20 thg 4, 2022

Cận cảnh thạp đồng “hổ vồ” tuyệt đẹp của người Việt Cổ

Hình tượng hổ trên thạp đồng Vạn Thắng được tạo tác theo lối tả thực rất sinh động. Con hồ rướn mình về phía trước, mõm ngoạm ngang lưng con mồi...

Xuất hiện trong trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” đang diễn ra ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, thạp đồng Vạn Thắng là cổ vật có giá trị đặc biệt của nền văn hóa Đông Sơn

Chiếc thạp này được khai quật năm 1962 tại xã Vạn Thắng, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, hiện tại được bảo quàn và trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng

Hiện vật có niên đại cách ngày nay 2.000-2.300 năm, gồm hai phần thân thạp và nắp thạp. Nét đặc sắc nhất nằm ở phần nắp, với bốn khối tượng hổ cắp mồi nằm ở bốn góc.

Hình tượng hổ trên thạp đồng Vạn Thắng được tạo tác theo lối tả thực rất sinh động. Con hồ rướn mình về phía trước, mõm ngoạm ngang lưng con mồi, hai chân trước bấu chặt hai bên.

Dù có kích thước rất nhỏ, các khối tượng vẫn tái hiện được đặc trưng giải phẫu học của loài hổ, thể hiện óc quan sát sinh tế cũng như trình độ chế tác đồ đồng của người xưa

Việc đưa hình hổ vào vật dụng sinh hoạt cho thấy lối sống gần gũi với thiên nhiên, cũng như phản ánh mối quan hệ của người Việt cổ với loài hổ. Sống ở một địa bàn rừng núi hoang sơ, cha ông ta xưa hẳn là thường xuyên chạm mặt với loài mèo đáng sợ này.

Sự hiện diện của những con hổ vồ mồi trên thạp đồng vừa mang tính trang trí, đồng thời cũng có thể phán ảnh một quan niệm tâm linh nào đó liên quan đến loài hổ của cộng đồng cư dân Đông Sơn

Cùng với trống đồng, thạp đồng là một loại hình đặc sắc của văn hóa Đông Sơn. Cho đến nay, gần 300 chiếc thạp đồng Đông Sơn đã được phát hiện suốt từ miền núi Lào Cai – Yên Bái đến Thanh Hóa – Nghệ An

Mục đích sử dụng thạp đồng Đông Sơn vẫn là điều bí ẩn. Một số thạp được phát hiện có tro cốt, xương người và đồ tùy táng bên trong, dường như có vai trò như một chiếc quan tài.

Theo các chuyên gia, có thể những chiếc thạp tạo tác công phu đã từng được người có địa vị trong cộng đồng dùng để đựng hạt giống hoặc làm đồ thờ tự

Khi chủ nhân chết đi, chúng trở thành quan tài, được chôn theo để khẳng định vai trò, địa vị người quá cố...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét