14 thg 5, 2015

Xuân Diệu với quê hương

Có thể nói, chính nơi chôn rau cắt rốn vạn Gò Bồi, làng Tùng Giản, huyện Tuy Phước , tỉnh Bình Định, cái nơi nhà thơ thuở nhỏ đi học và lớn lên với nhiều kỉ niệm - TP Quy Nhơn - là cả một đời thơ của nhà thơ Xuân Diệu.

Ven sông Gò Bồi. Ảnh: Uyên Thu trên xunauvn.org

Những năm đất nước còn bị chia cắt, sống trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mong ngóng về “miền Nam quê ngoại”, Xuân Diệu khao khát đến cháy bỏng, có một ngày nào đó đất nước được thống nhất, được trở về thăm lại quê hương, quê ngoại, quê má mến yêu. Hình ảnh quê hương ấy ở một người con đi xa, thật càng da diết biết bao! Nó cứ như điệp khúc trong lòng, nhà thơ càng cố nén đợi chờ, càng có cơ hội bật ra: 

“Quê má, quê má yêu. 
Ta mang theo sớm chiều. 
Mang theo trong giọng nói. 
Pha Bắc lẫn Nam nhiều” 
(Nhớ miền Nam).

Đây là tiếng nói bật từ trái tim nhà thơ, sống ở miền Bắc, dẫu chất giọng có pha đượm giọng Bắc nhưng vẫn Nam nhiều, làm nhà thơ không lúc nào nguôi ngoai về quê hương. Có thể nào nhà thơ nguôi quên khi đầu lưỡi của mình như nếm vị ngọt ngon của xoài Bình Định, da dẻ thắm hồng bởi muối biển Quy Nhơn ngày nào. Và đến ngay hơi thở cũng đượm “nước mắm ngon của vạn Gò Bồi” quê má: 

“Ôi bao giờ, bao giờ. 
Ta tắm vào da thịt. 
Con sông nhỏ Gò Bồi. 
Quy Nhơn về ngụp biển. 
Muối đọng ở vành tai” 
(Nhớ miền nam)

Đi nhiều, biết nhiều là thế, nhưng hướng về quê hương, Xuân Diệu không hề có một tình cảm chung chung, trừu tượng dễ hoà tan mà ai cũng có thể nói ra được. Tình cảm của Xuân Diệu với quê má thân yêu là tình cảm cụ thể, cụ thể đến nắm bắt được, cảm nhận được.

Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở vạn Gò Bồi làm nước mắm
Một hạt muối trong tim để mặn với tất cả những gì đằm thắm

Hay là:

Tôi mới sinh ra thì đã có gió nồm
Cơn gió ấy tuyệt vời dọc miền Nam Trung Bộ
( Miền Nam quê ngoại)

chính là cái cụ thể không thể tan biến vào đâu được.

Tình cảm mà Xuân Diệu dành cho Quy Nhơn trong những ngày tuổi nhỏ đi học có đặc biệt hơn. Nhà thơ đã có lần “Tâm sự với Quy Nhơn” sau ngày thống nhất nước nhà. Quy Nhơn hiện lên trong kí ức nhà thơ với “Nhà cũ cạnh chùa Bà”, với bao tên gọi Ghềnh Ráng, Đèo Son, với Tháp Đôi yêu mến. Đó là cả những ngày tháng oai hùng “tháng tám Quy Nhơn dậy thắm cờ”, cả những chuỗi ngày đau xót khi “Mỹ nguỵ tới Quy Nhơn”. Thật khó mà diễn tả cho hết niềm hân hoan của Xuân Diệu khi nhìn thấy “Mỹ chuồn, nguỵ rã đường ven biển. Ngập áo rằn ri súng nguỵ tề”.

Ôi! Gió biển trăng sao ở Quy Nhơn, muối mặn xoài ngon ở vạn Gò Bồi, “bánh tráng bẻ giòn giòn, lục lạc kêu rang rảng” lẫn “tiếng cắc cụp bài chòi ở chợ Tết Văn Quang”, cùng với thế giới tuổi thơ thật là thơ trẻ của Xuân Diệu:

Khi những buổi trưa tuổi nhỏ lại về
Đi lượm xoài non rụng với khèo me
Một vài rừng hoang là một cái địa đàng…
(Đêm ngủ ở Tuy Phước)

Nhà thơ đem đến cho chúng ta một tình yêu quê hương cụ thể, đậm đà và da diết như Xuân Diệu đã từng yêu.

Quả là hóm hỉnh và yêu đời, ở cái tuổi “hom hem” của mình khi nói đến tình yêu (“hom hem” là với ai chứ với Xuân Diệu - “ông vua thơ tình” - thì “đến chết rồi tôi vẫn yêu ma” kia mà) thi sĩ đùa: Sẽ hoàn thành cuốn tự vị tình yêu để nam nữ thanh niên yêu nhau gặp điều gì trắc trở, thì tra vào đấy thi sĩ sẽ nói gì! Tình yêu mà nhà thơ suốt đời ca ngợi, có lẽ bắt nguồn từ tình yêu quê hương, cụ thể hơn, là với những người thân yêu nhất của mình. Nhớ đến quê hương, với Xuân Diệu cũng có nghĩa là nghĩ đến bà ngoại, đến má yêu quí. Đây là một tình cảm rất người của người Việt Nam ta nhưng vẫn có nét riêng ở nhà thơ:

Bà ngoại ta còn phảng phất ở đâu đây
Bánh ít lá gai, bánh ú mập đầy
Hoa quả bốn mùa cũng từ ngoại mà ra ất cả
(Đêm ngủ ở Tuy Phước)

“Bà ngoại là thứ nhất của quê hương”. Xuân Diệu đã cảm nhận như thế. Chính bà đã hết lòng yêu thương ông đồ Nghệ trọ trẹ nhưng hay chữ mà tác thành gả con gái cho. Cuộc nhân duyên này lại là ngọn nguồn của một hồn thơ : Xuân Diệu. Như trên đã nói, cuộc tình duyên giữa cha và mẹ nhà thơ có được là nhờ ở cái tình của ngoại. Vẫn là cái tình, cái nghĩa đấy thôi. Đó cũng là “ông tơ bà nguyệt” xe duyên mặn mà nhất. Nó gắn bó keo son hai con người ở hai đầu đèo Ngang cách trở:

Cha đàng Ngoài , mẹ ở đàng Trong
Hai phía đèo Ngang. Một mối tơ hồng
Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang
Đói bao thửơ , cơm chia phần từng bát
Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát
Bình Định lúa xanh ôm bóng Tháp Chàm

Và nhà thơ của chúng ta cũng được nuôi dưỡng trong hai cái nguồn mạch đó:

Muốn ăn nước dừa, ăn xoài chín đỏ
Muốn ăn bánh tét , bánh tổ
Thì theo tao ở mãi trong này
(Cha đàng Ngoài, mẹ ở đàng Trong)

Sỡ dĩ tôi phải dẫn chứng nhiều như thế là để thấy rằng, đối với Xuân Diệu, Bình Định là quê hương, “là một, là riêng, là thứ nhất”. Nhưng nhà thơ là sự kết tinh của hai dòng máu ở hai đầu đất nước, nên với Xuân Diệu, quê hương còn lớn hơn nhiều. Đấy là Nhân dân, là Tổ quốc. Chính nhà thơ sau này, trong một dịp tâm sự với bạn đọc nước ngoài, đã nói: “Tôi thấy hạnh phúc trọn vẹn đầy sáng tạo hơn khi ở với cha tôi là Nhân Dân, mẹ tôi là Tổ Quốc”. Mang ơn sâu nghĩa nặng đó, từ quê hương Bình Định mến yêu, Xuân Diệu hành trình suốt cả cuộc đời mình, cống hiến tài năng cho đất nước, coi đó là niềm vui, là hạnh phúc. Xuân Diệu tiếp tục tâm sự: “Được nhận là một cái thích, nhưng được cho là một niềm vui còn lớn hơn nhiều, và người nghệ sĩ xin hiến dâng tài năng của mình cho hàng triệu bà mẹ của chúng ta, họ chính là Tổ Quốc”. Xuân Diệu đã đi vào cõi vĩnh hằng…Một trái tim ở giữa cuộc đời tha thiết, ngừng đập rồi mà hoa trái vẫn sinh sôi. “Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu”.

Tôi bâng khuâng chợt nghe đâu đó lời ca tha thiết “Quê hương” của Đỗ Trung Quân:

Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Trần Xuân Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét