11 thg 5, 2015

Bạch Dinh Vũng Tàu

Đi Vũng Tàu thường là để tắm biển. Biết rồi!

Tắm biển xong có thể viếng các ngôi chùa nổi tiếng, như Thích Ca Phật Đài, Linh Sơn tự, Niết Bàn Tịnh xá... Ừ, đúng!

Hoặc là viếng thăm các thắng tích công giáo, như Tượng Chúa dang tay, đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu... Phải đó!

Xong rồi sao? Đi ăn. Dĩ nhiên rồi. Nhưng còn một chỗ cũng hay lắm, tới chỗ này là 4 trong 1 luôn đó!

Đó là Bạch Dinh, Villa Blanche, một dinh thự cổ với kiến trúc châu Âu thế kỷ 19, nằm bên sườn núi Lớn (đường Trần Phú). Villa Blanche từng là nơi nghỉ mát của Toàn quyền Đông Dương, vua Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Trong 10 năm, từ 1907 đến 1916, đây còn là nơi giam lỏng vua Thành Thái.


Là chốn vương giả như vậy nên xưa kia thứ dân như chúng ta đâu có được léo hánh tới. Sau ngày 30/4/75 thì nơi này bị bỏ bê, người dân được lên chơi, hóng mát không tốn tiền trong suốt thời gian dài. Nhưng rồi bây giờ Bạch Dinh trở thành Khu Di tích Lịch sử Văn hóa, muốn vô phải mua vé. Thôi thì dân Vũng Tàu họ quen vô miễn phí rồi giờ bán vé họ chán, không thèm vô, còn ta là dân du lịch, bỏ 15.000 đ/người mua vé (giá tháng 1/2015) cũng xứng đáng lắm đó! Bởi vì vô đây ta có thể thưởng ngoạn nhiều thứ:

1. Kiến trúc cổ châu Âu thế kỷ 19:

Chính quyền Pháp cho xây dựng nơi đây một dinh thự để làm nơi nghỉ mát cho các Toàn quyền Đông Dương. 
Công trình khởi công năm 1898, hoàn thành năm 1902. Toàn quyền Paul Doumer lúc bấy giờ đặt tên cho dinh thự này là Villa Blanche, theo tên của con gái ông là Blanche Richel Doumer. Vì Villa Blance nghĩa là dinh thự màu trắng, và ngôi nhà này cũng sơn trắng nên người dân quen gọi Bạch Dinh.



Bên ngoài Bạch Dinh

Những bức tượng theo phong cách Hy Lạp ở mặt trước Bạch Dinh

Phòng khách của Dinh



Các căn phòng trong Dinh cho ta ý niệm ngày xưa các vị lãnh tụ (Toàn quyền, vua, tổng thống) sống như thế nào.

Cần nói thêm là trong thời gian vua Thành Thái bị an trí ở đây, dân chúng kính trọng Ngài nên gọi đây là Dinh Ông Thượng. Trong khuôn viên khu di tích còn có nhà bia lưu niệm khắc ghi lại một bài thơ cảm tác của Ngài lúc ở đây.

2. Một nơi ngoạn cảnh tuyệt đẹp:

Khuôn viên Bạch Dinh có nhiều cây xanh, trong đó nhiều nhất là hoa sứ và giá tỵ. Những con đường quanh quanh dưới những hàng cây tạo nên bức tranh lãng mạn, nên thơ cho nơi này. Đi dạo giữa rừng cây rất thú vị.

Cây sứ trên trăm tuổi

Con đường lẩn khuất giữa rừng cây

Một cánh hoa rơi

Vị trí trên sườn núi Lớn của Bạch Dinh đúng là một vị trí tuyệt vời để ngắm cảnh quan biển Vũng Tàu, xa xa là núi Tao Phùng. Đúng là khéo chọn chỗ ở của vua!

Từ một khung cửa sổ ở Bạch Dinh nhìn ra biển, xa kia là núi Nhỏ (núi Tao Phùng)




3. Một bảo tàng cổ vật mini

Những hiện vật còn được lưu giữ trong Bạch Dinh là những cổ vật quý giá đáng để tham quan. Bên cạnh đó, nơi đây còn là một bảo tàng mini, trưng bày cổ vật Hòn Cau.

Hòn Cau là một địa điểm ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đó người ta trục vớt được một tàu buôn Trung Hoa bị đắm cách đây khoảng 3 thế kỷ.  Hiện vật trục vớt được bằng gốm, sứ, đất nung, đá có nhiều kiểu dáng trang trí rất lạ, được xác định là chế tác vào thời Khang Hy (cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18). Một số cổ vật này được trưng bày tại Bạch Dinh,


Mô hình cổ vật tìm thấy dưới đáy biển

Một số cổ vật

4. Những khẩu đại pháo xưa:

Trước khi Bạch Dinh được xây dựng, thời Minh Mạng, sườn núi Lớn này là pháo đài Phước Thắng, dùng để bảo vệ vùng biển Cần Giờ và Vũng Tàu. Khi Pháp chiếm Nam kỳ, pháo đài này đã bị san bằng. Tuy nhiên, hiện nay các khẩu pháo xưa, cả của nhà Nguyễn và của Pháp đã được sưu tập về đây. Vì vậy đến Bạch Dinh còn là nơi để hồi tưởng về một pháo đài xưa.

Những khẩu pháo màu xanh bé bé là của ta, khẩu màu đen to đùng là của Pháp

Pháo của nhà Nguyễn do Bồ Đào Nha, Hà Lan sản xuất khoảng thế kỷ 16, 17, nặng dưới 1 tấn, cỡ nòng trên dưới 100 mm.


Pháo của Pháp sản xuất cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nặng 10 tấn, cỡ nòng 300 mm.

À, vậy thì hiểu tại sao đấu pháo với nhau nhà Nguyễn lại thua Pháp rồi!

Ấy, vậy là ngoài chuyện đến Vũng Tàu tắm biển, bạn còn có 1 điểm tham quan 4 trong 1 như vậy đó. 15.000 đ một vé cũng chấp nhận được, phải không à?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét