Làng Sảo Há thuộc thôn Khó Chơ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, Hà Giang, là nơi sinh sống của người Mông, nằm giữa khu rừng già Vần Chải. Ngôi làng là bối cảnh của bộ phim "Tết ở làng địa ngục" khởi chiếu cuối tháng 10 và "Kẻ ăn hồn" - bộ phim tiếp nối, ra mắt vào tháng 12.
"Tết ở làng địa ngục" là bộ phim truyền hình kinh dị cổ trang của Việt Nam được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. Nội dung xoay quanh ngôi làng biệt lập nằm sâu trong rừng có tên là "làng địa ngục", nơi ẩn dật của hậu duệ của một băng cướp khét tiếng. Do tội ác của ông cha ngày trước, người dân làng gặp phải những chuyện kỳ dị xảy ra vào đúng dịp Tết âm lịch.
Không điện, không nước, không sóng điện thoại, ngôi làng, mang cảm giác hoang vu, trầm uất, phù hợp với không khí của bộ phim, anh Giàng A Phớn, Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Giang, đến trải nghiệm làng vào ngày 9/11 nhận xét.
Để đến được làng Sảo Há nằm sâu trong rừng, du khách có thể di chuyển bằng xe máy trên quãng đường dài khoảng hai km, với nhiều dốc cua nguy hiểm. Nếu đi bộ, du khách sẽ mất khoảng từ 30 phút đến một giờ tùy tốc độ đi. "Đường vào Sảo Há là đường mòn, đất đá lởm chởm, nhiều đoạn dốc ngược, cần có tay lái vững", anh Phớn nói. Con đường xuyên qua một khu rừng và một ngôi miếu thờ thần rừng. Anh được những người già trong làng dặn không gọi tên nhau trong rừng để tránh những thứ không tốt bám theo.
Theo tiếng Mông, Sảo Há có nghĩa là "thung lũng trên cao", nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Đường đến làng thường xuyên có sương mù bao phủ, đặc biệt vào mùa đông. Đây cũng là con đường xuất hiện nhiều lần trong bộ phim "Tết ở làng địa ngục", khi nhân vật Thập - trưởng làng mang hàng hóa xuống núi bán và trở về.
Những người lớn đi làm nương, rẫy ở xa từ sáng và trở về lúc chiều tối. Ban ngày, ngôi làng khá vắng vẻ, chỉ thấy vài đứa trẻ chơi đùa hoặc đang chăn thả gia súc trên đường, anh Phớn nói.
Sau khi Vàng Vạn Ly được vận động ra đầu thú, cuộc sống của người dân nơi đây yên bình trở lại. Hang Phỉ hiện tại được cho là nơi Vàng Vạn Ly ẩn nấp.
Sảo Há đẹp nhất là vào mùa xuân khi những cây hoa đào nở rộ, xua đi vẻ lạnh lẽo, trầm mặc của ngôi làng.
Cùng với sự phát triển, một số nét văn hóa truyền thống như nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá có xu hướng bị mai một, thay thế bằng bê tông. Vì vậy, chính quyền huyện Đồng Văn dự định đưa Khó Chớ và cụ thể là nhóm hộ Sảo Há vào danh sách các thôn cần được bảo tồn giá trị truyền thống và khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên du lịch, theo trang thông tin điện tử huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.
Quỳnh Mai - Ảnh: Hà Giang Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét