23 thg 6, 2020

Huyền thoại đồi Bà Nài

Vừa bước chân tới khu di tích văn hóa trên đồi Bà Nài (phường Phú Hài, Phan Thiết-Bình Thuận), tôi đã bị cuốn hút bởi giai điệu dân ca Chăm buồn và dịu dàng. Lời bài hát "Ai kia đang ở phía xa" như gieo vào lòng người nỗi trống vắng mộng mị. Giọng hát của Chế Tuấn trầm ấm vang lên: "Chim về rừng chim chắp cánh bay. Chứ anh một mình mà anh nhớ thương em. Chứ em một mình mà em nhớ thương ai...".

Chuyện tình nàng Pô Sah Inư


Người dẫn tôi lên đồi là nhà thơ La Văn Tuân (HVN Bình Thuận). Chúng tôi dừng chân bên khu đền tháp Chăm ở độ cao chừng 80 mét. Tháp chính mang tên nàng công chúa Pô Sah Inư và hai tháp nhỏ. Nhà thơ nói đây là một trong những tháp Chăm còn giữ được khá nguyên bản với sắc gạch đỏ au.

Khu đền tháp thờ thần Silva đã từng bị tàn phá do chiến tranh và sự khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên đã trải qua hơn 800 năm. Công chúa Pô Sah Inư gắn bó với dân Phú Hài này từ hàng trăm năm qua. Nàng xinh đẹp và dịu dàng nức tiếng khắp vùng. Pô Sah Inư được lãnh chúa trẻ vùng Chăm kế bên yêu say đắm. Trớ trêu thay chàng lại theo đạo Hồi, còn nàng theo dòng Bà la môn. Tình yêu của hai người đã vượt khỏi những ràng buộc khe khắt giữa hai dòng đạo. Bởi theo quy định hai người không được lấy nhau.

Tình yêu của chàng lãnh chúa đã phá bỏ luật lệ. Họ làm lễ thành hôn và sống hạnh phúc bên nhau. Dân hai vùng đạo đều vui mừng và chúc phúc cho họ. Nhưng rồi đột nhiên chàng lãnh chúa phải về Ấn Độ lãnh chỉ giáo từ bề trên. Hai người tạm xa nhau và hẹn ngày trở lại. Pô Sah Inư sống trong nỗi thắc thỏm lo âu. Người em trai lãnh chúa chớp cơ hội tìm cách chia rẽ tình yêu của hai người. 

Nhà thơ La Văn Tuân (bên phải) với tác giả.

Thời gian đã trôi qua. Khi lãnh chúa trở về , Pô Sah Inư không được báo tin ra đón. Lãnh chúa đã bị người em trai xúc xiểm nói xấu chị dâu. Chàng đau khổ buôn bã rời bỏ tình yêu của Pô Sah Inư đi về phương Nam. Ở xứ sở mới, chàng đã bị người đẹp khác chinh phục và tỏ lòng thương yêu. Đó là một cô gái dân tộc Raglây.

Khi biết chuyện bị chia rẽ hạnh phúc Pô Sah Inư quyết chí đi tìm chồng để bày tỏ nỗi lòng. Nàng mong chàng quay lại với gia đình của mình. Nhưng tình yêu của chàng không còn nữa. Chàng đã thuộc về người khác. Pô Sah Inư đau khổ trở về quê hương. Nàng chỉ còn biết xóa tan nỗi đau khổ bằng cách tìm niềm vui ở công việc và lao động bên làng biển dưới dẫy núi Phú Hài. Pô Sah Inư đã dậy nghề thêu dệt thổ cẩm và cách trồng cấy lúa nước cho bà con quanh vùng. Nàng hướng dẫn cả nghề chài lưới và đánh bắt cá cho đồng bào Chăm thân thiết của mình. Hằng đêm nàng còn dạy ca múa cho con trẻ. Người dân quanh vùng đã coi Pô Sah Inư là thần tiên Apsara với những điệu múa uyển chuyển đầy bí ẩn.

Lúc này đến bên tôi nhà thơ La Văn Tuân đọc những câu thơ Chăm được ghi lại bên tháp rằng: "Nỗi nhớ lóe lên như tia chớp/ Thắp lên ngọn buồn cháy buốt đêm đen/ Khóe mắt em ngơ ngác màn sương lạnh/ Bước giang hồ nhỏ lệ bên thềm…". Nắng bừng trên đồi tháp. Cụm lá bàng xanh biếc trên cao. Ngắm bức tượng nàng Apsara bên tháp cổ, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Inrasa người Chăm đã viết: "Tôi khẽ chạm vào em/ Tôi vỗ mạnh vào em/ Em vỡ tiếng nói/ Em cất tiếng hát/ Khi tôi đánh thức em/ Đường nét và hình khối, dáng đứng với điệu cười. Apsara. Ap sa ra" (Apsara).

Người anh hùng đánh đồn Phú Hài

Đã từ lâu đồi Bà Nài làng Phú Hài là thắng cảnh đẹp bên bờ biển với chiều cao hơn 100 mét. Một thời đồi còn được mang tên lầu ông Hoàng bởi trên đỉnh đồi có một biệt thự được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 500 mét vuông. Đây là nhà nghỉ dưỡng của một công tước người Pháp vào năm 1910. Nhưng do chiến tranh tàn phá, ngôi nhà đã bị đổ nát chỉ còn nền móng (khá gần khu đền tháp Pô Sah Inư). Những đồn bốt của giặc Pháp đã được xây trên nền lầu ông Hoàng cũ.

Ở vị trí cao giặc Pháp có thể quan sát và khống chế đường biển và đường bộ vào thành phố Phan Thiết. Chúng đã tàn sát và khống chế đồng bào Chăm và ngăn chặn những cuộc kháng chiến của quân dân Bình Thuận. Khu vực quân sự cùng hệ thống lô cốt trên đồi được mang tên là "Đồn Phú Hài". Đây là hệ thống quân sự giặc Pháp kiên cố mà quân và dân ta có kế hoạch cần phải chiếm lĩnh từ lâu.

Thời cơ đã đến vào tháng 6 năm 1947. Nhiệm vụ đánh đồn Phú Hài được trao cho Đại đội trưởng Nguyễn Minh Châu (Bí danh Năm Ngà) chỉ huy tác chiến. Đây được coi là sự kiện đầu tiên của quân và dân miền Nam đánh trực tiếp chiếm lĩnh đồn giặc Pháp. Trận đánh có ý nghĩa khởi đầu cho việc làm thay đổi tình hình quân sự của tỉnh Bình Thuận.

Trước đó Đại đội trưởng Nguyễn Minh Châu đã trinh sát cùng đồng đội để tìm ra quy luật hoạt động giữa đồn Phú Hải với đồn chỉ huy của Pháp nằm cách đó chừng 6 cây số. Sau mấy ngày đêm trinh sát, đại đội trưởng Nguyễn Minh Châu đã nảy ra một cách đánh thật táo bạo. Anh đã dùng chính những hàng binh Pháp tham gia tấn công đồn Phú Hài.

Đại đội trưởng đã cho các chiến sĩ bao vây và tiếp cận từ dưới chân đồi Phú Hài. Anh đã cùng với nhóm chiến sĩ tiến hành đóng giả cuộc giao ban thường ngày của giặc Pháp. Trong đó có bốn hàng binh Pháp đóng vai các sĩ quan của chỉ huy sở. Mọi người bình tĩnh đi lên đồn Phú Hài một cách bất ngờ trước khi đội quân giao ban chính thức của Pháp xuất phát. Lính trên đồn không hề nghi vấn mà còn nghiêm chào như mọi ngày. Tên chỉ huy đồn còn đang ngái ngủ. 

Múa bên tháp Pô Sha Inư.

Hay tin đội giao ban dưới chỉ huy sở lên hắn vội vã chạy ra đứng nghiêm chào các sĩ quan Pháp đóng giả của ta. Bất ngờ một người nổ súng làm tên Đồn trưởng đổ gục. Đó cũng là hiệu lệnh cho các chiến sĩ phục kích tấn công chớp nhoáng lên đồn. Những tên lính Pháp còn lại hoảng loạn đồng loạt giơ tay hàng.

Đại đội trưởng Nguyễn Minh Châu đã cho lệnh bắt giữ tù binh Pháp và thu hồi vũ khí. Chỉ trong mươi phút quân đội ta đã chiếm lĩnh đồn Phú Hài và tạo nên thế trận đánh bật những toán lính Pháp đến tiếp ứng xuống chân đồi. Chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử đầu tiên của quân và dân Bình Thuận.

Nhà thơ La Văn Tuân cho tôi biết thêm về Đại đội trưởng chỉ huy trận đánh đồn Phú Hài ngày đó sau đã trở thành một vị tướng anh hùng quân đội. Đó là cố Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (1921-1999). Ông tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8-1945 và trưởng thành qua nhiều mặt trận. Đến năm 1974, ông được phong hàm Thiếu tướng và là tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Mặt trận giải phóng miền Nam. Ông được phong hàm Trung tướng (1981), rồi Thượng tướng (1986), giữ chức Tư lệnh quân khu 7 và còn là Trưởng đại diện Bộ quốc phòng tại phía Nam. Ông mất năm 1999 và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2010).

Người đánh trống

Làn gió biển quét bụi tung đám đất đỏ của những người đang làm gạch đắp vào chân tháp. Nắng nghiêng nghiêng soi bóng tháp Pô Sah Inư đổ xuống chân đồi. Tiếng kèn tiếng trống rộn ràng vọng lên làm xáo động không gian như đang chín ửng trên từng viên gạch hồng. Lại một bài hát buồn mang hồn Chăm ngân vang. Tiếng trống cứ thắc thỏm trong từng bước chân chúng tôi. Chàng trai hát bài "Tôi đi tìm em" mỗi lúc một hụt hẫng trong tiếng trống ghi năng.

Khi xuống tới chân đồi, chúng tôi gặp mấy nghệ nhân đang sửa trống. Họ vừa tập một tiết mục để chuẩn bị đón du khách vào tối nay. Tiếng trống được vỗ lên giữ nhịp cho dàn nhạc hòa tấu. Người nghệ nhân thả hồn trong bản nhạc tình ca. Bờ vai ông run run theo nhịp điệu mơ màng. Tiếng hát của chàng trai buồn tênh. Đó là nỗi niềm vấn vương đi tìm người yêu đã bỏ rơi chàng. Một bi kịch không khác gì câu chuyện của Pô Sah Inư. Tiếng trống nghẹn trong tay người nghệ sĩ như tiếng lòng thổn thức của nàng công chúa mong ước ngày chồng trở về. Nhưng mãi mãi vô vọng. Đó là một giấc mơ Chăm bất tử trên đồi Bà Nài đầy trăng.

Vương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét