1 thg 5, 2015

Nghề làm quỳ vàng Kiêu Kỵ

Nếu như trước đây sản phẩm của làng làm quỳ vàng truyền thống Kiêu Kỵ góp phần tạo sự nguy nga trong các công trình kiến trúc cung đình thời phong kiến thì ngày nay lại được dùng cho việc trang trí nội thất của Nhà hát Lớn Hà Hội , Văn Miếu Quốc Tử Giám và các di sản kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, Hội An... 

Nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được hình thành từ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) để cung ứng vật liệu trang trí sơn son thiếp vàng tại các công trình kiến trúc của vua chúa và các đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô Thăng Long. Người có công gây dựng và truyền bá nghề này được người dân Kiêu Kỵ tôn làm ông tổ làng nghề là ông Nguyễn Quý Trị.

Ngay nay, làng Kiêu Kỵ có hàng trăm hộ gia đình chuyên kinh doanh và sản xuất vàng quỳ. Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Lê Bá Tươi thì được biết, xưởng làm quỳ, dát vàng của gia đình đã tạo việc làm cho hơn chục thanh niên trong làng và các tỉnh khác với mức thu nhập đều đặn 3 - 6 triệu đồng/tháng. Chị Hoàng Thị Anh vợ của nghệ nhân Lê Bá Tươi chia sẻ: “ Để có được một quỳ vàng thành phẩm đạt 490 lá thì cần trải qua đến gần 40 công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn đều có sự phức tạp riêng, chẳng hạn như phải nấu keo trộn bồ hóng, rồi đem đập, bóc, luộc mới có thể dùng được”.

Sau khi pha chế xong, mực được quét lên các tấm giấy cắt hình chữ nhật rồi đem phơi trên lá vải khô.


Anh Vũ Huy Giao, người dân làng nghề vàng quỳ Kiêu Kỵ miệt mài giã quỳ.

Gia đình anh Vũ Huy Giao sản xuất quỳ tại gia đình.

Những tấm quỳ chuẩn bị đem ra đóng thếp.

Một gói quỳ thành phẩm.

Những gói quỳ thành phẩm được đóng gói. 

Từ những thỏi vàng, bạc thật sẽ được các nghệ nhân đập cho dài và mỏng (gọi là đập diệp) có bề ngang 1cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 
1cm2 rồi đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, được quét lên bề mặt nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc.

Được biết, công đoạn làm ra loại mực đặc biệt để quét lên giấy dó cũng rất tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều thợ kiên trì và cần mẫn lao động. Công đoạn này phải xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng rồi làm mực quỳ.

Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 
1m2. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục. Công việc này phải diễn ra xuyên suốt, nếu người thợ đập không đều tay hoặc chỉ ngưng một chút lá quỳ sẽ nguội dần và công việc này lại phải thực hiện lại từ đầu. Cho nên tính ra người thợ phải đập trên 400 nhát búa mới cho một quỳ vàng.

Chị Hoàng Thị Anh cho biết thêm, công đoạn cuối khi gỡ vàng quỳ trả khách cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Công đoạn này cần kín gió vì chỉ cần vô ý thở mạnh, vàng sẽ bay mất cho nên những người thợ làm ở công đoạn này thường được làm ở trong nhà kín cửa và đeo khẩu trang.

Là một người có thâm niên hơn 60 năm làm nghề quỳ vàng, nghệ nhân Lê Bá Vòng cho biết: “Từ 1 chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá vàng có diện tích lớn hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả công nghiệp dát vàng của Nhật. Chính vì vậy, cho đến nay, làng Kiêu Kỵ là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này và người dân sống được với nghề”.

Đầu năm du xuân, đến thăm các di tích lịch sử, đình, chùa, miếu mạo, các công trình tín ngưỡng,… ta thấy choáng ngợp bởi các pho tượng phật, các hoành phi câu đối,… lấp lánh ánh vàng, ánh bạc. Trên các tác phẩm đó, người ta đã phủ lên một chất liệu đặc biệt: các lá vàng quỳ, bạc quỳ. Mặt hàng đặc biệt đó được làm ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Kiêu Kỵ.

Pho tượng ông tổ làng nghề Kiêu Kỵ được thờ tại gian thờ tổ trong làng.

Nghệ nhân Lê Văn Vòng ở Kiêu Kỵ bên bộ hoành phi câu đối thếp vàng do tự tay ông thực hiện

Rùa được dát quỳ vàng cung tiến vào Văn Miếu Quốc Tử Giám. 

Bài: Quỳnh Anh - Ảnh: Trịnh Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét