28 thg 5, 2015

Tré - món ngon độc đáo đất Bình Định

Cứ mỗi lần đi qua cung đường quốc lộ 19, đoạn qua Chợ Huyện (thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định), khách xa lại thấy những cuộn rơm vàng óng bó lại như túm chổi nhỏ, đu đưa trong gió.

Ấy là tré, một trong những món ăn dân dã mà độc đáo, ngon lành của người dân xứ Nẫu.

Cô giáo tôi, quê ở tận Côn Đảo xa xôi, cứ mỗi lần ghé Bình Định là lại mua tré xách về cho người thân. Cô nói, nhìn cây tré ở đây thương gì đâu. Thương những cọng rơm được tỉa tót gọn gàng, thương dáng hình mộc mạc của bó tré gợi nhớ làng quê và những gì thân thuộc nhất. Cô kể mình “phải lòng” cây tré từ dáng hình đến hương vị bên trong với đầy đủ các cung bậc: chua, cay, mặn, ngọt… 

Thương những cọng rơm được tỉa tót gọn gàng, thương dáng hình mộc mạc của bó tré gợi nhớ làng quê và những gì thân thuộc nhất 


Những cơ sở làm tré lâu đời ở Bình Định cho biết đây là mặt hàng bán rất chạy, không kể trong Nam ngoài Bắc, cây tré nhỏ xinh rảo đi khắp miền. Theo những người làm tré lâu năm, món ăn này không khó làm, chỉ khó ở khâu nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng người dùng. Cái khó ấy cũng chính là bí quyết “gia truyền” mà ngoài chủ ra, không ai được biết.

Mỗi ngày, các tiệm làm tré lại đặt hàng các loại thịt thủ (đầu heo) từ lò mổ. Thịt thủ đem về rửa sạch qua nhiều nước, xát muối hột để được thơm và trắng hơn.

Từ sáng sớm, người làm tré đã nhóm lửa luộc thịt. Khi luộc, lửa lại luôn phải được điều chỉnh và canh giờ để thịt chín vừa sao cho không bị giảm độ giòn. Thịt luộc xong được ngâm trong nước lạnh để giòn và không bị dính rồi mang đi xắt bằng dụng cụ chuyên dụng để từng miếng thịt đều, mỏng, đẹp.

Kế đến là phần gia vị cho thịt vừa ăn. Riềng, ớt, tỏi, mè, thính giã nhuyễn rồi trộn đều, chung với phần thịt và gia vị khác.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, một trong những người làm tré ở Chợ Huyện cho biết: “Tới công đoạn gói tré mới thấy ai khéo ai không. Tré được gói trong lá ổi, bọc trong bịch bóng rồi mới ủ vào trong cây rơm. Thấy vậy thôi chứ làm sao để mớ thịt rời rạc này kết lại trong nắm lá ổi, cũng rời rạc không kém, rồi làm sao để mở gói tré ra, người ta có cảm tình nữa…”.

Ngồi nhìn Tuyền thoăn thoắt gói tré mà thấy câu: “Trăm hay không bằng tay quen” sao mà đúng với trường hợp này quá! Đôi tay nhỏ nhắn thoăn thoắt, nhịp nhàng gói rồi bọc tré như thể người ta hít thở mỗi lúc vậy.

Sau 2-3 ngày, thịt và gia vị gói trong bó rơm sẽ lên men tự nhiên, có thêm vị chua, nồng rất hấp dẫn. Tré thường ăn kèm rau thơm, tỏi, làm mồi nhậu hay món khai vị cho bữa tiệc đều rất bắt vị!

Trước khi chia tay, Tuyền còn nói thêm, gì chứ tré thì yên tâm là không có chất phụ gia hay chất hóa học nào cả nên chọn được tré ngon, hợp khẩu vị rồi thì cứ ăn…thoải mái.

Mỗi dịp lễ Tết, lượng tré bán ra lại tăng lên gấp chục lần ngày thường. Có lẽ, ngay khi cầm cây tré trên tay, người ta lại thấy như đang trở về với những làng xóm, ruộng vườn, nơi từng lưu giữ quá khứ, tuổi thơ, lưu lại những bữa cơm ngon sum vầy hạnh phúc… 



Gói tré thoăn thoắt với bó rơm, lá ổi 

Luộc tré, nhanh thôi nhưng người làm phải thật khéo để thịt thủ vừa chín giòn 

Thịt thủ sau khi luộc được nhúng qua nước lạnh rồi để ráo 

Từng bó tré gói xong, treo lủng lẳng nhìn rất vui mắt 

Tré sau hai đến 3 ngày sẽ được lên men, chỉ cần thêm chút rau ăn kèm, đơn giản mà ngon là vậy 

Tâm Ngọc (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét