26 thg 3, 2017

Mộc mạc tên làng Tây nguyên

Nghệ nhân A Jar, người nghiên cứu về văn hóa tên đất, tên làng Tây nguyên. Ảnh: P.A

Đồng bào Tây nguyên đặt tên đất, tên làng thường rất mộc mạc: có tên gắn với truyền thuyết; có tên gắn với đặc trưng về cây cối, di tích liên quan đến ngày lập làng...

Với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, tùy vào từng dân tộc mà họ đặt tên đất, tên làng gắn với những từ như Kon, Đăk, Plei.
Phía sau những tên gọi này là những chuyện kể, những truyền thuyết mộc mạc, hồn nhiên, dễ thương như người ở xứ này. 

Làng Kon Kơtu. Ảnh: P,A 

Những tên làng gắn với truyền thuyết

Một sáng tinh sương, chúng tôi được anh A Khoa, cán bộ văn hóa xã hội xã Đăk Tờ Kan (H.Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đưa đến làng Đăk Xô Trong, tìm già A Nuế (69 tuổi). Khoa bảo, già A Nuế là người biết chỉnh chiêng và biết rất nhiều chuyện kể, truyền thuyết của người Xê Đăng ở xứ này.

Hôm ấy có khách về làng, lại cuối năm mùa vụ, già A Nuế thong thả nên quyết định không đi rẫy mà ở nhà bảo lũ trai làng mang rượu cần, chiêng đến nhà "nói chuyện". Trong căn nhà sàn cũ kỹ còn đượm mùi gạo mới, già A Nuế kể cho thanh niên trong làng nghe rất nhiều chuyện thú vị, trong đó có truyền thuyết về hai làng Đăk Kạch Lớn và Đăk Kạch Nhỏ. 

Gìa làng A Nuế kể huyện làng Đăk Kạch, hay gọi là "làng thách thức". Ảnh: P.A 

Hồi đó, tại làng người Xê Đăng có gia đình giàu có, sinh hai anh em trai, người anh là A Sam, em là A Sư. Khi cha mẹ mất, A Sư bỗng nhiên ghen tị với anh trai vì cả hai đều ưng bụng một thiếu nữ trong làng.

A Sư gặp anh trai A Sam và "thách đấu" bằng cách: ai đánh đàn, hát hay được cô gái và cả làng thích thì thắng. Người thua cuộc phải đi lập làng mới. Hôm đó, khi lúa trên rẫy đã thu hoạch xong, ông mặt trời đã ấm áp hơn, bụng lũ làng no hơn, cuộc thách đấu diễn ra.

A Sam khi đó dùng kèn môi, vừa thổi vừa hát làm ngất ngây các cô gái làng. Người làng gật gù theo từng tiếng đàn, tiếng hát du dương trầm bổng bay qua các ngọn núi, trong hơn con suối nước tháng 3. Rằng nàng tiên xinh đẹp của lòng anh ơi/em xuống trần này hớp hồn anh/khi em về với Yàng trên trời em có nhớ anh không…

Thấy anh ruột hát hay, đàn giỏi, A Sư chịu thua không hát, không đàn gì mà lẳng lặng bỏ làng đi lập làng mới bên kia con suối.

Trong tiếng kể say sưa, già làng A Nuế giải thích, vì sao bây giờ có hai làng Đăk Kạch Lớn và Đăk Kạch Nhỏ. Theo tiếng Xê Đăng, đăk là nước, con nước; kạch là thách thức. Vì vậy có thể gọi hai làng đó là "làng thách thức", hay là làng nước người anh và làng nước người em.

Mang câu chuyện này trao đổi với ông A Jar (70 tuổi, trú ở làng Plei Đôn, phường Quang Trung, TP.Kon Tum), vừa là nghệ nhân người Xê Đăng, vừa là nhà nghiên cứu phong tục đồng bào thiểu số Tây nguyên, ông A Jar cho biết tên làng đồng bào Xê Đăng, Ba Na, Ja Rai… trong vùng thường gắn với những câu chuyện như thế.

Ông A Jar kể cho chúng tôi nghe chuyện về làng Yang Roong (hiện thuộc xã Đăk Cấm, TP.Kon Tum), gọi là làng "Thần nuôi dưỡng".

Chuyện kể rằng, làng này được thần linh cai quản và ban đặc ân là người làng không bao giờ già đi. Vì vậy mà thuở ấy, người làng này có những người sống cả vài trăm tuổi. Trong làng, người già và người trẻ không biết phân biệt nổi giữa các thế hệ. 

Làng Kon Klor, người Ba Na gọi là "làng cây bông", do có nhiều cây bông gòn.  Ảnh: T.H 

Nhưng đến một hôm, có người trong làng đi săn xa làng, thấy một đám tang. Người này nhìn người ta khóc lóc, đánh chiêng, nhảy múa rồi làm thịt gia súc, gia cầm ăn uống, thấy lạ lắm, bèn ở lại chứng kiến để xem "cái chết là như thế nào".

Sau khi từ đám tang nọ trở về, người thợ săn kể chuyện cho người làng biết chết là như thế nào và lũ làng cũng tò mò… muốn thử xem. Dân làng tìm vào rừng bắt một con vượn, giết chết, sau đó tổ chức làm đám ma, khóc lóc rồi nhảy múa, ăn uống.

Việc này của dân làng khiến thần linh nổi giận, trừng phạt bằng cách cho người làng phải chết thật để biết đau thương là thế nào. Vậy là người làng chết liên tục, mới đầu chỉ vài người, sau thì chết nhiều lắm.

Quá hoảng sợ, người làng tìm đến pơ dâu (thầy cúng) để xin chuộc tội với thần linh. Thần linh bảo dân làng dâng lễ vật như: bò trắng, trâu trắng, dê trắng, gà trắng để thần linh xá tội. nhưng cũng từ đó, người làng sinh ra, già đi, rồi chết như ở bao làng khác. 

Tên làng gắn với cộng đồng 

Xuồng độc mộc trên dòng sông Đăk Bla, TP.Kon Tum. Ảnh: P.A 

Ông A Jar cho biết với đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên thì khi lập làng, việc chọn tên làng là do cả làng đồng thuận. Việc này để tạo được nét riêng, cũng là niềm tự hào của cộng đồng làng. Theo đó, tên của làng thường gắn với các đặc điểm liên quan về nguồn nước sinh hoạt, sau nữa là đặc điểm đất đai.

Chẳng hạn như ở TP.Kon Tum có tên làng Plei Tơ Nghia (nghĩa là làng cây kơ nia). Theo giải thích của ông A Jar, khi thành lập làng này, thì nguồn nước của người làng nắm dưới tán cây kơ nia, nên đặt tên Tơ Nghia. Tương tự như làng Kon Hra (Hra là cây sung, làng này có nguồn nước dưới tán cây sung). Hoặc như làng Đăk Phía ở xã Ngọc Réo (H.Đăk Hà, Kon Tum): Phía có nghĩa là nứa, nguồn nước ở nơi có nhiều nứa nên đặt tên "làng nứa".

Hỏi ông A Jar về làng Kon Klor (P.Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) có phải Klor là cây bông gòn nên lấy tên này. Ông A Jar bảo ngày trước làng này có cây bông gòn mọc đầy làng, nên thành tên.

Chính vì những nét đặc trưng này, người Tây nguyên không thích việc gộp vài làng thành thôn (để dễ quản lý hành chính) như đã từng xảy ra, vì sợ mất đi ý nghĩa tên làng thậm chí đã có từ vài trăm năm. 

Cấm kỵ việc đặt tên làng trùng nhau

Ông A Jar cho biết, đồng bào thiểu số Kon Tum đặt tên làng không bao giờ trùng nhau, bởi đây là điều cấm kỵ. Điều đáng nói nữa là, trong quá trình phát triển, làng chật hẹp nên có lúc phải tách làng ra làm hai thành lập làng mới, nhưng tên làng cũ vẫn gắn vào. Chẳng hạn như làng Kon Kơtu (làng nguyên thủy) khi tách ra làng mới tên là Kon Klah (Klah nghĩa là "tách ra"). Vì vậy như tên là làng Plei Kroong (làng Sông), sau đó làng Plei Kroong cũng chia thành 2 làng Plei Kroong Kơtu (là làng gốc) và Plei Kroong Klah (là làng mới tách ra).

Phạm Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét