25 thg 11, 2023

Kỷ vật của người lính trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

177 kỷ vật của người lính, dân công, bác sĩ...được trưng bày trong triển lãm ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, gợi nhớ về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.


Từ ngày 21/11 đến đến hết tháng 3/2024, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh trưng bày chuyên đề "Kỷ vật thời kháng chiến", giới thiệu 177 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật đến công chúng.

Các kỷ vật là hành trang của các tướng lĩnh, cựu binh, tù chính trị trên các mặt trận khác nhau như văn công Quân Giải phóng miền Nam, nữ chiến sĩ miền Nam, đội ngũ y bác sĩ, phóng viên chiến trường sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Chiếc mũ tai bèo quen thuộc của người lính khi vào miền Nam chiến đấu, cạnh đó là chiếc lược, đàn, quần áo. Đây là các đồ vật của bà Nguyễn Thị Phương Thanh, sử dụng trong thời gian hoạt động tại đoàn văn công, từ 1965 đến 1975.

Các kỷ vật như bình hoa, đèn dầu, đồng hồ, sổ tay của chỉ huy, lãnh đạo, tướng lĩnh thuộc các cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam.

Những món đồ y tế của bà Đoàn Ngọc Sương trong thời gian làm y sỹ ở đoàn văn công T2.

Một bức thư với nội dung "Bố ơi, mãi bố không về, con chim khách gọi mãi mà bố không lên. Con lại sắp gãy cái răng nữa rồi bố ạ. Ba mẹ con khỏi sốt rồi bố ạ. Bố có khoẻ không, bố ăn cơm nhiều vào cho nó khoẻ bố nhớ. Con biết thổi cơm rồi bố ạ, bao giờ bố về con thổi cơm cho mà xem bố ạ...". Đây là lá thư hỏi thăm do con trai của liệt sĩ Đỗ Văn Nhân, viết ngày 29/3/1967.

Chiếc khăn thêu của thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, trong thời gian bị giam ở nhà tù Phú Quốc những năm 1970. Ông là một sĩ quan tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng bị đối phương cưa chân đến 6 lần để ép lấy lời khai.

Chiếc nhẫn làm bằng gáo dừa do ông Trương Thanh Danh làm, trong lúc bị giam giữ tại nhà tù Chí Hoà năm 1965.

Bát nhang của ông Huỳnh Văn Kịch, làm từ vỏ đạn cối thu được trong trận càn của lính Mỹ ở xã Vĩnh Lộc (Sài Gòn) năm 1967. Ông dùng để cắm nhang thờ em gái là liệt sĩ Huỳnh Thị Châu, hy sinh năm 1968.

Nón nhựa của lính Mỹ do người dân nhặt được và sử dụng từ 1963 đến 1968. Cạnh đó là nồi của bà Lê Thị Khuynh dùng để nấu cơm cho đoàn dân công. Về sau, đoàn dân công bị máy bay Mỹ tấn công khiến 32 chiến sĩ hy sinh.

Bức tranh sơn dầu "Theo mẹ lưu đày" được hoạ sĩ Lê Điều vẽ trên vải bố tại nhà tù Côn Đảo. Góc phải là tranh "Lao động khổ sai ở sở tù Côn Đảo", vẽ năm 1968. Cả hai tranh sau đó được bí mật chuyển về đất liền cho gia đình.

Trong trận càn của lính Mỹ năm 1968 tại tỉnh Quảng Nam, nữ du kích Trương Thị Chiến bị mảnh kim loại này găm vào ngực. Vật thể gây nhiều đau đớn, làm suy kiệt sức khoẻ nhất là trong thời gian bà bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Năm 2005, bệnh viện mới phẫu thuật, lấy được mảnh kim loại này ra khỏi phổi bà Chiến.

Chiếc xe bò mà ông Nguyễn Văn Dần đã chở các thi thể con gái mình và các 6 dân công khác về chôn cất. Các dân công bị hy sinh trong trận đánh ngày 15/6/1968 ở xã Vĩnh Lộc, ngoại thành Sài Gòn.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh được thành lập năm 1975, chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày về chứng tích tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, hiện lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh.

Bảo tàng từng được Stasher, ứng dụng trông hành lý giúp du khách có đối tác tại 250 thành phố trên thế giới, xếp thứ 61 trong danh sách 99 điểm đến hấp dẫn du khách nhất thế giới. Bảo tàng mở cửa từ 7h30 đến 17h30 mỗi ngày, không nghỉ trưa, giá vé 40.000 đồng một người.

Quỳnh Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét