9 thg 4, 2022

Bệnh viện De Lanessan và các dự án xây dựng từ cuối thế kỷ 19

Bệnh viện De Lanessan, nay được sử dụng làm Bệnh viện quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, chính thức được khởi công vào ngày 22 tháng 12 năm 1891, cách đây đúng 130 năm. Ngay sau khi chiếm được Hà Nội, chính quyền thuộc địa nhận thấy cần phải xây dựng một bệnh viện lớn. Trước đó, việc đặt Bệnh viện Hà Nội trong kho gạo cũ của Thành Hà Nội được coi là tạm thời. Ngay sau năm 1885, việc xây dựng một bệnh viên mới yêu cầu cần có một vị trí phù hợp. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm, do có các ý kiến khác nhau và vì những khó khăn về tài chính cản trở việc thi công, nên kế hoạch xây dựng bệnh viện phải đến năm 1891 mới bắt đầu được triển khai.

Tính đến khi khởi công xây dựng bệnh viện năm 1891, đã có 6 dự án cho công trình này với các đề xuất khác nhau. Ngày 22 tháng 12 năm 1891, Toàn quyền De Lanessan đã đặt viên đá đầu tiên khởi công cho công trình này[1]. Tuy nhiên, các công việc thi công chính thức phải sang năm 1892 mới được thực hiện.

Toàn cảnh Bệnh viện De Lanessan đăng trên Tờ Tạp chí Đông Dương năm 1894

Dự án năm 1885

Ngày 29 tháng 1 năm 1885, một ủy ban do Tướng tổng tư lệnh đề nghị xây dựng một bệnh viện 300 giường trong khu nhượng địa nhưng không có giải pháp và khu đất đó do Hải quân và Đồn Thủy (Pontonniers) sử dụng.

Dự án đầu tiên này sau được sử dụng lại năm 1891 và địa điểm xây dựng được lựa chọn là ở làng Cơ Xá.

Dự án năm 1886

Ngày 8 tháng 10 năm 1886, bác sĩ Nogier và đại uý Công binh Joffre đã giới thiệu 2 dự án. Lúc đó Paul Bert giữ chức Tổng trú sứ Trung Bắc Kỳ.

Theo dự án thứ nhất, bệnh viện được xây dựng bên sông Hồng, cách bờ sông 1 km. Như vậy bệnh viện sẽ nằm trên bãi cát có thể bị ngập nước. Do đó yêu cầu về bảo vệ là đặc biệt quan trọng và rất tốn kém. Dự án này bị trung tướng Công binh Granade và Giám đốc Sở Y tế Dujardin Baumetz phản bác.

Dự án thứ 2 mà bác sĩ Nogier và đại uý Công binh Joffre giới thiệu là xây dựng tại vị trí thời điểm đó đang là bệnh viện ở trong Thành Hà Nội. Địa điểm này đã được lựa chọn trong cuộc họp vào tháng 12 năm 1886 của một ủy ban tối cao trong điều kiện sẽ phải lấp nhiều ao hồ và xây dựng hệ thống cống ngầm để thoát nước thải sinh hoạt. Theo dự án này, sân bán nguyệt ở phía Tây sẽ dùng làm trạm y tế cho những bệnh nhân mắc dịch tả. Việc lựa chọn địa điểm này dựa trên các tiêu chí: an ninh, kinh tế, thi công thuận lợi và phù hợp. Bệnh nhân được sắp xếp ở các tầng. Sự thông gió ở đây rất phù hợp.

Mặc dù vậy, dự án này vẫn không thực hiện được do Tổng trú sứ Paul Bert qua đời vào ngày 11 tháng 11 năm 1886.

Dự án năm 1887

Ngày 23 tháng 6 năm 1887, bác sĩ Nogier, bác sĩ Dujardin Baumetz và Tổng trú sứ mới Bihourd họp cùng một ủy ban mới để xem xét lựa chọn địa điểm bên bờ sông Hồng về phía Nam tại khu đất Đồn Thủy đang sử dụng. Đây là vị trí được coi là rất phù hợp trong mọi điều kiện. Ủy ban này đồng tình nhất trí với địa điểm nói trên tuy nhiên, giải pháp cuối cùng vẫn không được đưa ra.

Dự án năm 1888

Năm 1888, Tướng tổng tư lệnh Bégin tiếp nhận giải quyết vấn đề này. Ông này yêu cầu Chánh Sở Y tế và đại tá chỉ huy pháo binh cho ý kiến về việc lựa chọn địa điểm cho bệnh viện. Các ý kiến rất trái ngược nhau: Sở Y tế lựa chon vị trí bên bờ sông còn đại tá pháo binh lựa chọn Thành Hà Nội.

Cuối cùng, Tướng tổng tư lệnh đã lựa chọn ý kiến của đại tá pháo binh là chọn vị trí hiện thời của bệnh viện ở trong thành và yêu cầu nhanh chóng: “nghiên cứu xây dựng hệ thống cống ngầm để làm vệ sinh địa điểm hiện của bệnh viện và nghiên cứu xây dựng một bệnh viện 400 giường bệnh”.

Dự án này đước chuyển về Paris đầu năm 1888 để trình duyệt. Nhiều ý kiến trái chiều nhưng quyết định xây dựng bệnh viện vẫn được đưa ra.

Dự án năm 1889.

Dự án xây dựng bệnh viện 400 giường bệnh trong Thành Hà Nội được viên tư lệnh Boissié gửi sang Paris để trình duyệt. Sau khi xem xét, Quốc vụ khanh đã yêu cầu nghiên cứu xây dựng một bệnh viện 250 giường bệnh thay vì 400 giường (vì vấn đề ngân sách lạm phát) tại một vị trí trên bờ sông Hồng về phía Nam của khu nhượng địa. Quyết định xây dựng bệnh viện bên bờ sông Hồng được đưa ra nhưng vào thời điểm tháng 8 năm 1890, có một trận lụt lớn nên không xác định được vị trí xây dựng. Do đó, Toàn quyền Piquet nhận thấy khó khăn đã quyết định chuyển địa điểm xây dựng vào trong Thành.

Do có những ý kiến trái ngược về việc xây dựng bệnh viện và việc lựa chọn địa điểm, nên việc này phải đợi cho đến khi Toàn quyền De Lanessan đến Đông Dương mới được giải quyết.

Cổng chính do kiến trúc sư Sở Công thự lập năm 1935. Nguồn: TTLTQG1

Dự án năm 1891

Theo Sắc lệnh ngày 21 tháng 4 năm 1891 của Tổng thống Pháp, De Lanessan được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương[2]. Ngày 30 tháng 7 năm 1891, vị Toàn quyền mới có mặt tại Hà Nội. Ngay sau đó, tháng 9 năm 1891, Toàn quyền De Lanessan triệu tập một ủy ban họp và đã lựa chọn địa điểm xây dựng bệnh viện là bên bờ sông ở phía Nam khu Đồn Thủy.

Đội Pháo binh được mời đến để trình bày sơ thảo đồ án cùng với những yêu cầu chung và chi phí xây dựng. Sơ thảo đồ án này được thảo luận và thông qua tháng 12 năm 1891 và tiến hành nghiên cứu các bản vẽ tổng thể các tòa nhà ngày sau đó. Toàn quyền đã yêu cầu chuẩn bị giao kèo xây dựng với nhà thầu Guillaume. Giao kèo được ký kết ngày 8 tháng 2 năm 1892.

Về việc đắp nền: tổng diện tích bệnh viện gồm cả đường dẫn, ao và khu vực xung quanh lên đến 130.000 m². Do đó, cần phải đắp 260.000 m³ cho bệnh viện.

Để bảo vệ bệnh viện, người ta phải xây tường chắn cao 8,60 mét với chiều dài 500 mét.

Các công trình chính của bệnh viện gồm 4 tòa nhà trong đó 3 tòa nhà cao tầng dành cho bệnh nhân người Âu, một tòa một tầng dành cho bệnh nhân bản xứ. Mỗi tòa nhà đều có phòng rửa tay, nhà tiêu nối với nhà chính bằng một hành lang. Bốn tòa nhà có tổng chiều dài 81,20 m.

Các tòa dành cho nữ tu, kho đồ vải và nhà thờ đang xây dựng. Ảnh trên Le Vieux Tonkin, in năm 1941

Để tạo thuận lợi cho công việc, mỗi tòa nhà có một cầu thang ở ngoài và một ở giữa nhà. Hành lang rộng 3 mét tạo thuận lợi cho bệnh nhân đi lại.

Bệnh viện gồm có:

1. Khu dành cho người bản xứ

2. Phòng bào chế thuốc

3. Phòng cấp phát thuốc

4. Khu thủy liệu pháp

5. Khu bếp, khu phụ và phòng nhận thực phẩm

6. Kho hành chính

7. Kho quần áo, giường chiếu

8. Nhà thờ nhỏ

9. Phòng nhốt người điên

10. Phòng giặt đồ

11. Nhà vệ sinh của y tá, dược sĩ

12. Kho thuốc

13. Nhà khử trùng, bồn nước nóng

14. Kho bếp

15. Khu vệ sinh của bếp và nhà kho

16. Lán ô tô

17. Hội trường và nhà xác

18. Khu cách ly

Phối cảnh tổng thể Bệnh viện de Lanessan, tháng 4/1943. Nguồn TTLTQG1

Bệnh viện De Lanessan là bệnh viện lớn nhất Bắc Kì thời kì đó. Bệnh viện chuyên phục vụ quân đội Pháp từ cuối thế kỉ 19 cho đến trước tháng 7/1954. Sau này, cơ sở của Bệnh viện được dùng làm Bệnh viện trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Ngày nay, phần lớn các tòa nhà 2 tầng cũ đã không còn, thay vào đó là các tòa nhà cao tầng hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong thời kì mới.

Tư liệu tham khảo:
  • Tạp chí Indochine, 1943.
  • Annuaire de l’Indochine, 1893
  • Claude Bourrin, Le Vieux Tonkin 1890-1894. (Bản in năm 1941)
[1] Annuaire de l’Indochine, 1893
[2] GGI - 1407

Đỗ Hoàng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét