11 thg 11, 2023

'Thung lũng vàng' của Lạng Sơn

Bắc Sơn được gọi là 'thung lũng vàng' của Lạng Sơn bởi khung cảnh những cánh đồng lúa chín vàng trải dài, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ.


Không phải những thửa ruộng bậc thang xếp chồng từng lớp, mùa vàng ở thung lũng Bắc Sơn là những cánh đồng lúa bằng phẳng, trải dài ngút tầm mắt.

Bắc Sơn là huyện miền núi nằm về phía Tây của tỉnh Lạng Sơn, cách TP Lạng Sơn khoảng 85 km. Thung lũng Bắc Sơn được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp, cánh đồng lúa rộng lớn đan xen những nếp nhà sàn của người dân Tày, Nùng, Dao.


Thung lũng Bắc Sơn có địa hình bằng phẳng, rộng lớn. Dựa theo điều kiện thời tiết, người dân ở đây thường gieo trồng hai vụ lúa. Khoảng cuối tháng 7 hoặc cuối tháng 10, thung lũng vào mùa lúa chín.

Lúa ở Bắc Sơn không chín đồng loạt do phụ thuộc vào thời điểm gieo trồng của từng hộ. Xen kẽ sắc vàng của những ruộng lúa chín là màu xanh, tạo nên bức tranh thiên nhiên giao thoa của nhiều gam màu.


Trong chuyến độc hành bằng xe máy vào hai ngày 3 và 4/11, Chu Đức Giang (30 tuổi, Hà Nội) đã đến Bắc Sơn để ngắm lúa và chụp ảnh cánh đồng tại Quỳnh Sơn và Long Đống, hai xã gần trung tâm thị trấn Bắc Sơn.


Ở độ cao hơn 600 m so với mực nước biển, đỉnh Nà Lay là địa điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh mùa vàng về trên thung lũng Bắc Sơn, thấp thoáng phía xa là những mái nhà của làng văn hoá du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn. "Mình tận hưởng và chữa lành bằng cách đi xe trên con đường chạy dọc cánh đồng, hít hà hương thơm lúa chín thoang thoảng và ngắm nhìn những thửa ruộng trải dài ngút tầm mắt", anh nói.

Hiện người dân đang bắt đầu thu hoạch lúa chín. Lúa tẻ gặt trước, lúa nếp gặt sau. Dự kiến thời gian đẹp nhất để du khách đến ngắm bức tranh mùa lúa chín ở thung lũng Bắc Sơn kéo dài đến khoảng giữa tháng 11.


Anh Giang đã nghỉ một đêm tại Làng văn hoá du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, thuộc địa phận xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn với hơn 400 hộ người Tày, Nùng sinh sống. Đại đa số người dân đều mang chung một họ là họ Dương, anh Giang chia sẻ. Nhưng điểm độc đáo nhất là tất cả nhà sàn trong làng có kiến trúc đồng nhất, đều quay về hướng Nam, tạo không gian thoáng mát, hài hòa với thiên nhiên.


Nếu muốn tìm hiểu về văn hóa bản xứ, du khách có thể đến Bắc Sơn vào ngày 12 và 13/1 (âm lịch) để tham gia lễ hội Lồng Tồng của người dân Quỳnh Sơn, thưởng thức bánh chưng đen trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Ngoài thưởng thức những món ăn địa phương như phở chua, khâu nhục, xôi cẩm, thịt tái, du khách còn được nghe những làn điệu hát Then của người Tày.

Hiện trong làng đã có các hộ cung cấp dịch vụ homestay, giá phòng dao động 100.000 - 250.000 đồng một phòng một đêm. Du khách cũng có thể thuê xe máy để đi tham quan với giá 150.000 đồng một xe trong ngày.


Bên cạnh đó, anh Giang cũng tham quan một số địa điểm khác như làng nghề làm mái ngói âm dương của người Tày tại Quỳnh Sơn, ghé thăm "cây đa bất tử" gần 500 năm tuổi, đình Nông Lục, đèo Tam Canh - di tích của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.

Trong ảnh là di tích Cầu Lợp Long Đống, Bắc Sơn. Phía sau là cánh đồng lúa và Làng văn hoá Du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn.


Thời tiết ở Bắc Sơn lạnh về tối và sáng sớm, du khách nên mang theo áo ấm và một số vật dụng leo núi, các loại thuốc dùng vào mùa thu, đông.

Du khách hiện cũng có thể ngắm thung lũng hoa hay trải nghiệm ngồi thuyền, bè của người dân. Bắc Sơn có 8 xã thuộc An toàn khu Lạng Sơn, bao gồm: Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Tân Lập, Tân Hương, Vũ Lễ, nơi có những di tích lịch sử về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng đất này.

Quỳnh Mai - Ảnh: Chu Đức Giang
Nguồn: Văn phòng thông tin truyền thông Lạng Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét