23 thg 11, 2023

Một di tích của đạo thầy trò

Tại gò Nổng Tranh ở xã Duy Trung (Duy Xuyên) có một ngôi mộ đất đơn sơ nhưng có hai tấm bia cổ, một do con cháu dựng vào năm 1849 và một do học trò dựng vào năm 1850. Đó là mộ của thầy giáo Nguyễn Đức Huy, người từng là thầy của vua Tự Đức và Tiến sĩ Phạm Phú Thứ. 

Bia do 6 người con dựng tại mộ cha Nguyễn Đức Huy. Ảnh: Phòng VHTT huyện Duy Xuyên cung cấp

Thầy giáo Nguyễn Đức Huy

Nguyễn Đức Huy tự là Bá Diệu, sinh năm Ất Dậu 1801 tại làng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, dinh Quảng Nam (nay thuộc xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên) nhưng quê chính ở làng Trung Phường cùng huyện (nay là thôn Trung Phường, xã Duy Hải).

Thân phụ của ông dời nhà từ Trung Phường lên lập nghiệp ở Trà Kiệu để hành nghề dạy học và làm thuốc. Lúc nhỏ ông là người chí hiếu với cha mẹ. Theo lời trên văn bia còn lưu lại thì khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, hàng ngày ông tìm món ngon thức ngọt dâng lên cho cha mẹ để tỏ lòng hiếu kính.

Khi cha mẹ qua đời ông than khóc đến “chảy máu cả mắt”, dựng nhà bên mộ suốt ba năm để cư tang chẳng ngại sơn lam chướng khí, rắn rít cọp beo. Đạo hiếu của ông khiến mọi người phải ngưỡng mộ.

Nguyễn Đức Huy là người học giỏi thông kinh sử, y lý nhưng không gặp may trên hoạn lộ. Cả ba lần ông thi Hương đều chỉ đỗ tú tài. Sau đó ông quyết định không thi tiếp, ở nhà mở trường dạy học, môn đồ khắp vùng đến xin theo học rất đông, nhiều người sau này đỗ đạt vinh hiển.

“Môn đồ trước sau hơn ngàn người cùng ngâm vịnh thi, thư; có giới Nho sĩ đông đúc, lớp quan lại cùng ngoạn du ở trong trường đức nghiệp. Con cháu vâng theo giáo huấn, quyết thân gần với hiếu đạo, với lối sống cần cù, thuận ý ruộng nương.

Tiên sinh vững lập giáo huấn chỉnh nghiêm trong học tập, sùng yêu hiếu đạo, tấm gương sáng ấy, dẫu người xưa cũng ít người sánh kịp” 

(Lời trên văn bia - Theo bản dịch của nhóm tác giả ở Phân viện Văn hóa nghệ thuật tại Huế).

Tiếng thơm bay xa, năm 1840 dưới triều Minh Mạng ông được triều đình triệu về kinh bổ chức Hàn lâm viện Điển bạ, được sung vào giảng tập cho các hoàng tử. Năm 1848 dưới thời Tự Đức, ông được thăng chức Hàn lâm viện Thị giảng sung Tán thiện rồi thăng Hàn lâm viện thị độc. Cũng năm này ông được bổ Viên ngoại lang Bộ Lại.

Năm Tự Đức thứ 2, vào ngày 1 tháng 8 năm Kỷ Dậu (16/9/1849), ông bị nhiễm bệnh, qua đời ngay tại nhiệm sở, hưởng dương 49 tuổi. Nhà vua vô cùng thương xót một bề tôi thanh liêm mẫn cán, người thầy học cũ khả kính, đã truy tặng Trung Thận đại phu, Tán trị, lĩnh chức Thái thường tự Thiếu khanh, đặt tên thụy là Đoan Cẩn. Nhà vua cũng ra lệnh cấp kinh phí 20 tấm lụa và 400 lạng bạc, cho lính đưa linh cữu về quê nhà an táng.

Ngày 23 tháng Chạp năm Kỷ Dậu (4/2/1850) quan tài ông về đến quê nhà. Các học trò của ông dù đang làm quan ở xa cũng xin về quê thọ tang thầy. Ông được táng trên núi Càn La, nay là gò Nổng Tranh thuộc thôn Nam Thành, xã Duy Trung. Mộ ông được dân địa phương gọi là mộ Ông Thầy.

Học trò dựng bia vinh danh thầy

Tại mộ Nguyễn Đức Huy hiện nay ngoài tấm bia do 6 người con phụng dựng vào năm Kỷ Dậu 1849 có ghi 12 chữ: “Đại Nam Thái thường tự khanh Nguyễn phủ quân chi mộ” còn có một tấm bia bằng sa thạch có kích thước khoảng 1,2 x 1,4 mét do 96 môn đệ của ông dựng vào tháng 8/1850 ghi lại tiểu sử, ca ngợi tài năng, công đức và tỏ lòng thương tiếc của học trò đối với cái chết của thầy.

“Khi quan Thái thường tự Thiếu khanh Nguyễn Đoan Cẩn (là thầy dạy của Phạm Phú Thứ) mất, “những học trò đang làm quan đều xin về” để dự lễ tang của thầy, rồi “dựng bia nêu công đức” cho thầy” (Nguyễn Dị Cổ, Cách người xưa khuyến học trọng văn, Quảng Nam cuối tuần số ngày 27/12/2020).

Tấm bia lớn với lời văn dài 1.691 chữ chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là lời giới thiệu tiểu sử, tài năng và đức độ của thầy. Phần hai là bài minh theo thể tứ tuyệt gồm 10 đoạn, mỗi đoạn 16 chữ. Phần ba ghi tên, học vị, chức vụ của 96 môn đồ tham gia dựng bia.

Trong 96 môn sinh có 1 tiến sĩ (Phạm Phú Thứ), 1 phó bảng (Hồ Hằng Tánh), 8 cử nhân (Nguyễn Thanh Trực, Phạm Phú Duy, Phạm Thanh Nhã, Biện Thế Vĩnh, Trần Minh Hưởng, Nguyễn Khác Cung, Phạm Văn Thủy, Phạm Hữu Đạo), 29 tú tài, 2 thơ lại (nhân viên hành chánh ở các phủ huyện), 1 phó tổng và 54 sĩ nhân (người có học nhưng chưa đỗ đạt).

Lời trên văn bia được cho là do Phạm Phú Thứ chấp bút vì ông là người đỗ cao nhất (tiến sĩ) và tại thời điểm dựng bia ông là người có chức vụ “đặc biệt” làm Khởi cư chú tại Viện Tập hiền (Cơ quan ghi chép lời nói của vua) kiêm Kinh diên giảng quan (chuyên việc giảng kinh sách cho nhà vua). Toàn văn bia rất dài, chỉ xin trích bản dịch bài minh của nhà nghiên cứu Phú Bình Lê Đình Cương để hiểu thêm tài đức của thầy và tấm lòng của trò:

“Đỉnh Ấn sơn phía nam cao ngất
Nơi khởi nguồn dòng chảy Duy Xuyên
Mênh mông, mạnh mẽ, bao dung
Núi linh, sông hiển nảy sinh người tài.

Nhớ thầy ta được trời phó thác
Mọi điều hay để lại cho đời
Làm gương đạo hiếu cho người
Luân thường giữ trọn một đời tôn sư.

Ái mộ thầy biểu dương mối Lễ (kinh Lễ)
Mừng kính thầy dạy dỗ nền Thi (kinh Thi)
Họ hàng, làng xóm trong ngoài
Không ai không tỏ rõ lời ngợi khen.

Văn chương thầy rạng ngời đức độ
Thầy lại đem sở học giúp đời
Tài năng thi thố tót vời
Chăm chăm giữ vẹn đạo trời phú cho.

Thầy uyên bác rèn người dạy chữ
Đào tạo nên đông đảo học trò
Lớp sau, lớp trước nối nhau
Làu thông kinh sử, nền Nho rạng ngời.

Như cỏ chi mọc trong cốc núi
Như sen xanh cao vút giữa bùn
Lung linh chữ nghĩa thơm hương
Như dòng nước chảy từ nguồn về xuôi.

Dẫn dắt trò trên đường chính thiện
Công đức thầy cao cả xiết bao!
Dạy ngẩng đầu báo ơn vua
Dạy cúi đầu học những gương trung thần.

Chiếu điển tịch chọn người tài tuấn
Triều đình ban ân lễ đủ đầy
Nhà vua mến nhớ thầy xưa
Phong thêm chức tước cho vừa công lao.

Thầy quá vãng cả triều đều tiếc
Nỗi buồn này lan tỏa muôn nơi
Như nhà đổ, như sụt đồi
Mối sầu thiên cổ theo người chẳng tan.

Vẫn còn đó tiếng thơm, phép tắc
Của thầy ta sáng mãi nước non
Núi La bia đá hãy còn
Nghìn thu nhớ mãi công ơn của thầy”.

Thầy giáo Nguyễn Đức Huy và môn đồ của ông là tấm gương sáng cho đời sau noi theo, cả những người làm nghề dạy học lẫn những người được “đi học”. Đó là bài học cụ thể về tinh thần tôn sư trọng đạo, là cách thức thực tế để nâng cao đạo đức xã hội.

Di tích mộ Nguyễn Đức Huy vì vậy cần được tôn tạo và phát huy giá trị. Được biết, Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên đang tiến hành lập hồ sơ để công nhận di tích cấp huyện cho mộ Nguyễn Đức Huy.

LÊ THÍ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét