28 thg 6, 2020

Cần Thơ có bến Ninh Kiều

Khi nói đến thành phố Cần Thơ thường gắn với cái tên Ninh Kiều giống như hai cái tên Sài Gòn và Chợ Lớn vậy. Từ xa xưa bến cảng Ninh Kiều, nơi giao lưu buôn bán của Lục tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong dân gian đã có câu hò trên sông Hậu Giang rằng: "Cần Thơ có bến Ninh Kiều. Có dòng sông đẹp có nhiều giai nhân. Cuộc đời luống những phù vân. Trở về bến cũ cố nhân xa rời".
Khu vườn tình yêu
Thực ra quận Ninh Kiều chính là thành phố Cần Thơ cũ nay được mở rộng tới gần 3.000 ha (theo con số thống kê vào tháng 2-2020). Bến cảng Ninh Kiều nằm trên sông Cần Thơ một phụ lưu của sông Hậu Giang. Sau khi thành phố Cần Thơ được mở mang phát triển và trực thuộc Trung ương quản lý, đường Lê Lợi đổi thành Hai Bà Trưng, nhưng tên bến cảng vẫn giữ lại theo tên quận Ninh Kiều. Hiện nay bến Ninh Kiều trở thành bến tàu du lịch và công viên văn hóa rộng tới 7.000 
m2 chạy dọc sông Cần Thơ.

Đặc biệt vào năm 2009 thành phố Cần Thơ đặt bức tượng Bác Hồ mới ở trung tâm Công viên Ninh Kiều. Bức tượng bằng đồng cao 7,2 mét được đặt trên bệ đá cao hơn 3 mét. Đây là tác phẩm đầu tiên của miền Nam chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hơn nữa tượng được chế tác bằng đồng lại chính những nghệ nhân Thủ đô thực hiện và hiến tặng cho nhân dân Cần Thơ.

Điều đặc biệt vị trí dựng tượng Bác đã dược các nhà chuyên môn quan tâm nghiên cứu phong thủy từ năm 1976. Họ đã từng đặt tượng Bác bằng đá ở vị trí, ánh sáng mặt trời từ sáng đến chiều tối đều rọi sáng mặt Bác, tạo nên vầng hào quang linh thiêng trên sông Cần Thơ. Không gian bao quanh tượng Bác Hồ rộng 2.000 
m2 trở thành trung tâm hoạt động các lễ hội văn hóa của đoàn viên thanh niên và các tổ chức xã hội của thành phố Cần Thơ. 

Hoạt động vui chơi trong công viên Ninh Kiều.

Công viên Ninh Kiều còn được các bạn trẻ gọi với cái tên "Khu vườn tình yêu". Bởi lẽ người ta mới xây một cây cầu đi bộ vượt qua kênh Cái Khế ở ngã ba sông Cần Thơ và sông Hậu Giang. Cây cầu được thiết kế hiện đại với dàn đèn chuyển động bảy màu rất kỳ thú. Người dân Cần Thơ thường đi bộ qua cầu sang miệt vườn bên kia sông. Họ dạo chơi và tản bộ thư giãn.

Riêng các bạn trẻ thường dừng bên thành cầu ngắm sông Hậu mênh mang cùng những con tàu đi về mọi ngả. Họ coi đây là nơi hò hẹn và tâm tình. Những cặp đôi tình nhân đã dùng nhưng cái khóa đánh dấu tên mình rồi móc vào nhau lên thành cầu. Đó là lời thề nguyền sống và hạnh phúc với nhau đến trọn đời.

Những câu hò trên sông Hậu Giang luôn vang lên trong những chiều buông. Đó cũng là lời nhắn gửi yêu thương. Giọng hò của những chàng trai cô gái luôn vọng nỗi nhớ thương: "Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú/ Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu. Quản chi mưa nắng sớm chiều/ Lên voi xuống vịnh cũng chèo thăm em". Nhất là bài ca nổi tiếng "Qua bến Ninh Kiều" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên luôn ngân nga da diết trên cây cầu bên sông. Những lời ca về tình yêu ngọt ngào làm say đắm lòng người: "Đêm nay qua bến Ninh Kiều/ Nhớ về bóng dáng em yêu/ Lòng nghe xao xuyến bồi hồi/ Như dòng sông lấp lánh trăng sao".
Những chiếc khóa tình yêu cũng bắt đầu từ đây. Những mối tình được lấp đầy những câu hát dân ca của miền sông nước mà: "Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về".

Công viên mang tên người viết bài ca "Giải phóng miền Nam"
Bên cạnh công viên Ninh Kiều với cây cầu tình yêu thì quận Ninh Kiều còn có một công viên văn hóa lớn nhất thành phố Cần Thơ. Đó là "Công viên Lưu Hữu Phước" nằm trên đại lộ Hòa Bình rộng 2ha. Đồng thời đây cũng là một trong số hiếm hoi công viên lấy tên văn nghệ sĩ trong cả nước. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh năm 1921 ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Lưu Hữu Phước có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ và được gia đình gửi lên Sài Gòn học tập. Nhưng nhạc sĩ trẻ Lưu Hữu Phước sớm giác ngộ lòng yêu nước và đã tập hợp một ban nhạc để sáng tác những bài hát về tình yêu Tổ quốc. Bài hát "Thanh niên hành khúc" được nhạc sĩ viết năm 1939 khi mới 18 tuổi. Giai điệu sôi nổi trong sáng về tình yêu đất nước được các bạn trẻ thanh niên học sinh hồ hởi đón nhận. Nó khẳng định tài năng xuất sắc của nhạc sĩ trẻ Lưu Hữu Phước ngay từ những sáng tác đầu tiên.

Sau đó nhạc sĩ ra Hà Nội học Trường Đại học Y dược (1940). Giai đoạn này nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tham gia hoạt động và lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị trong giới sinh viên Đông Dương. Do được tiếp xúc và hòa nhập với phong trào Việt Minh nên Lưu Hữu Phước càng một lòng dấn thân vào con đường đấu tranh chống thực dân Pháp. Những bài hát của Lưu Hữu Phước liên tục ra đời trong giai đoạn này. Đó là những ca khúc tràn đầy khí thế cách mạng và thể hiện lòng yêu nước yêu dân tộc sâu sắc.

Đáng chú ý, hàng loạt ca khúc được phổ biến sâu rộng trong phong trào cách mạng như: "Bạch Đằng Giang", "Non sông gấm vóc", "Ải Chi Lăng" hay đó còn là "Hát giang trường hận", "Hờn sông Gianh", hoặc "Hội nghị Diên Hồng"… Đặc biệt trong đó bài "Hát Giang trường hận" sau này được đổi thành "Hồn tử sĩ" luôn được vang lên trong suốt 80 năm qua.

Năm 1943, nhạc sĩ được tổ chức cử về quê hương hoạt động. Từ đây nhạc sĩ Lưu Hữu Phước công khai tổ chức các phong trào thanh niên sinh viên. Lực lượng cách mạng ngày một phát triển. Lưu Hữu Phước cùng các chiến sĩ hoạt động cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Vào thời gian này nhạc sĩ đã cho ra đời ca khúc nổi tiếng "Khải hoàn ca".

Sau đó nhạc sĩ được tổ chức đưa ra Bắc để lập Trung ương Nhạc viện (9-1946), tiền thân cùa Nhạc viện Hà Nội sau này. Đến ngày toàn quốc kháng chiến, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng Hội Văn hóa Cứu quốc lên Việt Bắc tham gia công cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong giai đoạn này tài năng của Lưu Hữu Phước lại thêm tỏa sáng khi cho ra đời bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch". Đây chính là tác phẩm được đổi thành "Lãnh tụ ca" và được trình bày trong những hội nghị về Đảng và đại lễ của đất nước. 

Chiếc áo bà ba trên chợ nổi.

Khi chiến trường miền Nam vào giai đoạn khốc liệt, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lại được cử về quê hương giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng (1965). Đến khi Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa miền Nam ra đời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được bầu làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa.

Trong giai đoạn này nhạc sĩ đã có những sáng tác có giá trị. Đó là những bài hát nổi tiếng như: "Tình Bác sáng đời ta", "Dưới cờ đảng vẻ vang", "Xuống đường" và "Bài hát giải phóng quân". Đặc biệt trong đó có hai bài rất quan trọng là "Tiến về Sài Gòn" và "Giải phóng miền Nam". Riêng bài hát "Giải phóng miền Nam" được coi là "Quốc ca" của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam cho đến ngày thống nhất đất nước (30-4-1975).

Chiếc áo bà ba trên sông nước Cần Thơ
Giờ đây nếu bạn đến bến Ninh Kiều đi thuyền du ngoạn trên sông ắt sẽ gặp những chàng trai cô gái vận áo bà ba hướng dẫn du khách trên sông. Họ trò chuyện và đưa ra những trò chơi hoặc đố chữ làm cho bạn vui và quên quãng đường lênh đênh trên sông Hậu Giang.

Đặc biệt họ còn sẵn sàng hát và kể những câu chuyện về chiếc áo bà ba của dân sông nước miền Tây. Không ít nhạc sĩ đã sáng tác về chiếc áo bà ba mỗi khi về Cần Thơ. Nhưng có lẽ bài "Chiếc áo bà ba" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết năm 1976 là được hàng trăm ca sĩ chọn là tiết mục biểu diễn trong gần 45 năm qua.

Giai điệu "Chiếc áo bà ba" đậm chất dân ca đồng bằng sông Cửu Long đã được hình thành và vang lên từ bến Ninh Kiều. Hình ảnh chiếc áo bà ba luôn tạo dấu ấn trong lịch sử và những chiến công của người dân Cần Thơ trên dòng sông Hậu Giang. Lời ca ngân vang mênh mang: "Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/ Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/ Qua bến Bắc Cần Thơ/ Cùng những chàng trai coi thường con sóng dữ/ Những nữ anh hùng tóc dài chấm lưng thon/ Đất nước mình đây dẫu xuồng ghe bé bỏng/ Còn nghe quen chiến công trên dòng sông…".

Vương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét