7 thg 3, 2017

Nhà thờ Cam Ly - Nhà của Chúa và Yàng

Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời
Thông reo vi vu than thở như ngậm ngùi 


À, đó là thác Cam Ly, nơi đã đi vào thơ, vào nhạc. Nhưng bây giờ thác Cam Ly... hôi rình à, không ai thích ghé thăm hết. Thành ra ta tới một Cam Ly khác nghen, nhà thờ Cam Ly.


Nhà thờ Cam Ly không xa thác Cam Ly. Đây là ngôi nhà thờ được thiết kế cho đồng bào dân tộc Tây nguyên nên mang những nét đặc sắc riêng, nó giống một ngôi nhà rông hơn là một nhà thờ công giáo mà ta thường thấy.


Bạn sẽ hơi sốc một tí khi vừa đến nhà thờ Cam Ly, vì muốn vào nhà thờ phải đi qua cổng... Trường dạy Lái xe Đà Lạt. Nghe nói rằng khu đất của trường Lái xe này trước là của Nhà thờ và sau 75 thì bị nhà nước chiếm hữu, như nhiều khu đất của Công giáo khác ở Đà Lạt. Thôi kệ, miễn là ta không đi học lái xe, ta đi tham quan nhà thờ thôi.


Địa chỉ và cổng rào nhà thờ đây nhé các bạn. Địa chỉ là 1A Nguyễn Khuyến, phường 5, TP Đà Lạt. Điện thoại là: 063.3824662.


Ban đầu, nhà thờ là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào các dân tộc K’Ho, Chu Ru, Lạch trong buôn Ma Trang Sơn. Sau đó, đồng bào chuyển về sinh sống ở nhiều buôn khác nhau thuộc các huyện Đức Trọng, Lạc Dương… nhưng hàng năm họ vẫn gửi con em mình về đây cho các sơ trong cộng đoàn Mến Thánh Giá Khiết Tâm thường trú bên cạnh nhà thờ giảng dạy. Vì là ngôi nhà thờ cho người dân tộc Tây nguyên nên linh mục người Pháp Boutary đưa ra ý tưởng về ngôi nhà chung của Chúa và Yàng (Trời). Công trình được khởi công năm 1959, hoàn thành năm 1967.



Mái nhà thờ Cam Ly cao 17m nhìn từ mặt bên như một lưỡi búa khổng lồ nằm vắt trên nền trời, gợi lên hình ảnh các vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Mái nhà thờ được thiết kế giống mái nhà rông nhưng có sự cách điệu đem lại cảm giác vững chắc hơn.



Ngay ở tiền sảnh, hình ảnh con cọp và chim phượng hoàng mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện cuộc sống của đồng bào dân tộc trước còn hoang dã, nay trở nên biết lẽ sống để cùng nhau xây dựng buôn làng sung túc hơn. 



Nội thất nhà thờ có diện tích gần 400m², một không gian thâm nghiêm nhưng khoáng đạt, phóng túng, được bao quanh bởi những bức tường lửng có độ cao khoảng 3 m, xây bằng đá chẻ nối với hệ thống cửa kính màu xanh, nâu, vàng trong các khung gỗ. Các khung cửa liền nhau và giáp mái cùng với 20 vì kèo tương ứng đều được cách điệu từ hoa văn Tây Nguyên mà chủ đạo là hình vuông và hình tam giác - tượng trưng cho Mặt Trăng và Mặt Trời trong môtip bản địa về quan niệm vũ trụ. Riêng phần mái được lợp bằng 80.000 viên ngói phẳng mà gờ móc có đục lỗ để luồn dây kẽm buộc chặt ngói vào litô... Tất cả là sự kết hợp thành công giữa tư duy mộc mạc, tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số với triết lý tôn giáo nhân bản và sâu sắc. 





Nội thất nhà thờ còn xuất hiện nhiều hình ảnh các loài vật khác thể hiện bản tính của chúng như: sự trong sáng của Nai, sự gần gũi của Chim và Cá... Ðặc biệt dưới chân thánh giá, bên cạnh cung thánh bằng gỗ thông có treo ba đầu trâu theo thứ tự cao thấp. Trâu là linh vật mà người thiểu số ở Tây Nguyên thường dùng làm vật phẩm để "giao tiếp" với Yàng của họ, trong trường hợp này là kính dâng Thiên Chúa như một thông điệp biểu lộ lòng sùng kính.



Ra khỏi nhà thờ, một lần nữa ta phải đi qua cổng trường Lái xe. Lòng tự hỏi không biết đến bao giờ đất nhà thờ được trả lại hẳn cho nhà thờ đây nhỉ?

Phạm Hoài Nhân
Tư liệu lấy theo Nguyễn Vũ Thành Đạt trên Báo Ảnh Việt Nam và Nguyễn Trần Huy Phong trên Facebook.
Cảm ơn bạn Nguyễn Trần Huy Phong đã đưa tôi đến đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét