7 thg 5, 2015

Làng thuốc lào lâu đời ở xứ Thanh

Cứ đến tháng 4, 5, người dân làng Thượng Đình, xã Quảng Định, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa lại rộn ràng vào vụ thu hoạch lá thuốc lào, sau đó ủ, xén và đem phơi để cho ra những sản phẩm đã tạo thành thương hiệu.

Cây thuốc lào được trồng từ tháng 9 nhưng đến tháng 4 năm sau mới thu hoạch và chủ yếu dùng lá. Ngoài Thượng Đình, Thanh Hóa, loại cây này còn được trồng nhiều ở vùng đồng bằng trung du bắc bộ, trong đó có Hải Phòng. 


Người dân Quảng Định cho biết trồng cây thuốc lào khá mất công chăm sóc vì dễ bị nấm, dẫn đến đốm hoặc cháy lá. Do đó, hàng ngày họ phải dọn cỏ, bón phân đầy đủ và cân đối để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh. 

Vào thời gian này, làng Thượng Đình đang rộn ràng vào mùa thu hoạch lá thuốc lào. Đây là thời điểm lá thuốc lào dày và cứng nhất. Lúc này, lá các cây thuốc lào cụp xuống như những cái nơm úp trên đồng. 

Thuốc lào được chế biến thủ công. Sau khi hái xuống, lá được đem ủ cho hơi se lại, sau đó cuộn thành những cây thuốc to và dài gần 2 m. 

Trong môi trường yếm khí, các cây thuốc này tiếp tục được ủ trong khoảng 4-5 ngày sẽ dậy mùi thơm đặc trưng. 

Những cây thuốc được thái thành sợi nhỏ. Công đoạn này khá vất vả vì đòi hỏi người làm nghề phải tốn nhiều công sức để sợi thuốc càng nhỏ càng tốt, đồng thời nhanh chóng đem phơi, tránh bị xỉn màu. 

Thuốc thái xong bày lên phên và phơi ở chỗ nắng ráo như sân hay bãi đất ngoài đồng ruộng. Gặp trời mưa, không thể phơi, người ta phải làm rạp kê phên thuốc lên, sau đó dùng rơm rạ đốt ở dưới. Đốt đều đến khi sợi thuốc khô mới thôi. Chỉ một chút mưa ẩm cũng có thể làm thuốc dễ dàng bị hỏng, mốc. 

Sợi thuốc sau khi khô kiệt, có mùi thơm và được bao gói bảo quản để đem tiêu thụ. Ở một số nơi như Hải Phòng, Thái Bình, người dân phơi thuốc lào trên những nong tròn hoặc hơi vuông thay vì phên dài như ở làng Thượng Đình. 

Sợi thuốc lào thành phẩm sau khi phơi khô có màu nâu đậm, thơm. Giá bán khoảng 300.000 - 400.000 đồng một cân. 

Ngoài thu hoạch lá, người ta còn chăm cây để cho ra hoa và lấy hạt, phục vụ mùa sau. 

Tiến Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét