Đất gò đồi là nơi được nông dân chọn trồng mì vì không ngập nước, có thể để củ mì qua đến mùa nắng rồi đào lên xắt lát phơi khô mà không sợ hư hỏng. Tuy nhiên, để qua mùa khô xắt lát đa phần là mì nếp, còn mì gòn thì thường ăn tươi.
Lấy được củ mì mà cây mì vẫn còn sống là một “nghệ thuật” của người đi lấy củ. Phải dùng từ “moi” củ mì chứ không phải “nhổ”, bởi mỗi bụi mì thường có 3 - 5 củ nhưng lớn không đều. Người đi lấy củ chỉ được phép moi, tức nhìn vào gốc mì, đoán biết củ phát triển hướng nào và lớn cỡ nào để moi lớp đất lên, cắt củ mang về, xong lấp đất lại để những cái củ nhỏ khác lớn lên.
Củ mì sau khi mang về nhà được bóc lớp vỏ, cắt thành từng đoạn chừng 5cm, rồi cho vào nồi luộc chín. Khi luộc củ mì, cho thêm vào nồi một ít muối và dăm chiếc lá dứa để củ được mặn mòi và có mùi thơm. Khác với mì nếp, củ mì gòn chín rất nhanh, chừng 15 - 20 phút là đã có nồi củ mì nghi ngút khói hơi. Vây quanh lấy nồi củ ấy là cả một sự ấm áp của không khí gia đình.
“Củ mì ngon nghẹn”, câu này vừa nói cái cụ thể là củ mì gòn nhiều tinh bột, ăn vô nghẹn ngang ở cổ, lại vừa nói cái điều có vẻ trừu tượng hơn, đó là sự thưởng thức món ăn nơi thôn dã, ngon đến độ không nói thành lời! Hơn 30 năm trước, dù đã đi làm nhưng tôi ở cùng cha mẹ, bữa ăn hằng ngày đều có củ lang, củ mì. Ngán củ đến mức, tôi đưa chúng vào thơ: “Tôi như cái thằng rách việc/ Về nhà xớ rớ rồi đi/ Ba bữa ăn đều có mặt/ Nhưng ngại củ lang, củ mì”.
Thế mà hơn 30 năm sau, củ mì giờ thành đặc sản. Ngày mưa ngồi nhớ củ mì là nhớ một thời nghèo khó nhưng thấm đẫm yêu thương...
Bài, ảnh: TRẦN ĐĂNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét