24 thg 4, 2022

Những danh thần mở cõi đất An Giang

Để tạo nên vùng đất An Giang trù phú và phát triển như ngày nay, có công lao rất lớn của các bậc tiền nhân, danh thần từ thời mở cõi, khai hoang, lập làng cho đến đấu tranh giành độc lập dân tộc. Họ là những người xả thân vì nước, vì dân, công lao được muôn đời sau ngưỡng vọng.

Nguyễn Hữu Cảnh

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vua Minh Mạng chia trấn Vĩnh Thanh thành 2 tỉnh An Giang và Vĩnh Long (2 trong 6 tỉnh đầu tiên ở Nam Kỳ, tức Nam Kỳ lục tỉnh), tỉnh An Giang chính thức thành lập. Tuy nhiên, vùng đất An Giang đã có công khai phá của các bậc tiền nhân từ trước. Trong đó, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được ghi nhận là “người đầu tiên có công khai mở vùng đất An Giang” (theo sách Kỷ lục An Giang 2009).

Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), tước Lễ Thành hầu, là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là vị tướng mở cõi Nam Bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698 (1 trong 5 trấn của Gia Định lúc bấy giờ là Vĩnh Thanh, sau tách thành tỉnh An Giang và Vĩnh Long). Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay.

Niệm sư từ trong khuôn viên Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, tại vùng đất nay thuộc xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Dòng dõi con nhà tướng, lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, lại chuyên tâm luyện tập võ nghệ nên từ trẻ, ông đã lập được nhiều chiến công, được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ (một chức võ quan thuộc bậc cao) khi mới 20 tuổi, được người đương thời gọi tôn là “Hắc Hổ”.

Ông có công bình định Chiêm Thành, lập trấn Thuận Thành (đất Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay); dẹp phản loạn, ổn định xứ Đồng Nai, mộ dân mở rộng vùng Gia Định. Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu (Chey Chettha IV) đem quân tiến công Đại Việt.

Do trước đó, anh trai của Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Hữu Hào dẫn quân đi bình định không thành nên chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh đánh dẹp. Thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích, phía Tây Bắc Nam Vang (nay là Phnom Penh, Campuchia), đánh tan quân của Nặc Thu (1700).

Sau khi vua Chân Lạp qui hàng, Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyền ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Khmer, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tinh thần thân thiện, hỗ trợ lẫn nhau. Những hành động khoan hòa, thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của ông đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến.

Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (sau dân địa phương nhớ ơn ông, gọi là cù lao Ông Chưởng, tức vùng Chợ Mới, An Giang ngày nay). Tiếc là sau khi dẹp loạn, bình định và giữ yên cõi phương Nam, Nguyễn Hữu Cảnh qua đời vì bệnh vào ngày 10/5 âm lịch (1700).

Để tưởng nhớ công đức của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nơi quê hương cũng như nơi ông đến an dân, nhân dân đều lập đền thờ hoặc lập bài vị ông. Trong đó, tỉnh An Giang là một trong những địa phương có nhiều đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nhất. Trong số này, có Lễ Công Từ Đường ở phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc), do Thoại Ngọc Hầu đứng ra xây dựng, đến nay vẫn còn hương khói.

Thoại Ngọc Hầu

Thoại Ngọc Hầu (1760-1829), tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh ra tại vùng đất nay thuộc phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Lớn lên giữa lúc Trịnh - Nguyễn phân tranh, Tây Sơn nổi dậy nên năm 1775, mẹ ông phải dẫn ông và 2 người em chạy nạn vào Nam, định cư ở làng Thới Bình trên cù lao Dài (nay thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Thoại Ngọc Hầu từng bảo hộ Cao Miên, lập nhiều công lao nên năm 1817, ông được vua Gia Long cử trấn thủ trấn Vĩnh Thanh. Từ đây, ông sốt sắng lo việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới, để lại nhiều công trình lớn cho hậu thế. Trong đó, phải kể đến kênh Thoại Hà (khởi đào năm 1818, dài hơn 30km, nối rạch Đông Xuyên (kênh Long Xuyên, An Giang) với ngọn Giá Khê (kênh Rạch Giá, Kiên Giang). Đào xong, được vua Gia Long cho phép lấy tên ông để đặt cho tên núi (Thoại Sơn) và tên kênh (Thoại Hà).

Tượng Thoại Ngọc Hầu được đặt trong khuôn viên Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu

Công trình lớn nhất và có ý nghĩa nhất mang dấu ấn Thoại Ngọc Hầu là kênh Vĩnh Tế. Con kênh được đào theo biên giới Tây Nam, nối liền Châu Đốc - Hà Tiên (nối sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan). Kênh dài hơn 87km, huy động hàng vạn nhân công thực hiện từ năm 1819-1824. Con kênh được đặt tên theo tên vợ chính của ông, phu nhân Châu Thị Tế (nhũ danh Vĩnh Tế).

Năm 1823, Thoại Ngọc Hầu cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế là Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Năm 1825, ông cho đắp con đường từ Châu Đốc lên Lò Gò (nay thuộc thị trấn Angkor Borei, tỉnh Takeo, Campuchia) - Sóc Vinh, nối các làng với nhau, rất tiện lợi trong việc đi lại của nhân dân. Từ năm 1826-1827, ông huy động gần 4.500 nhân công đắp lộ Núi Sam - Châu Đốc (dài 5km), cho khắc bia “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương” dựng tại núi Sam năm 1828 để kỷ niệm (nay đã được phục dựng lại).

Những công trình trên được xem là cơ sở để người Việt đặt chủ quyền lâu dài trên vùng đất mới, có ý nghĩa rất lớn về mặt quốc phòng - an ninh cho đến nay và mai sau.

Sau công lao mở cõi của những danh thần như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Thống chế khâm sai Thượng đạo đại tướng quân Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), vùng đất An Giang cũng như Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp. Không phụ công lao của những bậc tiền nhân, những danh tướng, sĩ phu lần lượt xuất hiện, khơi dậy phong trào yêu nước, chống Pháp, tạo tiền đề cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do về sau.

Có thể kể đến: Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân, 1830-1875); Bùi Hữu Nghĩa (Thủ Khoa Nghĩa, 1807-1872); đức Quản cơ Trần Văn Thành (không rõ năm sinh, mất năm 1873), thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa nổi tiếng (1867-1873); đức Bổn sư Ngô Lợi (1831-1890, Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa), người có công khẩn hoang, lập làng núi Tượng (Ba Chúc - Tri Tôn ngày nay) và là lãnh tụ phong trào chống Pháp…

HOÀNG XUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét