11 thg 4, 2022

Rạp Quảng Lạc xưa

Với tên gọi Quảng Lạc - Niềm vui rộng khắp, rạp là một trong những sân khấu yêu thích của người dân thủ đô những năm đầu thế kỷ 20.

Rạp Quảng Lạc thành lập năm 1916[1], chiều rộng khoảng 15 mét, chiều dài khoảng 29 mét[2]. Rạp tọa lạc tại số 8, Rue Géraud (nay là phố Tạ Hiện), Hà Nội.

Phố Tạ Hiện năm 1952 (nguồn humazur.univ-cotedazur.fr)

Tuần báo kinh tế Đông Dương, số ra ngày 01 tháng 01 năm 1943 cho biết rạp thuộc sở hữu của Công ty Khai thác sân khấu An Nam Quảng Lạc, thường gọi là Hội Quảng Lạc, do ông Nguyễn Văn Long[3] làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công ty có số vốn điều lệ 15.000 đồng Đông Dương, chia làm 300 cổ phần. Đại hội cổ đông họp vào tháng 12 hàng năm, với phương án phân chia lợi nhuận như sau: 10% vào quỹ dự trữ, 2% cho chủ tịch, 3% cho giám đốc khai thác, 15% cho Hội đồng quản trị, 60% chia cổ phần, 10% cho những người sáng lập.

Không rõ kiến trúc rạp Quảng Lạc, chỉ biết rạp gồm 2 tầng[4]. Tuy nhiên, theo Wladimir Krivoutz, hầu hết rạp hát An Nam đều xây cùng một kiểu: một khán phòng lớn, đồ đạc gồm nhiều bàn tròn và ghế đẩu nhỏ; cuối phòng là sân khấu nhô cao hơn một chút, trên tường khán phòng và sân khấu treo nhiều dải lụa thêu chữ vàng. Dàn nhạc thường có 5 hoặc 7 nhạc công, ngồi cuối sân khấu hoặc sau các bức bình phong[5].

Theo mô tả của Michel My trong cuốn Le Tonkin pittoresque xuất bản năm 1925, rạp có một tấm rèm vẽ hình hồ Hoàn Kiếm ngăn cách sân khấu và khán phòng. Dàn nhạc ngồi ở những góc khuất, gồm các nhạc cụ kích thước thu nhỏ, tạo nhạc đệm cho diễn viên nhưng không khiến người xem khó chịu. Đạo cụ cũng rất độc đáo: bìa các-tông tô màu làm dòng sông, tia điện và tấm tôn tạo hiệu ứng sét, ảo thuật kèm theo động tác của các diễn viên.

Đầu thập niên 1920, rạp Quảng Lạc chuyên diễn tuồng hay hát bội. Cũng theo Michel My, rạp khá đông người xem, khi tác giả cùng bạn đến rạp vào lúc 9h tối, vở diễn đã bắt đầu được một lúc nhưng khán giả vẫn chen chúc ngoài cửa để giành những tấm vé cuối cùng. Hôm đó, rạp diễn vở “Tam Quốc”, một trong những vở tuồng được rất nhiều công chúng yêu thích.

Trang phục biểu diễn của đào kép hát bội (nguồn Wladimir Krivoutz)

Tuy nhiên, người xem tuồng thưa vắng dần, tuồng cổ ở rạp Quảng Lạc bắt đầu nhường chỗ cho cải lương Nam bộ vào cuối những năm 1920[6]. Thời điểm này nhiều rạp hát mới được thành lập ở Hà Nội dẫn đến việc tranh chấp về nhân sự. Năm 1929, xảy ra vụ bà Nguyễn Thị Hòa, chủ rạp Phúc Thắng mới mở kiện một số đào kép rạp Quảng Lạc do những người này đã ký hợp đồng với bà Hòa nhưng vẫn ở lại rạp Quảng Lạc làm việc. Tin tức được đăng trên Hà thành ngọ báo số ra ngày 15 tháng 3 cùng năm.

Quảng cáo các vở diễn tại rạp Quảng Lạc (nguồn: TTLTQGI)

Không chỉ diễn kịch trên sân khấu truyền thống, các đào kép hát bội và cải lương của hội Quảng Lạc còn tham gia vào môn nghệ thuật thứ 7. Khi Hãng Phim và Chiếu bóng Đông Dương thực hiện bộ phim câm Kim Vân Kiều, diễn viên trong phim hầu hết là người của hội, trong đó cô Liên đóng vai Thúy Kiều[7].

Xung quanh rạp Quảng Lạc thời bấy giờ là những hàng ăn uống, giải khát của người Hoa, phục vụ khách xem hát hoặc đi chơi đêm với bia, nước chanh, cà phê, chè ấm, cháo, phở, vằn thắn…[8] Những năm 1930, rạp nhiều lần bị chính quyền thành phố Hà Nội nhắc nhở do vi phạm một số quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Chẳng hạn, tại nghị định ngày 23 tháng 5 năm 1930, thành phố yêu cầu rạp Quảng Lạc trong vòng 1 tháng phải hoàn thành những cải tạo sau: bỏ một ghế ở mỗi hàng để mở rộng lối đi ở giữa; cải tạo cửa ra để cánh cửa mở vào trong rạp; phá bỏ các thềm cửa và bậc thang, đổi thành lối dốc; trổ thêm cửa ở khu khán đài hạng 1; lắp thêm đèn trên sân khấu và hành lang, thêm quạt và bình cứu hỏa[9]. Đây cũng là thời điểm rạp Quảng Lạc gặp nhiều khó khăn do công tác kiểm duyệt và việc cấm quảng cáo dưới nhiều hình thức của Hội đồng thành phố. Năm 1934, chủ rạp Quảng Lạc phải đệ đơn lên chính quyền xin được quảng cáo bằng kèn trống trong khu phố cổ để thu hút khán giả đến rạp, nếu không rất nhiều đào kép của rạp có nguy cơ thất nghiệp dài hạn[10].

Những năm đầu thập niên 1940 là thời điểm phong trào truyền bá quốc ngữ diễn ra rầm rộ ở Hà Nội. Theo nhà văn Tô Hoài, ông đã cùng nhiều hội viên trong đó có nhà văn Vũ Trọng Can tổ chức diễn kịch để vận động quần chúng khu vực Cầu Giấy học chữ quốc ngữ và mời cô Mỹ Ảnh là đào tuồng rạp Quảng Lạc diễn vai nữ trong các vở Tấm lòng vàng của Nguyễn Công Hoan và Cái tủ chè của Vũ Trọng Can[11].

Khu vực rạp Quảng Lạc hiện nay được giao cho Nhà hát kịch Hà Nội quản lý. Tại đây, từ năm 2020, Nhà hát Kịch Hà Nội đã mở sân khấu kịch Quảng Lạc để các nghệ sĩ của Nhà hát biểu diễn nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật kịch nói đến đông đảo khán giả trong và ngoài nước[12].
____

[1] MHN3010. Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, rạp Quảng Lạc xây năm 1900. Tuy nhiên, tài liệu lưu trữ cho biết rạp thành lập năm 1916.
[2] Nguyễn Ngọc Tiến, Đi ngang Hà Nội, tr.272.
[3] Ông Nguyễn Văn Long cũng là chủ sở hữu rạp hát Sán Nhiên Đài ở phố Đào Duy Từ. Tài liệu lưu trữ cho biết trong những năm 1930, chủ sở hữu rạp Quảng Lạc là ông Nguyễn Huy Hợi.
[4] Nguyễn Văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, tr.509
[5] Wladimir Krivoutz, Le Théâatre annamite, L’œuvre, số ra tháng 11/1923
[6] Hạo Nhiên Nghiêm Toản, Việt Nam Văn học sử: Trích yếu, tr.144
[7] Điễn tín, số 1529, 11 tháng 3 năm 1940
[8] Nguyễn Văn Uẩn, sđd.
[9] Bulletin municipal de Hanoi, 1930
[10] MHN3010. Tài liệu trong hồ sơ cũng cho biết các hoạt động của rạp đều bị kiểm soát gắt gao. Sở Mật thám đã nhiều lần cho người đến rạp xem và báo cáo về nội dung các vở diễn.
[11] Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội, tr.110
[12] sovhtt.hanoi.gov.vn

Bùi Hệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét