20 thg 4, 2022

Ngã tư dặt dìu cung bậc âm dương

“Từ một ngã tư đường phố, cuộc sống reo vui từng giờ, khi nắng mai về, người và xe nối nhau đi trên đường…”. Hình ảnh Hà Nội một thời được diễn tả bằng phong cách nghệ thuật tuyên truyền trong những câu hát trên thực tế lại phủ một cảm giác lãng mạn cho nơi chốn đặc trưng nhất của đô thị: ngã tư.

Bài hát Từ một ngã tư đường phố (1971) của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã biến ngã tư thành bức tranh cổ động hiệu quả nhất, bởi lẽ lời ca là một cuộc xuống đường của tất cả những thành phần xã hội, từ những chị công nhân tan ca về đến những em bé đeo khăn quàng đỏ, và không quên những chàng trai ra đi chiến trường “từng đoàn xe qua trong ngàn ánh mắt yêu thương”. Theo đó, ngã tư là chỉ dấu của văn minh đô thị, nơi ai nấy đi đúng luật giao thông. Thêm “đèn đỏ đèn xanh”, ngã tư thành nơi hiện diện của quyền lực quy ước.

Trong ý niệm về đô thị của người La Mã cổ đại, ngã tư có mặt ngay từ đầu. Quy hoạch những đô thị La Mã xuất phát từ hai trục vuông góc, ngang là decumanus, dọc là cardo, nơi giao nhau được lấy làm điểm mốc, tại đây có thể là quảng trường hay đền thờ. Ở phương Đông, đô thị thời Tây Hán được tạo nên từ nguyên tắc hai con đường chính gặp nhau ở nha môn, trung tâm hành chính của đô thị. Từ hai đường cơ sở này, các con đường khác được kẻ song song với chúng, tạo ra các ô phố.

Trong khi đó, dựa trên những mặt bằng còn lại đến giờ, các đô thị cổ Việt Nam trước thời Pháp thuộc không để lại một mặt bằng có những ngã tư rõ rệt, hay đúng hơn, địa thế thường nương theo núi non hay sông hồ để hình thành các con đường nối với nhau không dựa vào phép đo toán học.

Di chỉ khảo cổ của thành Cổ Loa cho thấy các vòng thành đất không có hình dạng hình học hoàn hảo, mà gần như kiểu vòng xoáy trôn ốc. Tên gọi Loa Thành nghĩa là “thành ốc” đã nói lên đặc điểm đó. Đô thị lớn nhất thời trung đại là Thăng Long cũng có diễn biến tương tự, thành quách và phố phường nương theo hình thế sông hồ: Nhị Hà từ Bắc sang Đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này. Các khu dân cư thường quây quần quanh những bến sông hay bên ngoài một cửa thành.

Ô Cầu Dền khoảng cuối thập niên 1880. Ảnh: Deulefils

Hà Nội trước thời Pháp thuộc cho thấy một tòa thành nhà Nguyễn có hình vuông nhưng phố xá và những con đường thiên lý, thập lý xung quanh không có yếu tố tạo ra mạng lưới bàn cờ. Dấu tích bức lũy được Trịnh Doanh cho đắp năm 1749 trên cơ sở thành Đại La cũ để lại là những con đê tận dụng các con sông chi lưu của sông Hồng cùng dày đặc các hồ, đầm, hiển nhiên là rất hiếm những trục thẳng vuông góc với nhau để tạo ra những ngã tư thực sự.

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, các đô thị như Hà Nội, Huế, Sài Gòn… đã có một diện mạo khác hẳn, trung tâm các thành phố chính là những ngã tư, những quảng trường trên cơ sở các giao lộ. Việc đầu tiên người Pháp làm để quy hoạch nên phố xá Hà Nội chính là tạo ra một trục ngang – Hàng Khảm (Tràng Tiền và Hàng Khay ngày nay) và một trục dọc – Bờ Hồ (Đinh Tiên Hoàng và Hàng Bài). Nơi giao nhau của hai trục chính là ngã tư đầu tiên của Hà Nội, nằm bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm, tạo ra điểm xuất phát của quá trình đô thị hóa cải biến vùng đất nhiều sông hồ và dễ úng ngập này thành một thành phố kiểu phương Tây.

Đây là những con đường được rải đá dăm đầu tiên của Hà Nội vào năm 1885, nơi có biển phố đầu tiên, cột đèn đầu tiên và những cửa hiệu đầu tiên. Cận kề ngã tư này là tòa nhà Bưu điện - cột mốc số 0 của những con đường từ Hà Nội tỏa đi. Từ mốc này, những phố mới Hà Nội được hình thành, tạo ra một khu phố bàn cờ vuông vắn dành cho người Pháp, tương phản với những tuyến phố khúc khuỷu và những con ngõ ngoằn ngoèo vùng ven đô của người bản địa.

Nhưng rồi người Việt cũng mau chóng hấp thụ những hình thái mới, với họ ngã tư và cột đèn trở thành cặp bài trùng mới cho đô thị, thay cho những bến sông và cửa ô. Ngay chính những cửa ô cũng trở thành các ngã tư, ngã năm khi những đoạn tường lũy bị bạt thấp dần trở thành đường đi. Người Hà Nội đã quen với những ngã năm Chợ Dừa, ngã tư Đại Cồ Việt, ngã tư Cầu Dền mà dần quên hình ảnh các cửa ô từng hiện diện cho đến cuối thế kỷ XIX. Phạm vi của những khu phố lan dần ra xa hơn những cửa ô, theo những tuyến đường tàu điện về các ngả. Chuỗi các cửa ngõ vào Hà Nội giờ đây mang tên các ngã tư Cầu Giấy, Sở, Vọng, Trung Hiền (Mơ)… Ngã tư Sở mặc nhiên trở thành địa danh cấu tạo bằng cụm danh từ ghép khi phần địa danh Sở đứng độc lập đã mất nghĩa gốc gắn với tên ngôi làng Thịnh Quang Sở vốn có từ trước. Ngã tư này chỉ thật sự được hình thành trong thập niên đầu thế kỷ XX.

Vào thời Lê, con đường thượng đạo từ miền trong ra Thăng Long - Hà Nội men theo sông Tô Lịch đi vòng lên các làng Chính Kinh, Quan Nhân để theo cống Mọc và tiếp đó ra tới khu gò Đống Đa để tới cửa ô Chợ Dừa (còn gọi là ô Thịnh Quang). Đầu thế kỷ XX, khi khu lăng Hoàng Cao Khải và vùng Thái Hà ấp được quy hoạch như một khu dinh thự quan lại tách biệt với nội thành, một con đường thẳng được tạo ra chạy từ gò Đống Đa qua cửa khu Thái Hà ấp chếch về tây nam tới sông Tô Lịch. Ở đây một cây cầu gạch được xây để đường tàu điện chạy qua gọi là cầu Mới để phân biệt với cây cầu cũ là cống Mọc ở phía trên chừng một cây số.

Năm 1919, sân bay Bạch Mai được xây dựng cách đó một cây số về phía đông. Con đường Láng tách khỏi ven sông Tô Lịch nối với đường vào sân bay, cắt ngang con đường qua cầu Mới, tạo nên ngã tư Sở. Đây là cửa ngõ trọng yếu nối Hà Nội với tỉnh Hà Đông (tên gọi có từ cuối 1904 thay cho tỉnh Cầu Đơ), phên giậu trù phú của thủ phủ Bắc kỳ. Trong khi 5 tuyến tàu điện khác đều chỉ dừng lại ở trong vòng vành đai thứ hai và những con đê bao quanh lân cận nội thành, tuyến tàu điện qua ngã tư Sở đã kéo dài đến tận tỉnh lỵ Hà Đông.

Tính chất cửa ngõ và tiện đường giao thông sớm muộn cũng dẫn đến những chức năng dân sinh. Nằm ở giữa độ đường từ nội thành ra và các vùng làng xã tỉnh Hà Đông vào, ngã tư Sở ở cái thế tứ chiếng giang hồ dễ bề tụ hội. Ở đây xuất hiện sớm hơn cả là những dãy nhà hát cô đầu, để rồi thành một “biệt danh” vào thập niên 1930. So với những xóm cô đầu đã có từ trước, việc “tom chát” ở chốn ngã tư đường bụi bặm này có gì cuốn hút? Nhà thơ Đinh Hùng trong tùy bút Đốt lò hương cũ đã hồi ức một cuộc vui mà ông gọi là “Đêm đi hát ả đào độc nhất vô nhị khiến người thiên cổ cũng nhỏm dậy”. Ông kể, giữa chừng cuộc rượu ở nhà Thạch Lam, các văn sĩ Khái Hưng, Nhất Linh và những bạn văn khác hỏi nhau đi hát ả đào ở đâu bây giờ.

Nhưng tác giả “Hà Nội băm sáu phố phường” xem chừng cũng không biết rõ xóm Yên Hoa chính thức ở phố Khâm Thiên hay phường Vạn Thái? Và không biết băm sáu phố cố đô, phố nào cũng có những ả đào đàn ngọt, hát hay, đủ cả thanh lẫn sắc?

Rút cục, bọn tiểu quỷ chúng tôi đành phải gánh vác vai trò lãnh đạo, và quyết định: Thẳng tiến xuống ngã tư Sở, đóng đô tại nhà cô đào Sen tức Bạch Liên, nổi tiếng ngâm thơ, hát vặt đều sành, lại thêm tỳ bà rất mực tài hoa, nhan sắc tuy chẳng nghiêng thành nhưng vốn thuộc loài “tình chủng” nên khóe mắt nụ cười cũng đã từng khiến nhiều người chết mệt.

Tại đây, họ hội ngộ Nguyễn Tuân, “thổ công của làng Hồng Phấn”, “một mình Nguyễn Tuân, ở nơi Hàng Viện, quả có bản lĩnh hơn cả bảy tám người chúng tôi họp lại. Có lời giới thiệu của Nguyễn, chúng tôi được nữ chủ nhân biệt đãi khác thường. Và hôm đó chúng tôi đã được dự một chầu hát độc nhất vô nhị trong đời. Một chầu hát gồm đủ mặt các danh kỹ đương thời, các danh kỹ hầu hết đều thuộc hàng “hoa bậc chị” của cả 4 xóm yên hoa sầm uất nhất vùng ngoại thành hợp lại: Khâm Thiên, Vạn Thái, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở”. Vĩnh Hồ thực ra là khu lân cận ngã tư Sở, còn Vạn Thái là khu vực dãy nhà 24 gian ở ngõ 357 Bạch Mai, các khu này đều giáp đường tàu điện chạy qua.

Ngã tư Sở tháng 10.1954 khi Hà Nội được tiếp quản. Ảnh: LIFE

Cho dù các văn sĩ say đắm với réo rắt tiếng ca đầy thẩm mỹ, sự thật là những xóm cô đầu ở khu cửa ngõ thành phố này có chức năng quan trọng nhất là mua vui cho cánh đàn ông. Thống kê năm 1938 của đốc lý Hà Nội cho biết ở đây có 45 nhà hát chứa trên 200 cô đầu hành nghề, mà “đào hát chính cống thì khá hiếm, đa số là “đào rượu”, một thứ gái mãi dâm” (dẫn theo Nguyễn Văn Uẩn). Nhưng viết hoa Ngã-Tư-Sở khi liệt kê những “xóm yên hoa”, các văn nghệ sĩ thời thuộc địa đã biệt danh hóa ngã tư này thành một phức hợp của khoái lạc nhục thể với lối ra cho văn chương. Còn khi viết ở dạng thường – ngã tư Sở, nơi đây chỉ là hình ảnh lam lũ của những dãy phố nhà ngói xen kẽ mái lá ven đô, chỉ có vài dãy nhà hai tầng, cho đến tận cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Ở đấy có ngôi nhà cuối đời của Vũ Trọng Phụng ở số 73 Cầu Mới (nay là Nguyễn Trãi) hay Lê Văn Trương theo một vài hồi ức.

Mảnh đất ngã tư Sở chỉ là một điển hình cho những “cung đường vàng” của văn chương thời trước, cùng với Khâm Thiên vốn được mệnh danh là “cái nôi của văn học Hà Nội ba mươi năm về trước” như lời Vũ Bằng, ngã tư Cầu Dền trong Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp, hay “nhà tôi ở dưới gốc cây mai trắng” tức phố Bạch Mai trong thơ Nguyễn Bính, nơi có xóm cô đầu Vạn Thái đã kể. Chúng ta khó mà dám chắc nhưng có thể phỏng đoán một trong lý do khiến các xóm cô đầu tụ họp ở đây lẫn nhiều văn sĩ thuê nhà ở quanh ngã tư Sở, Cầu Giấy, Cầu Dền, Bạch Mai, Khâm Thiên là sát các trục lộ giao thông dễ đi lại, tiện đường tàu điện và quan trọng nhất là giá cả tương đối rẻ hơn nội thành.

Xóm cô đầu ở những ngã tư cửa ngõ đô thành cũng thở hơi tàn chung với vận mệnh xứ thuộc địa. “Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo/ Dặt dìu cung bậc âm dương… Xác trụy lạc rũ bên thềm lá phủ/ Ai hát khúc thanh xuân hờ ơi phấn nữ” (Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc – Văn Cao, 1945). Sự mô tả trụi trần như vẽ cõi âm ty khớp với những ký ức của Văn Cao về thời khắc chàng nhạc sĩ đi lang thang những đường phố Hà Nội quanh những ngã tư, nhìn thấy những người chết đói, chàng hình dung ra cảnh một đoàn quân “tiến mau ra sa trường” như thế nào. Có thể hình dung một cuộc vật lộn căng thẳng trong những ngày tháng mùa đông năm 1944 mà như Văn Cao kể nhạc sĩ nghèo phải đốt dần bản thảo để sưởi và “những ngày đói của tôi bắt đầu” (Tôi viết “Tiến quân ca”).

Cũng một mùa đông hai năm sau đó, Văn Cao viết về một hiện thực khác, cũng “những ngã tư đời đau khổ bê tha” mạn chắn tàu Khâm Thiên và Chợ Dừa quanh một vệt dài “xưa đây lối xóm cầm ca”, nhưng giờ đây là của một Hà Nội thời khắc nổ súng cuộc kháng chiến.

Em, gái Ngã Tư Sở
Anh, người thợ Nam Đồng
(Đêm sênh ca khốn khổ
Đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông)
Xác anh vùi lửa đạn
Xác em vùi bên anh
Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh
Lửa bừng cháy lên rực phía đô thành

(Ngoại ô mùa đông 1946 – Văn Cao, Văn nghệ số 3, tháng 4 và 5, 1948)

Văn Cao gọi những nơi chốn ấy là “xóm xanh”, thay cho từ cũ “thanh lâu”, hiệp với những “đèn xanh ngõ khói”, “thương nữ”, “lối xanh trúc đằng”, “gót chân xanh khép giọng tỳ bà”. Màu xanh của cái chết chậm được Văn Cao đốt cháy bằng màu đỏ lửa, như bạo liệt vẽ một vẻ đẹp của phá bỏ, đoạn tuyệt với hình cũ, màu cũ và âm thanh cũ. “Nhạc mới mênh mông” phải chăng là những bài hành khúc tân nhạc hừng hực khí thế mà chàng trai 23 tuổi viết ra trong men say cách mạng? Nhưng hãy chú ý câu: “Em, gái Ngã Tư Sở”. Có lẽ đây là lần đầu tiên diễn ra sự khắc họa những ca nương vốn bị xã hội xem thường trong hình ảnh những chiến binh, thậm chí tử sĩ.

Một vài trang hồi ức của người Hà Nội cũ đã ghi nhận câu chuyện những cô đầu ở lại chiến đấu trên những chiến lũy những ngày cầm chân quân Pháp cuối năm 1946. Đúng như biệt danh “gái Ngã Tư Sở”, họ là những con người của ngã tư đường, của trạng thái chẳng thuộc về đâu, chẳng có gì níu kéo, nhưng vào lúc quyết định, họ chọn một ngả đường để đi. Văn Cao đã vẽ họ trong một bức tranh cổ động nhiều nét siêu thực.

Các ngã tư Hà Nội vào thời những năm tháng chiến tranh, thiếu thốn, khi chỉ gồm những tòa nhà cũ kỹ không biển hiệu, gợi nên cảnh tượng một đô thị không còn là đô thị: “Giữa thế kỷ hai mươi/ Ngã tư mưa/ Òa lên vai gương mặt đẹp/ Nhà cửa như quần áo rách/ Xích lô lầm lũi lên cầu” (Ngã tư tháng Chạp – Lưu Quang Vũ, 1972). Ngã tư thời chiến với những ngôi nhà tàn tạ, lở lói, trở thành chốn vây bủa cảm giác cô đơn của thi sĩ, thành bối cảnh của tình yêu đổ vỡ, từ Lưu Quang Vũ đến Trần Dần khắc khoải: “Nhưng em ơi anh chỉ đến ngã tư xưa/ Anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ” (Ngã tư xưa). Tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần lần theo những hành tung dường như ám muội của con người bị nghi kỵ trong những bóng tối đô thị, mà thực ra giấu những mối tình si, những hoan lạc bị cuộc đời vùi dập. Sự lãng quên đối với bản thảo cuốn tiểu thuyết ra đời từ năm 1966 cũng giống như sự lãng quên với những ngã tư tàn tạ.

Dấu vết còn lại năm 2017 của bức tranh cổ động ở ngã tư Trung Hiền (chợ Mơ) của họa sĩ Trường Sinh thực hiện năm 1982. Ảnh: NTQ

Những ngã tư của thân phận lẻ bóng ấy khác với hào khí tập thể trong bài ca của Phạm Tuyên cùng nhiều ước vọng một thời: “Từ một ngã tư nhỏ bé đã thấy tương lai đang về, trong mỗi dáng người ngẩng đầu cao bước nhanh đi trên hè”. Lời ca có khung cảnh đi kèm, những ngã tư thập niên 1980 có những tranh cổ động và những bức tranh tường hoành tráng bằng xi măng và ốp gạch men màu ở Ô Chợ Dừa, ngã tư Trung Hiền (trước cửa chợ Mơ), tạo ra ấn tượng thị giác cho những người vào thành phố. Trên các bức tranh chủ đề “Hà Nội chào mừng”, bao giờ nổi bật cũng là hình tượng một cô gái mặc áo dài, có khi bay lên trên Tháp Rùa, đầy cảm giác thần thoại.

Năm 1980, con đường từ ngã tư Sở mở rộng về phía khu công nghiệp Thượng Đình được đặt tên Nguyễn Trãi, trong khi những dãy nhà hát cô đầu cũ vẫn còn ở đầu đường Tàu Bay đã mang tên mới Chiến thắng B-52 và sau cùng là Trường Chinh. Tất nhiên các cô đầu đã vắng bóng từ mùa đông năm 1946, cũng như đường tàu điện đi Hà Đông chạy những chuyến mệt mỏi cuối cùng trước khi biến mất vào năm 1991. Rút cục đến thế kỷ XXI, những dãy nhà vàng vọt cũ kỹ quanh ngã tư Sở đã nhường chỗ cho bốn phía được mở rộng thành nút giao có hầm đi bộ và cầu vượt.

Ký ức cuối cùng của tôi về những ngã tư ven thành là những dãy nhà phố kiểu cũ biến mất, những bức tranh tường bị đập bỏ. Bức tranh tường của họa sĩ Trường Sinh thực hiện năm 1982 trước cửa chợ Mơ là dấu ấn cuối cùng của một thời đại đã từng thay thế một thời đại khác. Chỉ còn những câu thơ, những bài ca và giai thoại văn nghệ vẫn còn gắng chống lại sự quên lãng.

Nguyễn Trương Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét