29 thg 6, 2020

Tu viện Khánh An, ngôi chùa có phong cách kiến trúc Nhật

Ở An Phú Đông, có một công trình kiến trúc rất đẹp mang đậm nét Nhật Bản. Rất nhiều du khách tới đây để thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm. Hầu như lúc nào tới đây bạn cũng thấy có những bạn trẻ tạo kiểu dáng để chụp ảnh (kể cả người già như tui... cũng vậy). Ấy, nhưng nơi này không phải công viên, chốn nghỉ mát... mà nó là một ngôi chùa, mang tên Tu viện Khánh An. Ngoài ra đây còn là một Di tích Lịch sử cấp thành phố (bạn lưu ý nghen, Di tích Lịch sử chớ không phải Di tích Kiến trúc Nghệ thuật!).


Tu viện Khánh An nằm hơi xa trung tâm thành phố, nhưng dễ tìm vì kiến trúc bề thế và khuôn viên rộng lớn, tọa lạc ở góc đường Võ thị Thừa và An Phú Đông 27 thuộc địa bàn phường An Phú Đông, quận 12.

Như đã nói, kiến trúc ở đây rất đẹp và đậm nét Nhật Bản, từng chi tiết đều được chăm chút cẩn thận tạo ấn tượng mạnh. Chùa Việt Nam thường có màu chủ đạo là đỏ và vàng, nhưng chùa Khánh An có màu chủ đạo là nâu đen và trắng xám. Điều đó khiến nhiều người quên rằng mình đang viếng chùa và tưởng rằng đang đi du lịch ở cố đô Kyoto bên Nhật Bản. Thôi thì cũng không sao, đã tới nơi có cảnh đẹp thì chụp hình đi nhé.

Ngôi Chánh điện của Tu viện Khánh An

Trong khuôn viên tu viện


Lối đi trong tu viện

Các khu vực trong tu viện được đặt tên như: Lầu ngắm Phật, Phật đường Tỉnh thức (Chánh điện), Pháp đường Chánh niệm, Vườn Quán Âm, Thất Vô sự, Hồ Cánh sen,...





Ngắm cảnh như vậy cũng tạm đủ rồi, giờ nói qua một chút về lai lịch ngôi chùa. Thuở ban đầu, nơi đây là một ngôi chùa nhỏ do tổ sư Trí Hiền (thế danh Lê văn Phận, thường gọi là thầy Năm Phận) khai sơn năm 1905. Người dân gọi đây là chùa Thầy Năm Phận hay chùa Thầy Phận

Trong thời kỳ chiến tranh, ngôi chùa bị giặc Pháp đốt phá nhiều lần và chỉ được dựng lại tạm. Mãi đến năm 2006, chùa được trùng tu lớn, gần như xây dựng mới và hoàn thiện như hiện tại vào năm 2016, đổi tên thành tu viện Khánh An. Như vậy, mặc dù được khai sơn năm 1905 nhưng kiến trúc hiện nay không có gì của ngôi chùa ban đầu cả.






Giờ nói qua một chút về lý do Tu viện Khánh An được công nhận Di tích Lịch sử cấp Thành phố. Chùa Khánh An là Cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Thành phố theo Quyết định Số 3269/QĐ-UBND ngày 27/7/2007. Nội dung sau được viết lại dựa theo trangsuvang.com:

Nơi là chùa Khánh An bây giờ xưa là một cơ sở gọi là Đồn quan Ta. Đồn quan Ta có mặt ở vùng An Phú Đông từ thời cách mạng Văn thân, tổ chức đánh Tây của những chí sĩ, văn thân yêu nước. Trong số này có cả những chí sĩ thuộc tổ chức Thiên địa hội mà thầy Năm Phận (tức Lê Văn Phận) là một trong những nhà lãnh đạo. Nhân dân trong vùng gọi đại bản doanh này là “đồn quan Ta” để đối lại với “đồn quan Tây'' hồi đó.

Một số hoạt động đánh Tây xuất phát từ đồn quan Ta tạo được uy tín trong lòng dân những ngày đầu như: vận động nhân dân gánh trái mù u đổ dài trên các đường lớn để quan binh Pháp không cưỡi ngựa vào được; đào đất sét, lấy rơm rạ trải theo các đường lớn bằng cách cứ một lớp rơm trải một lớp đất sét để chống xe tăng giặc chạy qua đây. Pháp vào đường bộ không được nên đậu tàu ngoài sông Sài Gòn bắn trái phá vào đồn. “Đồn quan Ta” bị bắn hạ.

Năm 1927, tổ chức Thiên địa hội tan rã, nơi này trở thành trụ sở Đảng ở Nam bộ. Từ năm 1930, là cái nôi của các phong trào cách mạng của tỉnh Gia Định - Sài Gòn ở vùng An Phú Đông. Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng An Phú Đông, thành lập vào năm 1939, tổ chức lễ ra mắt ngay tại đây.

Cuộc họp của tổ chức Đảng phổ biến kế hoạch cướp chính quyền trong ngày Nam kỳ Khởi nghĩa (1940), xứ ủy hội quyết định xây dựng một ngôi chùa ngay trên nền đất đồn, bên ngoài thì đối phó với giặc Pháp, bên trong thì tổ chức hoạt động bí mật. Ông thầy Năm Phận - lãnh đạo tổ chức Thiên địa hội, sau này là Đảng viên Đảng cộng sản được đề nghị làm trụ trì chùa. Tên chữ của chùa, do thầy Năm Phận đặt, là chùa Khánh An, nhưng dân gian thường gọi tên chùa theo tên của sư trụ trì. Và chùa “thầy Năm Phận”có từ đó. 
(Theo thông tin này thì ngôi chùa được xây khoảng trước 1940 - năm xảy ra Nam kỳ Khởi nghĩa - chứ không phải 1905 như tất cả các nguồn khác nêu, không biết ai đúng!)

Thầy trụ trì Năm Phận bị giặc Pháp bắt tra tấn. Năm 1942, 4 tháng sau khi được thả ra, thầy qua đời vì hậu quả của những đòn tra tấn, thọ 55 tuổi.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét