8 thg 4, 2022

Hà Nội 130 năm về trước…

Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp coi năm 1892 là năm của “nghệ thuật và xã hội” (l’année artistique et mondaine)[1] , bởi sự kiện mở đầu cho năm này chính là lễ khánh thành trụ sở mới của Société Philharmonique (Hội Hiếu nhạc) - Nhà hát nhạc kịch châu Âu đầu tiên ở Hà Nội vào ngày 16-1-1892.

Mặt chính diện tòa nhà Société Philharmonique (Hội Hiếu nhạc - Nhà hát nhạc kịch châu Âu đầu tiên ở Hà Nội). Ảnh sưu tầm.

Trụ sở của Hội Hiếu nhạc được cải tạo từ một ngôi chùa cổ ban đầu do Sở quân nhu lính khố đỏ Bắc Kỳ sở hữu (nay là Nhà hát múa rối Thăng Long số 57B phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội).
Trong năm 1892, Hội Hiếu nhạc đã tổ chức 3 buổi biểu diễn tại trụ sở này vào các ngày 13-2, 11-4 và 24-5 với những bài hát được các ca sĩ nổi tiếng đương thời biểu diễn; có nhạc kịch, hòa nhạc, khiêu vũ; dàn nhạc có piano và violon. Đặc biệt nhất là buổi biểu diễn của hai nghệ sĩ nổi tiếng của nhà hát Déjazet (Paris) là Mlle Jeanne Rolly và M. Clément với một chương trình đặc sắc chưa từng công diễn và những bài ca nổi tiếng đương thời: Le papillon qui passe (Con bướm bay qua); Histoire et Abelard (Lịch sử và Abelard); Le doigt gelé (Ngón tay đông cứng); On dirait qu’c’est toi (Hình như đó là em); C’est le vent (Đó là gió); Credo d’amour (Tín ngưỡng tình yêu); La chosette et la chute des feuilles (Chosette và những chiếc lá rơi)…

Sự xuất hiện của Hội Hiếu nhạc cho thấy, ngoài việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần cho người Pháp sống ở Hà Nội, chính quyền thuộc địa còn muốn tạo ra một sự kiện nhằm thay đổi sinh hoạt, ý nghĩ và cảm xúc của người bản xứ bằng việc tiếp xúc với văn hóa lãng mạn Pháp. Trên thực tế, văn hóa Pháp dần dần đã có những tác động không nhỏ đến giai cấp tư sản và một bộ phận tiểu tư sản lớp trên (trí thức, viên chức cao cấp), những người có lối sinh hoạt thành thị mới theo văn minh Tây phương cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 như sống trong nhà xây kiểu châu Âu, đi ô tô, thích nghe hòa nhạc… Và đây cũng chính là một trong những sự kiện mang dấu ấn đặc biệt trong lịch sử âm nhạc Việt Nam thời cận đại.

Tiếp theo là sự kiện bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên Đán đầu tiên ở Hồ Gươm vào đầu tháng 2-1892 do Toàn quyền De Lanessan tổ chức nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam. Trong đêm lễ hội, quanh hồ được trang trí đèn bengale, có đốt pháo, bắn pháo hoa, chiếu sáng thuyền, âm nhạc, sân khấu truyền thống của người Việt, và thêm một điểm mới: đó là chiếu điện bằng máy phát điện lên bầu trời. Mặc dù đây là đêm giao thừa đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội theo phong cách châu Âu kết hợp với văn hóa truyền thống của người Việt nhưng rất tiếc là thời tiết xấu, hơn nữa người bản xứ vốn ít quan tâm đến lễ kỷ niệm ngày Tết Âm lịch ở bên ngoài, chỉ quan tâm đến các nghi lễ truyền thống trong gia đình nên đêm lễ hội đã không thành công.

Sự kiện bắn pháo hoa ở Hồ Gươm còn được chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức một lần nữa trong năm 1892, vào ngày 22 tháng 9 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa Pháp. Các năm sau đó, việc tổ chức đón giao thừa trong dịp tết Nguyên đán và việc tổ chức các lễ hội ở quanh Hồ Gươm đã được tổ chức thường xuyên hơn và người Việt cũng dần dần thích nghi với các hoạt động xã hội đó.

Ngày nay, cùng chào đón năm mới ở Hồ Gươm – trung tâm của thủ đô đã trở thành một thói quen, một phong tục, một phần không thể thiếu được của người Hà Nội nhưng có mấy ai biết rằng, phong tục đó bắt nguồn từ văn hóa châu Âu do người Pháp đem đến cho Hà Nội cách đây tròn 130 năm.

Tàu điện chạy qua Société Philharmonique. Collection của Dieulefil. Ảnh sưu tầm.

Tiệm cà phê ở sảnh Société Philharmonique gợi nhớ hình ảnh các quán cà phê ở giữa Paris cuối thế kỷ 19. Ảnh sưu tầm.

Pháo hoa ở Hồ Gươm trong đêm giao thừa ngày nay. Ảnh sưu tầm.

[1] Claude Bourrin, Le vieux Tonkin le théatre – le sport – la vie mondaine de 1890 à 1894, Hanoi, 1941, tr. 99.

TS. Đào Thị Diến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét