27 thg 5, 2015

Làng dựng nhà cổ Phù Yên

Làng Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nức tiếng xa gần với những người thợ khéo tay, chuyên làm các đồ mỹ nghệ tinh xảo trong nghề mộc. Nhận thấy thế mạnh của địa phương mình, nhiều hộ gia đình ở đây đã liên kết lại với nhau, nhận làm các ngôi nhà cổ ở khắp nơi mang về làng dựng đã mở ra hướng đi mới để địa phương này phát triển kinh tế từ nghề mộc truyền thống. 

Là một trong số những người đầu tiên nhận công việc dựng nhà cổ về cho người dân ở địa phương làm, Ông Nguyễn Chí Điền (67 tuổi), thôn Phù Yên chia sẻ, nghề dựng nhà cổ mới bắt đầu có ở làng từ năm 1991. Vào thời gian đó chiếc nhà cổ ông Điền nhận đầu tiên trong làng và cần tới 20 thợ làm dòng dã trong suốt 6 tháng mới xong.

Gia đình ông Điền có 4 anh em thì cả 4 đều theo nghề dựng nhà cổ. Theo ông Điền thì trung bình một chiếc nhà cổ làm trong khoảng 6 tháng với trên 13 thợ đục. Người làm nhà cổ phải nắm bắt được kỹ thuật đục đẽo để các mộng phải kín vào nhau. Đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Như vậy, vừa đảm bảo độ bền chắc cho ngôi nhà và càng sử dụng lại càng thấy sự hài hòa trong từng thớ gỗ.

Hiện nay, các loại gỗ được ưa chuộc để dựng nhà cổ thường là xoan, lim, mít. Một chiếc nhà cổ nếu được làm bằng gỗ xoan có giá từ 7 – 8 trăm triệu, gỗ lim khoảng 2 tỷ đồng, còn cao cấp dựng nhà cổ là gỗ mít thì giá thành khoảng trên 3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Đường thôn Phù Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) chạm khắc một chi tiết gỗ.

Một trong những công đoạn quan trọng của nghề dựng nhà cổ là người thợ mộc phải tạo các bức vẽ họa tiết trước khi đục.

Xưởng dựng nhà cổ của ông Nguyễn Chí Đường ở thôn Phù Yên (Trường Yên, Chương Mỹ).

Khung cảnh bên trong xưởng dựng nhà cổ của ông Nguyễn Chí Nguyên.

Bức lá gió được đục đẽo tỉ mỉ bởi những người thợ mộc ở Phù Yên.

Thân cây gỗ xoan với đường kính trên 50cm đang được những người thợ mộc Phù Yên đục đẽo để dựng nhà cổ.

Một thợ mộc ở Phù Yên đang thực hiện việc đục các họa tiết trên một bức hoành phi.

Các thanh xà ngang được trạm trổ hình rồng, phượng chuẩn bị dựng nhà cổ ở Phù Yên.

Ông Nguyễn Chí Tuyên, em trai ông Nguyễn Chí Đường đang đục một thanh xà chuẩn bị dựng nhà cổ.

Một thanh xà ngang chạm trổ các họa tiết hình rồng được dựng lên bởi những người thợ mộc ở Phù Yên.

Một ngôi nhà cổ do thợ Phù Yên phục dựng với các hàng cột dựng bằng gỗ to, gắn các bức hoành phi chạm trổ tinh xảo.

Ngôi nhà cổ, mái ngói 3 gian của gia đình Ông Nguyễn Hữu Nhượng ở thôn Phù Yên (Chương Mỹ) do nhóm thợ của ông Nguyễn Thế Vinh người cùng làng dựng lên năm 2013, có giá trị khoảng 2 tỷ đồng. 

Theo cha làm nghề mộc từ nhỏ, anh Nguyễn Chí Ba (36 tuổi) cho biết, gia đình anh đã thành lập doanh nghiệp, mạnh dạn đầu tư máy móc, đưa các thiết bị hiện đại vào việc dựng nhà cổ để rút ngắn được thời gian sản xuất cũng như sức người khi khuân vác.

Chiếc nhà cổ được gia đình anh Ba nhận dựng xa nhất trong thời gian gần đây là ở An Phú Đông, Quận 9 (Tp. Hồ Chí Minh) vào năm 2009. Vào thời điểm đó, để dựng được chiếc nhà cổ với 36 chân cột, gia đình đã phải thuê hẳn 3conterner để đóng gỗ từ xưởng ở Trường Yên chuyển vào.

Với xưởng sản xuất rộng khoảng 500 mét vuông của nhà anh Ba hiện nay, lúc nào cũng có từ 15 – 20 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Riêng những thợ cả có tay nghề cao giá công khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Được biết, hiện nay có rất nhiều địa phương ở phía Bắc cũng có nghề làm nhà cổ như Hà Nam, Nam Định, Nghệ An. Tuy nhiên, theo so sánh và đánh giá của nhiều người thì những ngôi nhà cổ do thợ làng Phù Yên làm thường có hoa văn trang trí đẹp hơn so với thợ làm nhà cổ ở các nơi khác. Cũng chính vì lý do đó nên khách hàng từ khắp nơi cũng lặn lội tìm đến làng Phù Yên để đặt nhà cổ.

Theo ông Nguyễn Xuân Vần, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên, thôn Phù Yên hiện có hơn 100 xưởng sản xuất đồ mộc, trong đó có hơn 50 hộ chuyển hướng sang làm nhà cổ, còn lại làm đồ mộc dân dụng như giường, tủ, sập, bàn ghế… Nhận thấy tầm quan trọng của nghề dựng nhà cổ, chính quyền địa phương đã thành lập Hội sản xuất kinh doanh nhà cổ và lập hồ sơ đệ trình lên Thành phố Hà Nội công nhận Trường Yên là làng nghề truyền thống.

Bài: Quỳnh Anh - Ảnh: Trịnh Bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét