3 thg 5, 2015

Văn thánh miếu của Sài Gòn…

Dưới triều nhà Nguyễn, mỗi tỉnh được triều đình chỉ thị xây dựng một Văn thánh miếu để quảng bá cho việc học hành, thi cử. Văn thánh miếu thờ Đức Khổng Tử - người được xem như “thủ lĩnh” của đạo Nho. TP.HCM ngày xưa cũng có một Văn thánh miếu như thế, nhưng nay nó không còn nữa…

1. Nói đến khu du lịch Văn thánh tại TP.HCM có lẽ khá nhiều người biết, khu vực kế cận khu du lịch này còn có chợ Văn thánh, cầu Văn thánh, đồng thời còn có một ngôi chùa ít ai biết đến, đó là chùa Văn thánh (số 115/9 đường Ngô Tất Tố, P.22, Q.Bình Thạnh, cách ĐH Tôn Đức Thắng khoảng 100m).

Quang cảnh chùa Văn thánh


Nếu đứng trên cầu Phú An (xưa gọi là cầu Dầu), chiếc cầu bắt qua con rạch Văn Thánh - Thị Nghè, sẽ thấy ngôi chùa nằm chếch phía chân cầu vài chục mét. Đây là ngôi chùa do gia đình nhân dân tự lập nên, nay khoảng 100 năm và được Sở VH,TT&DL TP.HCM công nhận là di tích văn hóa.

Chùa tọa lạc trên khuôn viên đất khoảng 1.000
m2, điện thờ chính là ngôi nhà cổ xưa 3 gian 2 chái, tường trước đây cũng bằng gỗ, nhưng qua thời gian mối mọt nay được thay bằng tường gạch. Chùa không có trụ trì mà chỉ có người phụ trách trông coi hương khói, những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, khách đến thăm viếng chùa khá đông.

2. Tuy nhiên điều đáng nói hơn cả là phía bên trái chùa (nhìn ra phía con rạch) có một tấm bia bằng chữ Nho ghi lại gốc tích về sự hình thành ngôi chùa này, trong đó có một chi tiết quan trọng nói rằng chùa được xây dựng trên khuôn viên của Văn thánh miếu tỉnh Gia Định.

Xin đăng phần phỏng dịch văn bia của chuyên viên Hán - Nôm Võ Văn Sổ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia Phả - Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM như sau:

Bia ghi lại gốc tích chùa Văn thánh

“Bây giờ là chùa Văn thánh, nguyên trước kia là Văn thánh miếu của tỉnh Gia Định, do chiến tranh mà bị hủy hoại. Sau đó hương chức bổn thôn lập nên ngôi chùa bằng ngói có 3 gian để thờ Tam bảo, đồng thời có bài vị thờ Đức Khổng Tử. Qua nhiều năm, người chủ chùa qua đời vào năm Kỷ Dậu (1909).

Nhưng trời còn chiều lòng người, nên bà nhạc mẫu của ông chủ chùa là Huỳnh Thị Ly và con gái là Nguyễn Thị Ó tiếp tục thờ cúng liên tục, khói hương không dứt.

Sau đó có một hòa thượng ở Quảng Nam cùng một đệ tử vào Nam ở lại chùa để phụng sự. Qua một thời gian có các hương chức Đặng Văn Phu, Phan Văn Phòng, Huỳnh Văn Hiền cùng phát nguyện sửa chữa chùa khang trang như ngày nay.

Tháng Trọng hạ, năm Giáp Dần thời Duy Tân”.

Cho đến nay, hầu như ở Sài Gòn không thấy ai nhắc đến Văn thánh miếu. Và trên thực tế Văn thánh miếu cũng không còn một dấu tích gì còn sót lại, tuy nhiên biết được vị trí tọa lạc của Văn thánh miếu ngày xưa cũng là điều khá quan trọng trong việc muốn khôi phục lại Văn thánh miếu của tỉnh Gia Định tức TP.HCM ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét