24 thg 4, 2022

Thốt nốt mùa “kết mật”

Những tháng mùa nắng, khi vạn vật co cụm dưới cái nóng như thiêu đốt của đất trời thì cây thốt nốt lại bước vào mùa “kết mật”. Đó là thời điểm những dòng nước ngọt kết tinh từ cái nắng, cái gió của miệt Thất Sơn rỉ ra từ bông cây thốt nốt và được người dân mang về chế biến thành đặc sản nổi danh.

Đường thốt nốt ở vùng Bảy Núi luôn có vị thơm ngon đặc trưng

Mùa lấy “mật”

Đã mấy tháng nay, anh Nguyễn Văn Hải (người dân xã An Phú, huyện 
Tịnh Biên) phải bật dậy khi gà chưa gáy sáng để đi leo thốt nốt. Anh Hải cho biết, thốt nốt có thể cho nước quanh năm nhưng phẩm chất tốt nhất là vào mùa nắng. Do đó, người dân Bảy Núi luôn cố gắng nấu thật nhiều đường thốt nốt, vì họ chỉ thu được nguồn lợi kinh tế khá từ loại cây đặc sản này mỗi năm 6 tháng.

“Mỗi ngày, tui leo đến 70-80 cây thốt nốt nên phải thức dậy giở cơm mang đi từ khi gà chưa gáy sáng, khi trở về thì trời đã tối. Biết là cực nhọc, nhưng do cuộc sống khó khăn nên tui không ngại khó, ngại khổ. Nhờ đồng vô cũng đỡ nên gia đình tui sống với cây thốt nốt từ trước tới giờ. Nó đã không phụ mình nên mình phải ráng làm để trang trải cuộc sống! Nếu không nhờ cây thốt nốt, tui cũng chẳng biết làm gì để có nguồn thu ổn định nuôi sống gia đình qua mấy tháng mùa khô” - anh Hải cho hay.

Những tháng mùa nắng, thốt nốt cho nước khá, nên mỗi cây có thể thu được 4-5 lít/ngày, vì vậy, anh Hải cố gắng kiếm được nhiều nhất có thể. Lượng nước thu được, anh bán cho những người kinh doanh nước giải khát với giá 5.000 đồng/lít, số còn lại nấu đường.

Với số đường nấu được, gia đình anh cân lại cho các mối thu mua, kiếm được từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Bởi leo thốt nốt là “lấy công làm lời” nên anh Hải không quản ngại cực khổ, chỉ mong cải thiện được nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình. Vì kiếm sống được nên anh Hải vẫn lạc quan, dù công việc “lấy mật” của cây thốt nốt khá vất vả, đôi khi là nguy hiểm nhưng vẫn cứ chấp nhận như một lẽ tự nhiên.

Trong những tháng mùa khô, người nông dân ở Bảy Núi dường như chỉ tập trung vào cây thốt nốt. Nhiều người đã sinh ra, chơi đùa và lớn lên dưới tán của những hàng thốt nốt già nua. Bởi thế, ngoài việc mưu sinh, anh Hải và người dân khác ở vùng đất này vẫn luôn yêu quý loài cây đã mang đến cho họ những giọt “mật”, để nuôi dưỡng cuộc sống qua nhiều thế hệ.

Nấu “mật” cho đời

Thời điểm này, len lỏi trong các phum, sóc vẫn thấy những lò nấu đường còn đỏ lửa. Đó là nơi người ta biến thứ “mật” tươi từ bông của cây thốt nốt thành loại đường thơm ngon, được du khách gần xa ưa chuộng. Chị Neáng Nha (người dân xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) miệt mài với công việc của mình từ mấy tháng nay để cho ra những mẻ đường nguyên chất, thơm ngon.

“Đường mang về phải tranh thủ nấu liền, để lâu sợ bị chua. Mấy tháng nắng, nước thốt nốt ngọt lắm nên nấu được nhiều đường, chừng 5-6 lít sẽ cho ra 1kg đường. Mưa xuống, cây thốt nốt vẫn có nước nhưng mình phải nấu gần 10 lít nước mới được 1kg đường nguyên chất. Hổm nay mưa sớm, lượng đường nấu được ít lắm, mỗi ngày chưa tới 20kg. Cứ 2-3 ngày tui gom đường đem ra bán cho mấy mối thu mua với giá 17.000-18.000 đồng/kg. Tới mưa nhiều, giá đường sẽ nhích lên đôi chút” - chị Neáng Nha thiệt tình.

Vào mùa nấu đường của người dân, nếu có dịp đi ngang những nẻo quê Bảy Núi, rất dễ ngửi được hương thơm ngạt ngào của loại “mật” thốt nốt được kết tinh qua lửa đỏ. Người sành thưởng thức sẽ chỉ yêu thích loại đường thốt nốt được chế biến từ vùng đất này. Nếu có dịp, du khách có thể mua để làm quà tặng cho người thân, bởi đường thốt nốt được sản sinh từ đất, từ nắng của vùng Bảy Núi luôn ẩn chứa hương vị rất riêng.

Đã có nhiều năm kinh doanh đường thốt nốt phục vụ du khách, chị Mỹ Lan (người dân xã An Phú, huyện Tịnh Biên) tự tin khẳng định, chỉ có các huyện miền núi như Tịnh Biên, Tri Tôn mới cho ra loại đường thốt nốt nguyên chất, thơm ngon. “Đường thốt nốt ở vùng này sẽ có màu không quá trắng, với đường cục (đường tán) thì khá mềm, dùng tay bóp mạnh sẽ hõm vào hoặc có khi vỡ ra. Tùy vào cơ sở sản xuất, nhưng tui thấy chất lượng các lò ở đây ngang nhau, đường nấu ra thơm ngon được cô bác gần xa yêu thích. Có người đi hành hương mỗi năm đều ghé lại gian hàng của tui mùa vài chục ký” - chị Mỹ Lan khẳng định.

Được chị Lan mời dùng thử một miếng đường thốt nốt, tôi dần nhận ra điều khác biệt của loại đặc sản từ vùng đất này. Miếng đường thơm ngon đặc trưng, chỉ ngậm thôi cũng sẽ tan dần trong miệng, chứ không “cắn cốp cốp” nhưng các loại đường được sản xuất ở nơi khác.

Năm nay mưa sớm, có thể mùa nấu đường của người dân Bảy Núi cũng sẽ kết thúc nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, họ vẫn luôn gắn bó với loại cây đặc sản này để chờ đến tháng nắng năm sau, khi những hàng thốt nốt cứ kiên gan chống chọi với cái nóng của đất trời để dâng cho đời thêm mùa “mật ngọt”.

MINH QUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét