26 thg 11, 2023

Lịch sử bi tráng phía sau lăng Tam công Đại vương ở Bắc Ninh

Theo như thần phả, thần tích còn truyền lại thì cả ba vị Tam công Đại vương cùng sinh ngày 15/8/137 TCN (Giáp Thìn), cùng mất ngày mùng 2/12/112 TCN (Kỷ Tỵ).

Ngay dưới chân đê sông Đuống, thuộc địa phận làng Đồng Đoài, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, lăng Tam công Đại vương là nơi thờ phụng ba vị nhân thần được tôn làm thành hoàng của ba làng Đồng Đông, Đồng Đoài và Đồng Văn xưa.

Văn bia trong lăng ghi lại tên tuổi các ngài, đó là Vị đệ nhất: Đồng Sức, được phong là Anh nghị Linh thông Đại vương; Vị đệ nhị: Đồng Dạ, được phong là Chính trực Linh ứng Đại vương; Vị đệ tam: Thập Lang, được phong là Phù vận Cảm ứng Đại vương.

Theo như thần phả, thần tích còn truyền lại thì cả ba vị đồng sinh (cùng sinh) ngày 15/8/137 TCN (năm Giáp Thìn). Đồng hóa (cùng mất) ngày mùng 2/12/112 TCN (năm Kỷ Tỵ).

Lúc sinh thời, Tam công Đại vương là những người văn võ toàn tài, đã có công giúp dân cứu nước, đánh giặc Hán Vũ Đế. Sau khi mất, các vị được cư dân dựng lăng, lập đình phụng thờ, được Triệu Ai Vương ban sắc phong năm 112 TCN.

Cho đến nay, không còn tư liệu nào ghi lại cụ thể về công trạng của Tam Công Đại vương. Có thể phỏng đoán, ba vị đã hi sinh trong cuộc chiến với quân Hán vào giai đoạn mối quan hệ giữa nước Nam Việt với nhà Hán đang ở bên bờ vực chiến tranh

Theo sử cũ, khoảng năm 113 TCN, vua Hán là Hán Vũ Đế đã đưa 2.000 quân vào nước Nam Việt với mưu đồ giết Thừa tướng Lữ Gia và lật đổ chính quyền của Triệu vương. Lữ Gia – người đang nắm quyền hành trên thực tế – đã giết hết quân Hán. Chiến tranh Nam Việt – Hán bùng nổ.

Năm 111 TCN, Hán Vũ Đế cho hàng chục vạn quân chia thành 5 đạo sang xâm lược Nam Việt. Thất thế, Thừa tướng Lữ Gia đem vua Triệu chạy từ kinh đô Phiên Ngung về quận Giao Chỉ. Nhiều người Việt đã giúp Lữ Gia lập căn cứ kháng chiến chống giặc Hán tại vùng Sài Sơn - núi Thầy.

Giặc Hán đã bao vây hang núi Thầy và diệt hơn 2.000 quân Nam Việt cố thủ tại đây. Vua Triệu Dương Vương và Tể tướng Lữ Gia đều bị giết. Ngày nay, hài cốt các quân sĩ ngã xuống vẫn còn được lưu lại trong bể xương chùa Thầy (Hà Nội) và nhiều đường phố ở Việt Nam mang tên Lữ Gia.

Có thể nói, lăng Tam công Đại vương là chứng tích hiếm có về cuộc chiến giữa Nam Việt và Hán. Cuộc chiến này kết thúc với việc nước Nam Việt bị diệt vong

Sau 2.000 năm, những dấu tích vật chất cổ xưa của lăng Tam công Đại vương không còn nữa. Dù vậy, những bài học lịch sử và tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền tự chủ, bảo vệ nền văn hóa vẫn còn được hậu thế gìn giữ đến ngày nay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét