5 thg 4, 2022

Chuyện kể ở miếu Linh Sơn

Ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc, nơi cư dân tụ hội từ lâu đời có rất nhiều đền, miếu. Đặc biệt, tại thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) có miếu Linh Sơn, thể hiện văn hóa tín ngưỡng vô cùng phong phú và độc đáo.

Xã Nghĩa Hà thuộc vùng hạ lưu sông Trà Khúc, nơi đây có nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa, điển hình như phế thành Xuân Quang và nhà thờ Quang chiếu vương Mai Quý thời kỳ đầu chúa Nguyễn, đình làng Hổ Tiếu với nhiều dấu vết cổ xưa. Từ trung tâm TP.Quảng Ngãi xuôi về hướng đông tới xã Nghĩa Phú, men theo con đường hữu ngạn sông Trà Khúc, đoạn qua xã Nghĩa Hà, nhìn về phía tay trái sẽ thấy những tảng đá to giữa xóm làng thuộc thôn Thanh Khiết, đó là núi Giàng, hay núi Đá Đen. Từ đường chính rẽ qua lối nhỏ, chỉ vài chục mét, ta mới nhận ra đó là một gò đồi thấp, nằm ngay trên bờ sông Trà Khúc và những tảng đá to. Chiếc cổng khối trụ vuông, trên có vòm ghi 3 chữ Hán, dịch nghĩa là "Linh Sơn miếu". Ngay bên cạnh một tảng đá lớn có ngôi miếu nhỏ.

Miếu Linh Sơn và tảng đá Chim. Ảnh: Cao Chư

Theo lời kể của người dân địa phương, ngôi miếu được xây dựng lại trên nền tảng ngôi miếu có từ xa xưa đã đổ nát trong chiến tranh. Miếu có tiết diện hình chữ nhật với ba gian cửa phía trước, mặt diện nhìn ra phía bắc (sông Trà Khúc), trên đầu mái và trên nóc có trang trí hình lưỡng long chầu nhật, trước sân có bình phong, hai trụ biểu với hình lân. Tại bình phong có khắc phù điêu hổ. Hai trụ biểu có đôi câu đối chữ Hán.

Tại hai cột hiên trước miếu cũng có câu đối chữ Hán. Nội thất miếu có khám thờ bằng ximăng trên ghi ba chữ Hán “Dương Xướng Từ”, đằng trước có các tượng thờ Quan Thánh Đế Quân, Quảng Bình Thái Tử, Châu Xương Tướng Quân, bên trong thờ ông Dương Yết, tương truyền là một vị tướng sa cơ bị giặc bắt chém, có thể là người cùng thời với Quang Chiếu vương Mai Quý hồi thế kỷ XVII. Miếu thờ một tảng đá đen giống như thân người, được quấn vải đỏ. Người ta coi đó như cốt của ông Dương Yết. Không rõ lối thờ phụng này có liên quan đến tục thờ đá hay không. Đình làng Thanh Khiết tế xuân vào ngày 16 tháng Giêng có tế ông Dương Yết, và ở miếu Linh Sơn cũng đồng thời tế ông. Tại ngôi miếu bên bờ sông Trà Khúc này, cây cối rợp bóng mát, lặng lẽ và thâm nghiêm.

Bên ngoài, ngay bên cạnh miếu là hòn đá tảng cao, gọi là đá Chim. Người dân địa phương kể rằng, tảng đá hình tròn nhưng trên đỉnh tảng đá lõm xuống, nước mưa đọng lại và chim thường đậu trên đó để uống nước, từ ấy mới có tên đá thú vị như vậy. Bên cạnh tảng đá Chim có đá Chồn vì có nhiều chồn ẩn náu, có đá Ghe như hình chiếc thuyền... Xưa kia, bên hòn đá Chim có cây gáo mọc cao, đá và cây gáo thi nhau mọc lên, trời bèn đánh cho đá chìm xuống bớt, thế nên trên đỉnh tảng đá mới lõm xuống. Bước lên một tảng đá đối diện với miếu nhưng hơi chếch về hướng đông, chúng tôi bất ngờ vì ngay dưới chân mình là vực sông Trà Khúc sâu, nhìn qua sông thấy quang cảnh một vùng rộng lớn. Giữa một vùng đồng bằng phẳng lì lại "mọc lên" gò đồi với những tảng đá như vậy thực là một sự kỳ bí của tự nhiên.

Miếu Linh Sơn thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, miếu vẫn được người dân địa phương gìn giữ và thờ tự với lòng thành kính. Tín ngưỡng thờ tự cùng với những câu chuyện truyền miệng từ xa xưa, lại tọa lạc ở vị trí hiếm có, không gian yên tĩnh... tạo nên nét độc đáo riêng có ở miếu Linh Sơn. Năm 1993, UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ di tích "Thắng cảnh núi Giàng và miếu thờ công thần" đối với miếu Linh Sơn và núi Giàng. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục nghiên cúu, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với miếu Linh Sơn và núi Giàng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

CAO CHƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét