh, nối từ đường Nguyễn Hữu Cảnh với đường Ngô Tất Tố). Còn GS sử học Trần Văn Giàu viết một cách đau xót: “Khi Pháp tiến đánh, trong thành Gia Định chỉ có hơn 1.000 quân thủ thành, trong khi có đủ khí giới lương thực cho 10.000 quân trong một năm. Điều đó chứng tỏ triều đình thờ ơ với việc phòng ngự, trong khi trước đó Pháp đã tấn công Đà Nẵng và lúc bấy giờ đang chuyển quân từ Cần Giờ tiến đánh Sài Gòn”. Thành mất, quân ta đã bỏ lại trong thành 200 khẩu đại bác bằng đồng hay gang, 20.000 vũ khí các loại, 86.000 kg thuốc súng và số gạo đủ nuôi hàng vạn quân cả năm. Đặc biệt còn có chín chiến thuyền đã đóng xong và đang đóng ở ụ rạch Thị Nghè. Tất cả tính theo thời giá bấy giờ lên đến 20 triệu quan!

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thị Nghè là một địa danh thường xuyên được nhắc tới trên báo chí với nhiều trận đánh nảy lửa và đẫm máu của cả hai bên. Bởi địa bàn Thị Nghè rất quan trọng, tuy thuộc địa phận tỉnh Gia Định nhưng nằm sát nách quận 1, gần trung tâm các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Tại đường Trường Sa bên bờ kênh Thị Nghè hiện nay có đài và bia ghi công các chiến sĩ đã hy sinh ở mặt trận cầu Thị Nghè. Bia cao 4,7 m, do ĐH Mỹ thuật TP.HCM thiết kế rất đẹp, được Quận ủy, UBND và MTTQ VN quận Bình Thạnh dựng ngày 24-8-2014. Cũng liên quan tới lịch sử, vùng đất Thị Nghè được đưa vào tiểu thuyết và phim ảnh. Đó là tiểu thuyết tình báo nổi tiếng Ông cố vấn - Hồ sơ một diệp viên của Hữu Mai, sau được dựng thành phim truyền hình do chính tác giả văn học chuyển thể với nhân vật chính là Hai Long, nguyên mẫu ngoài đời là nhà tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ. Khi di cư vào Nam năm 1954, Hai Long - Vũ Ngọc Nhạ đưa vợ con đến sống ở khu chợ Thị Nghè cho vợ buôn bán kiếm sống.

Một thời nhà sàn mọc đầy trên kênh

Thị Nghè trước kia có nhiều nhà sàn dựng dọc trên kênh rạch, cư dân hầu hết từ các vùng quê chạy lên TP lánh nạn chiến tranh, từ thời chống Pháp tới thời chống Mỹ. Họ sinh con đẻ cháu, nhiều đời vẫn bám trên kênh rạch. Hòa bình lập lại, chỉ một số về lại quê, hầu hết tiếp tục ở lại. Cách nay vài chục năm, TP chủ trương giải tỏa toàn bộ nhà sàn và nhà lấn chiếm kênh rạch trong TP, những cư dân ở trên và lấn chiếm kênh rạch được tái định cư, một số may mắn được ra mặt tiền con đường mới ven kênh sạch đẹp, đổi đời. Nhưng quanh chợ Thị Nghè hiện nay vẫn còn không ít người cùng khổ bám trụ kiếm sống.

PHẠM ĐÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét