26 thg 5, 2015

Cao nguyên đá Tủa Chùa

Cao nguyên đá Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, Điện Biên) nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển với hình dạng đá tai mèo “xếp lũy, xếp thành” gắn với những cái tên nghe lạ tai như: núi đá Tò Cu Nhe, núi đá Chung Khóa, núi đá Chung Si Seng, thành đá Vàng Lồng... đã thu hút du khách về miền Tây Bắc bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ.

Cách trung tâm tỉnh Điện Biên gần 130km, với khoảng 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cao nguyên đá Tủa Chùa được ví là một “tiểu Đồng Văn thứ hai” của Tổ quốc. Từ trung tâm huyện Tủa Chùa, men theo con đường Tỉnh lộ 129, chúng tôi phải vượt qua quãng đường dài 30 km để đi vào cao nguyên đá với nhiều đoạn đường uốn lượn, vượt nhiều núi, vực sâu, dốc cao. Nhưng bù vào sự vất vả của quãng đường đó, chúng tôi cũng lại được mãn nhãn khi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp vô cùng thú vị của núi rừng Tây Bắc.

Tả Phìn trong tiếng Mông có nghĩa là một vùng đất bằng trải rộng trên núi cao. Bởi vậy những dãy núi đá tai mèo nơi đây không sừng sững như ở Đồng Văn (Hà Giang) mà tạo thành những ngọn đồi nhấp nhô, uốn lượn, nằm rải rác chạy dọc theo con đường tỉnh lộ 129. Thời tiết ở đây dường như không quá khắc nghiệt nên cuộc sống của hơn 570 hộ đồng bào người Mông với trên 3.300 nhân khẩu vẫn có thể phát triển kinh tế nông nghiệp với các loại cây trồng như ngô, lúa nương, mận, đào...

Chúng tôi bắt gặp gia đình vợ chồng Hạ Mặc (thôn Séo Phìn) đang cùng con trâu cày bừa trên những hốc đá tai mèo. Con trâu cày được luống đất nào, người vợ đi theo sau gieo hạt ngô vào luống đất đó. Thỉnh thoảng con trâu khự lại rồi đi tiếp. Anh Hạ Mặc cho biết: “Trâu trên vùng cao nguyên đá này đặc biệt lắm. Nó biết tự dừng khi đang cày mà gặp đá. Bởi vậy, cày của đồng bào Mông ít khi bị gãy lắm!”. Hình ảnh con trâu cứ lẫm lũi đi trước, vợ chồng anh Hạ Mặc thì cứ lặng lẽ theo sau, gieo xuống những mầm xanh và hy vọng vào những luống đất ít ỏi giữa đá khiến chúng tôi có một cảm nhận con người nơi đây cần cù chịu khó, sinh sống hài hòa với thiên nhiên.

Một góc cao nguyên đá Tủa Chùa nhìn từ trên cao.

Đồng bào dân tộc Mông cần cù chịu khó, sinh sống hài hòa với thiên nhiên trên cao nguyên đá.

Cao nguyên đá Tủa Chùa là nơi có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Một cung đường ngang qua cao nguyên đá khu vực xã Sín Chải.

Đông bào dân tộc Mông sống trên vùng cao nguyên đá khu vực Sín Chải dùng trâu cày trên những khoảng đất nhỏ, giữa các khe đá tai mèo để canh tác.

Tận dụng các khe đất nhỏ giữa các lớp đá tai mèo gieo trồng cây lương thực.

Một góc Thành đá Vàng Lồng, nơi được dựng bởi kỹ thuật xếp đá thủ công, không có sự tham gia của các chất kết dính.

Ông Thào A Mang bên phiến đá được sử dụng để lợp mái nhà.

Ngôi nhà sàn với mái hoàn toàn lợp bằng đá của ông Thào A Mang ở khu vực Sín Chải. 

Xen kẽ trên cao nguyên đá ở Tả Phìn là những bản làng người Mông Sí (hay còn gọi là Mông Đỏ) với những ngôi nhà cổ độc đáo, khiến những ai đi qua cũng phải trầm trồ, tán thưởng. Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà được lợp toàn bộ bằng đá của gia đình ông Thào A Mang. Ông Mang cho biết, để có đá lợp mái nhà này ông đã phải lên tận vùng sông Đà, vận chuyển bằng xuồng máy, rồi bằng ngựa, sau bằng ô tô mới về được đến bản. Mà chỉ tính riêng tiền đá làm mái, ông đã phải tiêu tốn 3 con trâu (tương đương với khoảng 90 triệu đồng).

Anh Tô Văn Tuân, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Tủa Chùa đưa chúng tôi đi thăm di tích Thành Vàng Lồng. Theo lịch sử ghi lại thì Thành Vàng Lồng được xây dựng cách đây hơn 2 thế kỷ. Đây được đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Thành Vàng Lồng được dựng thành một vòng tròn khép kín bởi kỹ thuật xếp đá thủ công, không có sự tham gia của các chất kết dính. Các phiến đá được xếp theo một trình tự khoa học: Những phiến đá to được xếp từ phía dưới cùng và đến những phiến đá nhỏ được xếp dần lên đến mặt thành, tạo thành mặt phẳng. Thành cao khoảng 3m, rộng trên 1m, không những người mà ngựa cũng có thể đi được trên mặt thành.

Rời khỏi di tích Thành Vàng Lồng cũng là lúc chúng tôi kết thúc trọn vẹn một ngày trải nghiệm trên vùng cao nguyên đá Tủa Chùa. Như có chút gì đó còn tiếc nuối, vương vấn, chúng tôi trèo lên mỏm đá cao để một lần nữa được chiêm ngưỡng toàn cảnh khu “tiểu Đồng Văn” Tủa Chùa để lưu giữ trong mắt sự kỳ vĩ và hoang sơ của vùng đất đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường - Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét