7 thg 11, 2023

Những vị chủ bái ở miếu Bà

Ở xóm Bóng, thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi (Mộ Đức) có một ngôi miếu thờ Bà Ngũ hành. Bên trong miếu, người dân địa phương kính cẩn khắc tên 20 vị chủ bái của miếu lên một tấm bia. Họ là những người đại diện cho 9 dòng họ đầu tiên đến khai hoang, lập ấp ở chốn này.

Miếu Bà ở xóm Bóng, thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi (Mộ Đức).

Tồn tại hơn 200 năm

Người dân ở xóm Bóng, thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi không biết chính xác miếu Bà được xây dựng vào năm nào. Họ chỉ biết, ngôi miếu này đã gắn bó với đời sống tâm linh của người làng từ cách đây hơn 200 năm. Miếu thờ Bà Ngũ hành thượng giới là Kim Đức Thánh phi, Mộc Đức Thánh phi, Thủy Đức Thánh phi, Hỏa Đức Thánh phi và Thổ Đức Thánh phi. Người dân nơi đây cho rằng, các nữ thần này đại diện cho 5 yếu tố cấu tạo và vận hành nên vạn vật là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Bà Ngũ hành có thiên chức phò trợ cho con người được sinh sôi, phát triển, đặc biệt là phù hộ cho trăm nghề tấn phát. Người dân xóm Bóng tổ chức 3 lễ cúng Bà trong năm. Vào ngày Rằm tháng Giêng, mọi người tề tựu về miếu, kính cẩn chuẩn bị các món mặn như gà, heo... dâng lên Bà để gửi gắm niềm mong ước về một năm bình an, mùa màng bội thu. Đến ngày 20 tháng Tư (âm lịch), sau khi cúng ở miếu Bà, người làng tiếp tục mang lễ vật ra biển để cúng. Trong lễ cúng cuối cùng của năm diễn ra vào ngày Rằm tháng Chín, người làng lại tiếp tục tập trung về miếu để thành kính báo cáo với Bà Ngũ hành về tình hình làm ăn gần một năm qua.

Để thể hiện lòng tôn kính với Bà Ngũ hành, người làng cẩn trọng trong việc xét chọn người làm chủ bái. Theo thời gian, những người làm chủ bái có thể xuất thân từ nhiều dòng họ khác nhau, song đều là những người có uy tín, sống nhân nghĩa ở làng. "Xóm Bóng có 9 dòng họ lớn. Đây là những dòng họ tiền hiền, có công khai hoang, lập ấp ra xứ này. Theo lời người xưa truyền lại cho con cháu, vị chủ bái đầu tiên của miếu Bà là ông Mai Văn Hòa. Ông là vị chủ bái lúc ngôi miếu này hãy còn sơ khai, chưa được xây dựng khang trang, kiên cố. "Từ vị chủ bái đầu tiên ấy, đến nay làng đã có thêm 20 vị chủ bái, lần lượt đảm nhận trọng trách chủ trì các lễ cúng lớn tại miếu Bà", ông Mai Tân (56 tuổi), ở thôn Vinh Phú, xã Đức Lợi kể.

Tiếp nối truyền thống của làng

Là vị chủ bái thứ 21 của miếu Bà, ông Phạm Nhỏ (71 tuổi) chia sẻ, trước đây, cha tôi đảm nhận vị trí ông từ - là người chuyên dọn dẹp, nhang khói tại miếu Bà. Đến nay, tôi đảm nhận vị trí chủ bái được 8 năm. Tôi luôn giữ gìn đạo đức, lối sống để xứng đáng với trọng trách mà cả làng tin tưởng giao.

Tấm bia khắc tên 20 vị chủ bái của miếu do người làng lập nên.

Trải qua hơn 200 năm với biết bao sự đổi thay, song tín ngưỡng thờ nữ thần vẫn luôn là một mỹ tục, được người dân xóm Bóng gìn giữ. Năm 2022, người dân trong làng và những người con xa quê đã đóng góp hơn 200 triệu đồng để trùng tu lại miếu Bà. Không chỉ góp tiền để trùng tu, xây dựng ngôi miếu ngày càng khang trang hơn, những bậc cao niên trong làng còn cất công tìm hiểu, chép lại một phần lịch sử của làng ở miếu.

Trong khuôn viên miếu, người dân dựng một tấm bia, khắc tên 20 vị chủ bái của miếu từ năm 1795 - 2015, để bày tỏ lòng kính cẩn, biết ơn với những bậc tiền nhân đã có công trong thờ phụng Bà Ngũ hành thượng giới. Người dân còn dựng thêm một tấm bia để khắc những dòng chữ bày tỏ lòng thành kính đối với Bà và nhắn nhủ, dặn dò con cháu mai sau bằng những lời thiết tha, chân tình.

Người dân nhắn nhủ trên văn bia rằng: "Thế hệ bà con chúng ta hôm nay phải có trách nhiệm truy tìm về với quá khứ, nguồn cội mà tổ tiên ta đã khai thiên lập địa và xây dựng ngôi miếu thờ Bà cho đến ngày nay. Để tỏ lòng thành kính với bậc tiền nhân và nơi văn hóa tâm linh của xóm làng, xóm quyết tâm xây dựng nhà bia lưu niệm này, để thế hệ mai sau biết có trách nhiệm thờ cúng, giữ gìn di sản văn hóa tâm linh của quê hương. Chúng tôi thiết tha yêu cầu mỗi gia đình, dòng họ, cùng siết chặt tình đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp, nhưng vẫn giữ thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa làng quê bao đời truyền lại".

Từ những lời nhắn nhủ ấy, có thể thấy, với cư dân miền đất ven sông Vệ chất phát, hồn hậu này, gìn giữ miếu Bà không chỉ là giữ lại một nét đẹp tín ngưỡng, mà còn là gìn giữ một phần lịch sử và nếp sống đoàn kết, nghĩa tình.

Bài, ảnh: Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét