12 thg 4, 2022

Nâng tầm giá trị toàn cầu của di tích Óc Eo - Ba Thê

Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê tọa lạc tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây mà một minh chứng về sự tồn tại của nền văn minh Óc Eo và là một trong ba nền văn hóa cổ tiêu biểu của Việt Nam...

Chùa Linh Sơn được xây dựng trên nền móng của công trình kiến trúc trong văn hóa Óc Eo.

Quyết định quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đây được xem là một cơ hội, lợi thế để phát triển, nâng tầm giá trị của nền văn hóa cổ tồn tại cách đây hàng ngàn năm.

Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê tọa lạc tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây mà một minh chứng về sự tồn tại của nền văn minh Óc Eo. Một trong ba nền văn hóa cổ tiêu biểu của Việt Nam: Óc Eo – Đông Sơn – Sa Huỳnh. Di tích mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và khảo cổ của vùng đồng bằng sông Cửi Long.

Nơi đây còn là điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực đồng bằng sông Cửi Long. Sau nhiều lần khai quật, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, trung ương, địa phương và giới chuyên môn đã thu về hàng ngàn hiện vật, di vật có giá trị, phần nào “tái hiện” được sự tồn tại và phát triển của nền văn hóa Óc Eo thịnh vượng của hàng ngàn năm trước.

Một trong những di chỉ của nền văn hóa Óc Eo được khai quật ở Thoại Sơn, An Giang.

Ở Óc Eo đã phát hiện ra nhiều di chỉ khác nhau như di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc tôn giáo, di chỉ mộ táng... cùng rất nhiều hiện vật quý như tượng thờ, linh vật, phù điêu, con dấu, tiền tệ, di vật bằng vàng, đồ trang sức bằng đá quý, vật dụng bằng đá, đồ gốm, vật dụng bằng gỗ, cốt động vật, cốt thực vật...

Qua phân tích các mẫu vật, đã xác định được niên đại của di chỉ Óc Eo là cuối thế kỷ 2 đến thế kỷ 5. Các hiện vật khảo cổ đã nói lên tầm quan trọng của nền văn hóa Óc Eo ở Đông Nam Á. Những hiện vật đa dạng đã chứng minh rằng cư dân Óc Eo đã có chữ viết, tiền tệ, có hệ thống sản xuất với nhiều ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có thương nghiệp phát triển và đời sống tinh thần phong phú, có sức lan tỏa rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.

Qua đó, giúp chúng ta có cái nhìn mới hơn, tiếp cận gần hơn những luận chứng cụ thể về một nền văn minh rực rỡ- văn minh Phù Nam ở khu vực Đông Nam Á thời xa xưa. Từ đó, giúp chúng ta có những quy hoạch, bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu giá trị nền văn hóa này một cách bài bản và đồng bộ.

Khuôn đúc tượng Phật được khai quật ở Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang).

Giới khoa học nhận định đây là một di sản có giá trị mang tính toàn cầu. Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi báo cáo tóm tắt Hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Theo định hướng quy hoạch, xác định tổng diện tích quy hoạch là 433,2ha, gồm 2 khu A và B. Trong đó, khu A có diện tích 143,9ha tại khu vực sườn và chân núi Ba Thê, còn khu B có diện tích 289,3ha tại khu vực cánh đồng Óc Eo. Quy hoạch nhằm bảo tồn các điểm di tích, di vật đã phát lộ, nghiên cứu, khảo sát, mở rộng phạm vi khảo cổ để hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ và bổ sung, làm rõ các giá trị liên quan đến di tích.

Vàng, trang sức khá tinh xảo đã khai quật được.

Theo đó, tôn tạo và phát triển khu di tích này trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Thoại Sơn và An Giang. Đồng thời, kết nối các điểm quan trọng của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửi Long để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử - văn hóa, sinh thái sông nước, đồng quê, nông nghiệp và du lịch chuyên đề khảo cổ học văn hóa Óc Eo.

Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo di tích, gồm: Khu vực “Trung tâm tôn giáo Óc Eo”, diện tích 9,58ha, nhằm bảo tồn cụm di tích tiêu biểu Gò Sáu Thuận - Linh Sơn Tự - Linh Sơn Bắc - Linh Sơn Nam; khu vực bảo tồn “Trung tâm đô thị cổ Óc Eo”, diện tích 39,52ha, nhằm bảo tồn cụm di tích tiêu biểu Lung Lớn - Gò Cây Thị - Gò Óc Eo - Gò Giồng Trôm - Gò Giồng Cát.

Bên cạnh đó là quy hoạch các khu phát huy giá trị di tích tại khu vực IIA và IIB: Xây dựng bãi đỗ xe, nhà dịch vụ, bến thuyền du lịch, quảng trường, nhà lưu niệm, trụ sở Ban Quản lý di tích và các công trình phụ trợ. Bảo vệ cảnh quan và phát triển du lịch sinh thái Ba Thê, với việc tổ chức lập đề án khai thác phát triển du lịch sinh thái núi Ba Thê.

Tại đây sẽ phát triển các sản phẩm du lịch như: Trải nghiệm văn hóa bằng công nghệ hiện đại sinh thái sông nước; khám phá cảnh quan thiên nhiên, phát triển các tuyến du lịch tham quan nội khu và các tuyến kết nối với các điểm du lịch trong huyện, tỉnh và vùng Nam Bộ…

Tượng Phật được tìm thấy ở Óc Eo – Ba Thê đã được công nhận có niên đại lâu đời nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Óc Eo tỉnh An Giang cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh An Giang có 84 di tích thuộc văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê và lập danh mục. Trong đó, quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê gồm 25 di tích (01 cấp quốc gia, 03 cấp tỉnh), có vị trí hết sức quan trọng và cần được đặc biệt quan tâm gìn giữ.

Kể từ khi được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh An Giang đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, do khu di tích có quy mô lớn, phân bố lẫn trong khu dân cư và ngoài cánh đồng thấp trũng nên công tác bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan công trình chưa phù hợp. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn còn đối mặt với yếu tố biến đổi khí hậu, và sự thiếu gắn kết với cộng đồng.

“Ngoài tác động của xâm nhập mặn và thời tiết khắc nghiệt, nguồn nhân lực tại chỗ cũng là một khó khăn lớn cho công tác bảo tồn. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cần có cơ chế thuận lợi về đào tạo cán bộ; cũng như đảm bảo số lượng nhân sự phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích”, ông Giềng nói.

GS.TS. Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định: Óc Eo – Ba Thê chứa đựng sự giao thoa văn hóa khu vực và sự phát triển độc đáo về kiến trúc. Đây là bằng chứng độc nhất, minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn minh cổ đại, có tầm ảnh hưởng với nhiều quốc gia trên thế giới. Di tích hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí quan trọng của một di sản thế giới mà UNESCO đưa ra.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, thì nguồn lực đầu tư từ xã hội là động lực rất quan trọng. Do đó, tỉnh An Giang cũng kêu gọi các doanh nghiệp dành sự quan tâm đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn hóa Óc Eo nói riêng. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho toàn khu vực.

Đồng bằng sông Cửu Long hình thành và phát triển trên nền cũ của văn hóa cổ Vương quốc Phù Nam từ TK I – TK VII. Theo đó, ở nhiều nơi trong khu vực đã tìm thấy vết tích của văn hóa Phù Nam như: di chỉ Gò Tháp (Đồng Tháp), di chỉ Gò Thành (Tiền Giang), di chỉ Bình Tả (Long An)…trong đó đặc sắc nhất phải kể đến Óc Eo – Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nơi này có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam.

Dấu tích của vương quốc Phù Nam được phát hiện và khai quật ở nhiều nơi như: An Giang (Óc Eo - Ba Thê), Kiên Giang (Đá Nổi, Nền Chùa, Tân Long), Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười), vùng ven biển Tây Nam (U Minh, Năm Căn) kéo đến vùng rừng Sác duyên hải (Cần Giờ, Giồng Am...) và vươn ra tận Biển Đông (khu vực từ cửa sông Tiền đến Cà Mau). Ngoài ra, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích, di vật thuộc văn hóa Óc Eo ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, một phần Long An, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh.

Đinh Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét