18 thg 5, 2015

Tản mạn về tên gọi Cổ Chiên

Ngày hôm qua, 16/05/2015, đã thông xe cầu Cổ Chiên, nối liền Trà Vinh và Bến Tre. Tôi đã nhiều lần đi từ Bến Tre qua Trà Vinh trên chuyến phà Cổ Chiên, nên đọc thông tin này lại nhớ đến những phút giây bồng bềnh trên sông nước Cổ Chiên.

Trên những chuyến phà này

Bước ra ngắm nhìn sông nước

Có chiếc ghe chở lu trên dòng Cổ Chiên

Rồi cập bến Trà Vinh

Tại sao con sông, cửa sông (và bây giờ là chiếc cầu) có tên là Cổ Chiên nhỉ?

Có 3 giả thuyết thường được đưa ra để giải thích nguồn gốc tên Cổ Chiên:

1. Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này bị thuyền của Tây Sơn đuổi theo sát quá, quan quân của Nguyễn Ánh cuống quít, sợ hãi đã làm rơi cả trống và chiêng lệnh xuống sông (theo từ Hán - Việt, Cổ là cái trống, Chinh là chiêng). Từ sự kiện này, nhân dân địa phương gọi sông Cổ Chiên (do đọc trại từ "Cổ Chinh" mà ra).

2. Ngày xưa trên dòng sông này thường hiện lên những hình thù quái dị nên người dân bèn lập đàn cầu siêu. Từ đó về sau không còn thấy những hình thù kỳ lạ đó nữa. Nhưng lạ thay, cũng từ ấy người dân lại nghe văng vẳng từ đáy sông có tiếng chiêng trống. Từ đó, người ta gọi là sông Cổ Chiên.

3. Sông này có tên gọi ban đầu là Cochin do các thương nhân Bồ Đào Nha đặt vào thế kỷ XV. Cochin là một thành phố nhỏ trên đất liền của Ấn Độ, quay mặt ra hòn đảo Goa, thuộc địa của Bồ Đào Nha hồi thế kỷ XV. Sau này, người Việt đọc trại thành Cổ Chiên.

Cá nhân tôi không tin chút nào vào thuyết thứ 1 và 2. Khó lòng tên một con sông lớn ở vùng đất Chân Lạp xưa kia lại có tên gốc Hán Việt.

Anh Khiếu văn Chí có vẻ đồng tình với thuyết thứ 3, khi giải thích: Ngày xưa, nước ta là nước Giao Chỉ, dân Malay đọc chữ này thành Kuchi, người Bồ Đào Nha phiên âm sao đó thành Cochin (Chắc là nhầm lẫn với thành phố Cochin bên Ấn Độ). Sau này, từ "Cochinchine" được dùng để chỉ vùng Nam bộ ngày nay (Thêm cái đuôi "chine" thành "Cochin gần China" để khỏi nhầm với Cochin của Ấn Độ). Tên sông Cổ Chiên là từ chữ Cochin mà ra. 

Theo tôi, thuyết này chưa thuyết phục lắm, nhưng vẫn đáng tin cậy hơn thuyết 1 và 2.

Bùi Đức Tịnh trong Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ có nhắc đến tên Cổ Chiên. Theo ông, dựa theo ghi chép trên các bản đồ (của người Pháp) ghi tên sông này là Cochin khiến người ta không biết tên gốc ban đầu là gì, Cổ Chiên hay Cỏ Chiên? Theo ông, có lẽ đúng ra là Cỏ Chiên. Nhưng Bùi Đức Tịnh không giải thích được do đâu có tên gọi Cỏ Chiên.

GS.TS Lê Trung Hoa trong Địa danh học Việt Nam thì khẳng định rằng Cổ Chiên là địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer, và tên cửa sông Cổ Chiên trong tiếng Khmer là Păm Prêk Alon Kon. Păm là vàm, ngã ba sông rạch, prêk là rạch, Alon Kon là danh từ riêng. Tên gốc này hẳn là đúng rồi, nhưng điều khiến tôi cảm thấy băn khoăn khó hiểu là: Alon Kon sao lại có thể chuyển thành Cổ Chiên được nhỉ?

Một vài ý kiến khác cho rằng chữ Cổ trong Cổ Chiên là từ tiếng Khmer Koh nghĩa là cù lao. Cổ Chiên là cù lao Chiên. Nhưng cũng chỉ thế thôi, không chắc lắm, và cũng không nói được cù lao Chiên là cù lao nào!

Tóm lại, tên gọi Cổ Chiên do đâu mà ra vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời dứt khoát. Không sao, nghĩ đấy là chiêng trống để nhớ một thời lịch sử khi đi trên sông cũng được, nghĩ về một thời xa xưa phương Tây đặt chân lên vùng đất này cũng tốt, mà nghĩ đến những người dân Khmer sinh sống nơi đây từ bao đời cũng hay....

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét