27 thg 6, 2020

Thái miếu nhà Hậu Lê - Nơi lưu giữ nhiều kiến trúc cổ độc đáo

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, dù đã được tu sửa nhiều lần nhưng Thái miếu nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa vẫn lưu giữ những nét kiến trúc cổ độc đáo.



Thái miếu nhà Hậu Lê được thể hiện ở lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo - phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn, với các công trình: Nghinh môn, sân điện, Tiền điện và Hậu điện.


Thái miếu gồm 2 tòa: Tiền điện và Hậu điện được bố trí liền nhau theo lối trùng thềm (kiểu chữ Nhị) gồm 7 gian, mái được lợp ngói mũi hài, phía trên nóc được trang trí công phu với biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt”.


Theo những tài liệu ghi chép lại, để tri ân và tôn vinh công lao to lớn của vương triều Hậu Lê, năm 1805, vua Gia Long đã cho dời Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ (nay là phường Đông Vệ) để phụng thờ các vị Hoàng đế, Hoàng Thái Hậu thời Hậu Lê.


Dù trải qua hơn 200 năm lịch sử, nhưng Thái miếu nhà Lê còn lưu giữ được nhiều hiện vật quan trọng như: Nghê gỗ từ thế kỷ 17 được chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn và giá trị văn hoá của thời Hậu Lê.

Tại đây còn lưu giữ những con Nghê được làm bằng gỗ mít, chạm khắc rất tinh xảo, mang đậm chất nghệ thuật điêu khắc cổ. Nghê là biểu tượng của sức mạnh, hóa giải sát khí và mang lại tài lộc.

Những cây cột bằng gỗ lim được đặt trên các phiến đá vẫn vững chãi.

Xà, kẻ được liên kết với nhau bởi cột lim vững chắc.

Máng đá dài hàng chục mét hàng trăm năm tuổi nối Tiền điện và Hậu điện vẫn trường tồn cùng mãi với thời gian.

Tại gian giữa của Tiền Điện treo một bức hoành phi lớn có khắc 6 chữ: “Nam quốc sơn hà tự thử” (có nghĩa là nước Nam ta có từ đây), bên cạnh có hàng chữ nhỏ ghi năm dựng miếu 1805.

Nơi đây hiện đang lưu thờ 27 vị là Hoàng đế, Hoàng Thái Hậu cùng các vương công nhà Hậu Lê. Trong đó có 4 thánh vị cổ của các vua Lê Thái Tổ, Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông. Nơi đây còn thờ hai bậc khai quốc công thần là Nguyễn Trãi và Lê Lai.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.

Thu Hà – Hoài Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét